E-Control, đơn vị quản lý năng lượng của Áo cho biết, lượng cung khí đã giảm 25% hôm thứ Sáu tuần trước, mức giảm lớn nhất đối với đất nước nằm bên dãy Alpine này, tính đến nay. Lượng cung đã tăng lên trong ngày sau đó và chỉ còn giảm 20%”, Giám đốc điều hành E-Control, ông Martin Graf nói.
Vào thời gian này của năm, vì lý do thời tiết và để lấp đầy các kho dự trữ, mức giảm thường dao động từ 10% đến 15%, ông Graf cho biết thêm.
Nhà phân phối khí thiên nhiên SPP AS của Slovakia cho biết, hôm thứ Hai, dòng chảy khí của Nga vào nước này đã giảm 20% so với hợp đồng. Trong tuần trước, mức giảm là 25%.
Gaz System, đơn vị vận hành hệ thống khí của Ba Lan nói rằng, công ty Gazprom của Nga tiếp tục phân phối khí ít hơn so với mức mà Ba Lan đặt mua.
SPP và E-Control cùng cho biết, không có sự gián đoạn nguồn cung nào đối với các khách hàng trong nước của họ, mặc dù lượng khí nhập về từ Nga giảm.
Các kho dự trữ khí của Áo hiện đã đầy và nhu cầu khí đang thấp do thời tiết tương đối ấm, ông Graf nói.
“Tình hình không đến nỗi lo lắng, nhưng dĩ nhiên là chúng ta cần tính đến việc cắt giảm sẽ tiếp tục trong tương lai gần”, ông Graf nói thêm.
Ông Graf từ chối bình luận về thời gian mà Áo có thể đáp ứng được nhu cầu khí trong nước nếu Nga cắt hoàn toàn việc xuất khí cho nước này, thay vào đó, ông nhắc đến một cuộc thử nghiệm sức chịu đựng mà Ủy ban châu Âu sẽ thực hiện cho tình huống đó trong thời gian tới.
Đầu tháng trước, một phát ngôn viên của OMV, công ty dầu khí lớn nhất Áo, nói rằng, năng lực dự trữ của Áo có thể đáp ứng được 1 năm nhu cầu khí của nước này.
Giới chức Áo đã liên hệ với Gazprom của Nga để hỏi về việc cắt giảm này, nhưng “cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời”, ông Graf nói.
Việc cắt giảm nguồn cung khí xảy ra khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp diễn và hai nước vẫn còn những mâu thuẫn liên quan đến việc thanh toán khí. Moscow đang yêu cầu Kiev thanh toán 385 USD/1.000 m3 khí, một mức giá mà đất nước Ukraine vốn đang khó khăn về kinh tế không sẵn sàng trả. Nga đã cắt nguồn cung khí cho Ukraine từ tháng 6.
Cả Slovakia và Ba Lan, và nước có mức độ cắt giảm nguồn cung khí ít hơn là Hungary, đang điều khí sang nước láng giềng Ukraine sau khi Gazprom ngừng cấp khí cho nước này.
Mặc dù bị Nga cắt giảm nguồn cung, song Ba Lan vẫn tiếp tục cung cấp khí cho Ukraine thông qua Đức và Cộng hòa Séc.
Nhà vận hành đường ống khí Eustream của Slovakia cũng cho biết hôm thứ Hai rằng, dòng chảy khí của nước này sang Ukraine và nhu cầu nội địa của Slovakia vẫn không bị ảnh hưởng, cho dù Nga giảm lượng cung.