Theo dữ liệu vừa công bố, hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 2 đã nhảy vọt lên mức cao nhất 1 năm, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh mẽ bất chấp những lo ngại về sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Cụ thể, Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số hoạt động phi sản xuất đã tăng lên mức 57,3 vào tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 2/2019, từ 55,5 vào tháng 1.
Không chỉ vậy, báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân (ADP) cho thấy, trong tháng 2, khu vực này tuyển mới 183.000 lao động, cao hơn mức dự kiến 170.000 việc làm. Số lao động tạo thêm trong tháng 1 được điều chỉnh giảm xuống 209.000 việc làm.
Sức mạnh thị trường lao động được củng cố bằng khảo sát ISM, cho thấy, mức độ sử dụng lao động trong ngành dịch vụ đã tăng lên mức 55,6 trong tháng 2 so với 53,1 trong tháng 1.
Một báo cáo của Fed cho biết, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng từ mức khiêm tốn đến vừa phải trong vài tuần vừa qua, nhưng vẫn tỏ ra lo ngại trước tác động của dịch Covid-19. Chính những lo ngại này đã thúc đẩy Fed bất ngờ quyết định giảm lãi suất 0,5% trong ngày thứ Ba, xuống 1 - 1,25%/năm. Việc Fed giảm lãi suất thông thường sẽ kích thích nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhưng với việc cơ quan này ra quyết định đột ngột, lại khiến nhà đầu tư nghi ngờ và lo lắng về sức khỏe nền kinh tế Mỹ đang có vấn đề nên bán mạnh ra trong phiên thứ Ba.
Ngoài ra, một thông tin quan trọng khác chính là chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden tại 10/14 bang trong cuộc bầu cử ngày “siêu thứ Ba” của đảng Dân chủ để chọn ứng viên ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Như vậy, sau cuộc bầu cử “siêu thứ Ba”, đảng Dân chủ chỉ còn là cuộc đua song mã giữa ông Biden và Thương nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.
Sau ngày “siêu thứ Ba” tỷ phú Michael Bloomberg rút lui và dành sự ủng hộ của mình cho ông Biden, càng làm gia tăng cơ hội cho cựu Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc đua tới Nhà Trắng.
Việc ông Biden, đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Obama chiến thắng đã giúp nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh. Cùng với đó, dữ liệu kinh tế lạc quan cũng tạo tâm lý phấn trấn cho giới đầu tư, qua đó giúp phố Wall có phiên giao dịch bùng nổ trong ngày giao dịch thứ Tư.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones tăng 1.173,45 điểm (+4,53%), lên 27.090,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 126,75 điểm (+4,22%), lên 3.130,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 334,00 điểm (+3,85%), lên 9.018,09 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng mạnh trong ngày thứ Tư với kỳ vọng sau Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ có quyết định hỗ trợ kinh tế tương tự để đối phó với sự ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 97,39 điểm (+1,45%), lên 6.815,59 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 142,30 điểm (+1,19%), lên 12.127,69 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 71,72 điểm (+1,33%), lên 5.464,89 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Hàn Quốc nhảy vọt hơn 2% nhờ lực cầu của nhà đầu tư nước ngoài sau khi đồng USD giảm mạnh sau động thái giảm lãi suất đột ngột của Fed, các thị trường còn lại biến động không lớn. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, chứng khoán Nhật gần như không đổi, còn chứng khoán Trung Quốc tăng vừa phải khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế tiếp theo sau hành động của Fed.
Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,33 điểm (+0,08%), lên 21.100,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,77 điểm (+0,63%), lên 3.011,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 62,75 điểm (-0,24%), xuống 26.222,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 45,18 điểm (+2,24%), lên 2.059,33 điểm.
Giá vàng gần như đi ngang trong phiên thứ Tư và đóng cửa giảm nhẹ khi chứng khoán khởi sắc.
Kết thúc phiên 4/3, giá vàng giao ngay giảm 3,9 USD (-0,24%), xuống 1.636,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,4 USD (-0,09%), xuống 1.643,0 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu lúc đầu tăng khá tốt sau khi Ả Rập Xê út và các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tìm cách thuyết phục Nga tham gia cắt giảm sản lượng sâu hơn để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh sức cầu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, đà tăng không thể duy trì được cho đến hết phiên, mà giá dầu thô quay đầu giảm khi đóng cửa phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 4/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,40 USD (-0,85%), xuống 46,78 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,73 USD (-1,41%), xuống 51,13 USD/thùng.