Các quốc gia sản xuất dầu mỏ mất khoảng 10 tỷ USD do Covid-19
Tại buổi họp báo diễn ra vào hôm 4/3, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, các quốc gia sản xuất dầu lớn đã mất tổng cộng khoảng 10 tỷ USD doanh thu do giá dầu giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
“Chúng tôi thừa nhận, các nước sản xuất dầu đã phải chịu thiệt hại do nhu cầu và giá dầu giảm do sự lây lan của virus corona. Giá dầu đã giảm hơn 15% kể từ đầu năm, dẫn đến tổn thất trong doanh thu của các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn, con số thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ USD", bà Georgieva cho biết.
Nền kinh tế toàn cầu đã chuyển sang một kịch bản tồi tệ hơn
Bà Georgieva cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ giảm so với năm 2019, đặc biệt, mức độ suy giảm sẽ phụ thuộc vào tình hình lây lan của dịch Covid-19.
"Trong bất kỳ kịch bản nào, trong năm 2020, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng cũng sẽ thấp hơn năm ngoái. Mức độ suy giảm, cũng như sự suy giảm sẽ kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, cũng sự kịp thời và hiệu quả của các biện pháp được thực hiện", người đứng đầu IMF nói.
Bà Georgieva cũng gọi sự bùng phát dịch bệnh lần này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nêu rõ cần thiết phải phối hợp trong việc giải quyết hậu quả của nó. Theo bà, triển vọng phát triển nền kinh tế toàn cầu đang chuyển sang một kịch bản bất lợi hơn liên quan đến sự lây lan nhanh chóng của virus trong thời gian gần đây.
"Chúng tôi đang làm việc để cập nhật dự báo và sẽ công bố chúng trong những tuần tới”, người đứng đầu IMF cho biết thêm.
Theo đó, IMF sẽ kích hoạt các cơ chế tài chính khẩn cấp để phân bổ 50 tỷ USD hỗ trợ các nước thu nhập thấp và các nước thị trường mới nổi trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát dịch bệnh.
"Hơn 1/3 trong tổng số 189 thành viên của IMF đang phải đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh và IMF quyết tâm cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, đặc biệt là ở phân khúc dân số và các quốc gia dễ bị tổn thương nhất", bà Georgieva nói.
Trước đó, hôm 3/3, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã quyết định phân bổ khẩn cấp 12 tỷ USD để đối phó với sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.