“Lạnh gáy” giới tỷ phú Nga

(ĐTCK) Giới nhà giàu Nga từng phất lên nhờ giai đoạn chuyển giao nước Nga thời những năm 1990 đang lo lắng về tài sản của mình, sau vụ ông Vladimir Yevtushenkov, người giàu thứ 15 nước Nga, bị giam lỏng gần đây.
Ông Vladimir Yevtushenkov, ngoài cùng bên trái, người vừa bị quản thúc tại gia Ông Vladimir Yevtushenkov, ngoài cùng bên trái, người vừa bị quản thúc tại gia

“Thật khó hình dung ra thời khắc nào tồi tệ hơn cho những người thân cận ở Kremlin khi họ phải cố gắng phát động cuộc tấn công vào một trong những người giàu có nhất nước Nga. Vụ quản thúc tại gia hôm thứ Ba vừa qua đối với ông Vladimir Yevtushenkov, người giàu thứ 15 nước Nga, liên quan đến nghi vấn rửa tiền, rất tiếc lại là một trường hợp như vậy”, tờ Financial Times mở đầu bài viết của mình.

Nếu còn tham vọng bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến hơn, Nga chắc chắn cần phải kêu gọi đầu tư - cả trong lẫn ngoài nước - để nâng cao năng lực sản xuất và phục hồi tăng trưởng. Nhưng ngay cả trước khi nước này bắt đầu liên đới sâu vào câu chuyện Ukraine, giới nhà giàu Nga vẫn thích tái đầu tư lợi nhuận của họ vào các tài sản ở nước ngoài, như các tòa biệt thự ở London hay các quỹ tín thác ở Liechtenstein, hơn là ném vào các nhà máy mới ở Nga.

Theo FT, “cuộc chiến không công khai” của Kremlin ở Nga đã khiêu khích các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hiện đang đánh mạnh vào trụ cột của nền kinh tế nước này - ngành công nghiệp dầu lửa.

Các biện pháp trừng phạt đó, cùng với sự đáp trả của Nga, đang làm suy giảm niềm tin kinh doanh, hạn chế tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, đảo ngược dòng chảy đầu tư vào nước này, ước đến 75 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Qua việc khởi xướng vụ giam lỏng ông Yevtushenkov với những tình tiết như báo chí đăng tải, giới cầm quyền đang đe dọa phá hủy những gì còn lại của chủ nghĩa tư bản Nga.

Tờ FT bình luận, sẽ chẳng còn mấy người muốn đầu tư vào một đất nước có cách hành xử như vậy. 

Giống như hầu hết các trùm tài phiệt Nga, chủ tịch của Sistema đã không ngừng thu gom cho gia tài của mình. Các tỷ phú nước này đã gây dựng sự nghiệp khi hệ thống pháp lý của Nga vừa yếu, vừa thiếu. Nhưng bất kể nguồn gốc của những tài sản đó thế nào, hơn lúc nào hết, nước Nga cần khuyến khích để chúng được tái đầu tư ở quê nhà.

Trường hợp của Yevtushenkov gợi nhắc lại một vụ bắt giam khác, cách đây 11 năm, đối với tỷ phú Mikhail Khodorkovsky, chủ tịch công ty dầu lửa Yukos. Nhưng có những khác biệt quan trọng. Ông Khodorkovsky khi đó đã trở thành một mối đe dọa về chính trị đối với Tổng thống Putin. Còn ông Yevtushenkov vẫn luôn bảy tỏ thái độ trung thành của mình với Kremlin - ngay cả nếu ông ta từng có quan hệ mật thiết với Yuri Luzhkov, Thị trưởng lâu năm của Moscow, người đã bị thất sủng.

Bởi vậy, việc gây sức ép để Yevtushenkov bán công ty dầu lửa Bashneft của mình - được đồn đoán là cho Rosneft và Igor Sechin, Giám đốc điều hành có quan hệ với Kremlin của công ty này sẽ là người thâu tóm quyền hành - gợi ý có điều gì khác nữa đang diễn ra. 

Điều này có thể hàm ý rằng, nếu đồng ý bán công ty của mình, ông Yevtushenkov có thể tránh được án tù dài hạn, điều đã xảy đến với ông Khodorkovsky. Nhưng việc này gửi một tín hiệu cực kỳ quan ngại tới các tài phiệt Nga, bởi họ từ lâu đã tin rằng, nếu không dính dáng gì đến chính trị và ủng hộ bất kỳ dự án nào mà Tổng thống yêu cầu thì sẽ được yên thân.

Còn đối với các nhà đầu tư phương Tây, việc bắt giam ông Yevtushenkov, tiếp sau hàng loạt vụ quấy rầy các công ty như McDonald’s và Ikea, được xem là những dấu hiệu chống lại nỗ lực của Nga trong nhiều năm gần đây nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của nước này.

Quang Huy (Theo FT)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục