Kinh doanh thời chiến, ngán gì Iraq, Ukraine

(ĐTCK) Nhà nước hồi giáo IS có lẽ là một mối đe dọa, nhưng nó dường như chưa nguy hiểm lắm với hoạt động kinh doanh, tương tự như với ở Ukraine hay Bắc Phi.
Kinh doanh thời chiến, ngán gì Iraq, Ukraine

Mỗi ngày, từ vùng chiến sự ở Bắc Iraq do người Kurd kiểm soát, 3 công ty dầu lửa phương Tây, Genel Energy, DNO và Gulf Keystone, vẫn hút dầu thô và xuất chúng bằng đường ống và đường bộ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng giá trị thị trường của cả 3 công ty này đã sụt giảm gần một nửa sau khi IS chiếm quyền kiểm soát thành phố Mosul hồi tháng 6, nhưng đã hồi về mức 8,3 tỷ USD, giảm 29% so với đầu năm.

Mức giảm này vẫn lớn, nhưng không quá tệ đối với những công ty hoạt động nơi tuyến đầu của chủ nghĩa cuồng tín.

“Chúng tôi đã chuyển từ một nơi có điều kiện anh ninh chỉ hơi khó khăn đến chỗ hoàn toàn là một chiến địa”, chủ tịch một công ty nói. Nhưng vị lãnh đạo doanh nghiệp này tin rằng, lực lượng dân quân được trang bị vũ khí ở khu vực do người Kurd kiểm soát sẽ bảo vệ công việc của họ.

Cho đến nay, các nhà đầu tư đã điều chỉnh mô hình tài chính của mình, không còn bỏ chạy như trước. Giới phân tich hiện đã đưa ra mức chiết khấu cho bài toán dòng tiền của mình là 15%, tăng từ mức 12,5% trước khi IS tấn công.

Sự song hành giữa bất ổn và hoạt động kinh doanh bình thường là chuyện hoàn toàn có thật trên thế giới. Trong một cuốn sách mới đây của Henry Kissinger, chuyên gia lão luyện về chiến lược đối ngoại này đã mô tả về một thế giới mà trong đó, những nguy cơ bất ổn, bạo lực ở Ukraine và Trung Đông cũng như căng thẳng trên Biển Đông là những ví dụ thực tế.

Về lý thuyết, sau 20 năm mở rộng ra toàn cầu, các công ty đa quốc gia đang trở nên dễ bị tấn công hơn bao giờ hết. Các công ty niêm yết của phương Tây đang có từ 20-30% doanh số thu được từ các thị trường mới nổi, tăng gần gấp đôi so với những năm giữa thập kỷ 1990. Không chỉ các ông trùm dầu lửa, mà cả các chuyên gia công nghệ và các nhà bán lẻ thời trang cao cấp cũng đang đối mặt với rủi ro chính trị. Nó có thể bao gồm một loạt khía cạnh, từ bất ổn tiền tệ, phân biệt pháp lý, hạn chế chuyển tiền về nước và quấy rầy sản xuất, cho đến các biện pháp trừng phạt hay thậm chí quốc hữu hóa.

 Xung đột ở đang diễn ra ở Đông Ukraine, khu sản xuất lớn nhất nước này

Nhưng không có sự kiện bất ổn địa chính trị nào gần đây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp hay các thị trường tài chính. Dĩ nhiên là không tránh được những tác động nhất định. Carlsberg, Adidas, Société Générale và các công ty khác đã bị giảm giá cổ phiếu bởi Nga. Tổng giá trị vốn hóa của 10 công ty niêm yết phương Tây có liên hệ nhiều nhất với Nga đã giảm 35 tỷ USD. Nhưng đó chỉ là một giọt nước trong đại dương các công ty đa quốc gia.

Một chỉ số rủi ro chính trị được tính toán bởi công ty phân tích Dun & Bradstreet hiện ở mức cao nhất kể từ năm 1994. Nhưng chỉ số VIX, chỉ số đo lường độ biến động gợi ý của thị trường chứng khoán Mỹ, và cũng được biết đến như một “chỉ số sợ hãi”, đang ở mức thấp 20 năm.

Có một cách giải thích rất rõ ràng: những địa danh đang xảy ra xung đột là quan trọng về mặt chính trị, nhưng nhỏ bé về mặt kinh tế. Trung Đông, Bắc Phi, Nga và Ukraine, tất cả chỉ tạo ra 7% GDP toàn cầu. Chúng chỉ là “những vết xước ngoài da không hơn không kém”, lãnh đạo một ngân hàng ở Phố Wall nói.

Chỉ 2% cổ phiếu đầu tư nước ngoài của các công ty Mỹ, Nhật và Anh nằm trong những khu vực này. Nhiều ông chủ bị mất ăn mất ngủ bởi các luật sư Mỹ nhiều hơn bởi những cuộc thánh chiến. Hệ thần kinh trung ương của các công ty đa quốc gia - gồm hoạt động tài chính và các máy tính chủ - vẫn chủ yếu được đặt ở phương Tây, Singapore hay Nhật Bản. Vào các năm 1973, 1979 và 1990, giá dầu đã truyền tải bất ổn ở Trung Đông đi khắp thế giới, nhưng cơ cấu năng lượng của thế giới đã thay đổi từ đó, không còn phụ thuộc vào dầu, và Mỹ đang có rất nhiều khí phiến. Chính sách tiền tệ nới lỏng cũng trở thành chiếc phao cứu sinh cho các thị trường.

Các công ty ngày nay cũng đã chứng tỏ được khả năng thích ứng với rủi ro tốt hơn nhiều. Họ hầu như sẽ không có gì để làm nếu nghe theo lời khuyên của các học giả chính trị, nhưng có rất nhiều việc để triển khai nếu dựa trên tri giác của mình. Một ông chủ nói rằng, không gì có thể thay thế được việc đưa các giám đốc đến thăm cơ sở hoạt động của công ty. “Bạn sẽ cảm nhận được những gì đang diễn ra. Điều đó tốt hơn rất nhiều so với việc ngồi trong một phòng kín với những biểu đồ đẹp mắt và nghe một nhà phân tích mới 30 tuổi nói về những gì đang xảy ra ở châu Phi”.

Khủng hoảng, hay cơ hội?

Trước tiên, phải nói rằng, lời lãi kinh doanh ở những khu vực bất ổn rất có thể sẽ bị gọt trụi. Nhưng vẫn có cách để giảm thiểu rủi ro này.

Lafarge, một gã khổng lồ trong ngành xi măng của Pháp, có hoạt động ở khắp Trung Đô và Bắc Phi. Doanh số tại những nơi đó của Hãng đã tăng nhẹ từ năm 2009 và tổng lợi nhuận hoạt động hiện đạt 1,5 tỷ USD/năm. MTN, một công ty viễn thông - di động của Nam Phi, với khát khao mạo hiểm, đã thành lập một chi nhánh ở Syria (và cả Sudan lẫn Iran) nơi tổng lợi nhuận hoạt động đã tăng 56% trong 6 tháng đầu năm nay.

Hầu hết công ty đa quốc gia đã hạn chế được rủi ro của mình. Các cuộc khủng hoảng dưới chuẩn ở Mỹ và nợ công ở châu Âu đã vô tình giúp họ: các công ty lớn nắm giữ tiền nhiều hơn trước, khiến họ ít bị ảnh hưởng bởi sự tê liệt của thị trường tín dụng. GE đã tăng lượng tiền mặt lên gấp đôi mức mà hãng này nắm giữ năm 2006. Và hầu hết công ty lớn đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa địa lý. Việc tập trung thái quá vào một nước là sai lầm cổ điển. Sau cách mạng Trung Quốc năm 1949, HSBC, khi đó là một ngân hàng 100% châu Á, đã mất nửa cơ nghiệp của mình. Vụ quốc hữu hóa của Iran vào năm 1951 đối với các tài sản của công ty dầu lửa Anglo-Iranian đã bóp nát doanh nghiệp này, một điềm báo cho BP.

Có những câu chuyện hiện đại lặp lại những trường hợp trên. Repsol, một công ty dầu lửa của Tây Ban Nha, đã phải lòng Argentina và hăng hái bỏ tiền mua công ty YPF ở nước này, nhưng YPF đã bị quốc hữu hóa vào năm 2012. First Quantum, một công ty Canada, từng kiếm được 1/3 lợi nhuận từ một mỏ dầu ở Cộng hòa Congo, trước khi nó về tay nhà nước này vào năm 2009.

Nhưng sau 2 thập kỷ vươn tới các vùng lãnh thổ mới, các công ty đa quốc gia đã có được diện bao phủ rộng hơn. Chỉ hơn 10 công ty lớn, toàn cầu, và đã niêm yết có nguồn thu ở Nga chiếm 1/10 doanh số của họ. BP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào nước này, nhưng chỉ thu về khoảng 10% giá trị của mình từ cổ phần ở Rosneft, một công ty dầu lửa lớn của Nga. Các đại lý ở Moscow của McDonald’s, từng là một biểu tượng của hòa hữu (sau Chiến tranh Lạnh), đang phải tạm ngừng hoạt động, nạn nhân của sự trả đũa về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, người khổng lồ trong lĩnh vực đồ ăn nhanh này chỉ kiếm chưa đến 5% lợi nhuận của mình từ Nga.

Bức tranh này cũng có thực ở các điểm nóng khác. Telefonica, một doanh nghiệp Tây Ban Nha, và Procter & Gamble (P&G), một công ty của Mỹ, cùng bị kẹt hàng tỷ USD của mình ở Venezuela, khi nước này áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Nhưng số tiền đó chỉ chiếm dưới 5% doanh số của các công ty này. Ben van Beurden, Chủ tịch của Royal Dutch Shell, một liên doanh dầu khí Hà Lan - Anh, gần đây đã nói rằng, đa dạng hóa là “cách duy nhất để bạn tự… tiêm chủng cho mình”.

Cũng như việc gia tăng thanh khoản và mua bảo hiểm rủi ro, các doanh nghiệp giờ đã thông minh hơn trong cách vận hành mạng lưới sản xuất của mình. Một chuỗi cung toàn cầu yếu sẽ đỗ vỡ nếu chỉ cần một mắt xích đơn lẻ bị đứt gãy. Cơn lũ ở Thái Lan năm 2011, một trung tâm sản xuất phần cứng, đã làm gián đoạn cả ngành công nghiệp máy tính toàn cầu. Nhưng các nước mới nổi bây giờ không chỉ là công xưởng sản xuất cho các nước giàu nữa mà còn là thị trường tiêu thụ, qua đó cho phép sản xuất được tổ chức vào các tế bào khu vực mạnh mẽ hơn và cung cấp một cơ chế phòng vệ tiền tệ tự nhiên. Alan Lafley, Chủ tịch P&G, cho biết, 95% sản lượng của Công ty được dùng để phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Nhà máy thép ArcelorMittal ở Ukraine

Các công ty rất lớn có thể tái phân phối sản phẩm của mình đi khắp thế giới. ArcelorMittal, công ty đã đầu tư một nhà máy thép trị giá 5 tỷ USD ở Ukraine năm 2005, hiện đang bán sản phẩm thép tấm của mình ra ngoài nước này. William Fung của Li & Fung, công ty nhân lực lớn nhất thế giới, hiện đang phục vụ các nhà bán lẻ lớn như Walmart, nói rằng, từ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, hầu hết doanh nghiệp đều trở nên thận trọng hơn để đảm bảo luôn có những kế hoạch dự phòng. “Các doanh nghiệp đã kéo chuỗi cung của họ quá căng, đến nỗi trở nên nguy hiểm. Điều học được trong 5 năm qua là bạn cần một sự chùng lỏng nào đó trong chuỗi cung của mình - không nên đặt mục tiêu 100% công suất… Và cũng cần phải có sự co giãn”.

Liệu rủi ro địa chính trị có bị cường điệu hóa? Các giám đốc điều hành thừa nhận rằng, có những trường hợp thảm khốc khiến họ phải thức cả đêm để xử lý. Những căng thẳng với Nga có thể leo thang, dẫn đến các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn và thúc giục Nga đóng nguồn cung khí cho châu Âu. Một sự lật đổ chế độ quân chủ già nua ở Ả-rập Xê-út có thể khiến giá dầu tăng vọt. Và mọi người đều lo sợ về bất ổn chính trị hay một sự sụt giảm kinh tế ở Trung Quốc. Nước này đơn giản là quá lớn, cả về sản xuất lẫn tiêu dùng, để có thể bỏ qua. Ông chủ của Phố Wall nói rằng, “Thế kỷ này là của Trung Quốc, nhưng không phải năm nào cũng là của nước này. Khi Trung Quốc có một năm tồi tệ, mọi người sẽ hoảng sợ”. Chủ một ngân hàng khác nói rằng, một Trung Quốc hụt hơi là “không thể tránh được”. Còn lãnh đạo một công ty đa quốc gia lớn thì cho biết, ông lo sợ một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù địa chính trị có thể không phá hủy các tập đoàn đa quốc gia ngày hôm nay, nhưng nó có thể tác động làm thay đổi kế hoạch đầu tư của các công ty này. Sau một hồi tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào năm 2012, các công ty Nhật Bản đã đối diện với sự tẩy chay ở Trung Quốc và xuất khẩu của họ đã giảm 20%. Xuất khẩu đã phục hồi, nhưng các công ty Nhật Bản đã cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc: tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Trung Quốc đã giảm một nửa so với năm 2010, còn 7%. Tương tự, mâu thuẫn của Nga với phương Tây về vấn đề Ukraine đã ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn để nâng cấp ngành công nghiệp năng lượng cũ kỹ của nước này. Và xung đột ở Libya và Ai Cập đã đe dọa những hy vọng của Bắc Phi trong việc trở thành một trung tâm sản xuất cho châu Âu.

Giống như các nước, các công ty đa quốc gia không có đồng minh vĩnh cửu, chỉ có lợi ích vĩnh cửu.

Quang Huy (Theo The Economist)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục