Kiểm toán Việt nâng tầm để hội nhập

(ĐTCK) Với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo ông Ngô Đức Đoàn, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Hãng Kiểm toán AASC,  song song với cơ hội thì DN dịch vụ kiểm toán trong nước cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn hơn. Để duy trì năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.
Ban Tổng Giám đốc AASC Ban Tổng Giám đốc AASC

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới thông qua việc ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do, thực hiện nhiều cam kết hội nhập đã ký. Điều này dẫn đến những thay đổi như thế nào trong ngành kế toán, kiểm toán, thưa ông?

Việt Nam vừa ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) và dự kiến sẽ chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Việt Nam cũng đang xúc tiến đàm phán để sớm ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cùng với dòng luân chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong nước, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Cùng với đó, các cam kết về tự do di chuyển của người lao động trong khu vực ASEAN cũng mở ra nhiều cơ hội hành nghề ở các quốc gia khác trong khu vực cho các kiểm toán viên Việt Nam.

Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, cơ hội, sẽ có không ít khó khăn, thách thức về yêu cầu chất lượng báo cáo tài chính và quản trị hoạt động minh bạch. Để duy trì năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực ít nhất là ngang bằng trình độ khu vực.

Ông Ngô Đức Đoàn
 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, yêu cầu đặt ra với chất lượng báo cáo tài chính cũng như các thông tin về tài chính ngày càng cao. Theo ông, ngành dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc đáp ứng yêu cầu này?

Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam được ban hành năm 2013 theo hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC).

Việt Nam đã ban hành Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 và đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán để tạo tiền đề pháp lý cho sự hình thành hệ thống chuẩn mực kế toán theo các thông lệ của hệ thống chuẩn mực quốc tế.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm quen với các thông lệ chung của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, tăng cường chất lượng báo cáo tài chính.

Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam cũng đang phát triển về số lượng, chất lượng và ngày càng có nhiều người đã trở thành hội viên của các hiệp hội kế toán quốc tế chuyên nghiệp như ACCA, CPA Ausatralia, CIMA…

Ngoài những thuận lợi nói trên, ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn. Một số cơ quan quản lý nhà nước nói riêng, những cán bộ quản lý, một bộ phận lớn nhà đầu tư trong nước và người làm công tác kế toán, tài chính nói chung vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và vai trò của công tác kế toán, cũng như trách nhiệm minh bạch báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, quá trình áp dụng những thông lệ chung của quốc tế sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán, mặc dù đã có nhiều người hoàn thành các chứng chỉ quốc tế, nhưng số lượng này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu chung của thị trường. Thêm vào đó, các nhân sự này hiện cũng đang chủ yếu làm việc cho các công ty đa quốc gia ở Việt Nam và một số doanh nghiệp kiểm toán lớn.

Yếu tố con người và quan điểm về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong chất lượng dịch vụ. Ông có nhận xét gì về thực tế hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam hiện nay?

Bộ Tài chính chủ trương quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng hiệu quả và được kiểm soát hoạt động chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện nay thường chú trọng đến tăng trưởng doanh số, chưa tập trung thỏa đáng cho kiểm soát chất lượng dịch vụ, đào tạo chuyên môn và thiếu đầu tư về trình độ nguồn nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh thông qua hạ giá phí dẫn đến việc thực hiện dịch vụ không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng chung tới ngành và hình ảnh của chính doanh nghiệp. Do vậy, đây sẽ là những thách thức và là bài toán lớn của doanh nghiệp kiểm toán trong tiến trình hội nhập.

Vậy bài toán chất lượng - lợi nhuận được giải quyết ra sao tại AASC?

Cùng với nỗ lực thực hiện cam kết về chất lượng dịch vụ phù hợp với quy định và thông lệ chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, AASC luôn chú trọng đầu tư về nhân sự, hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa dịch vụ chuyên ngành. Điều này giúp chúng tôi tăng cường chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Chúng tôi luôn thấu hiểu rằng, thành công lớn nhất của AASC là gây dựng, củng cố được niềm tin của các khách hàng. Niềm tin ấy được xây dựng từ nền tảng văn hóa trung thực - uy tín - minh bạch, hun đúc qua nhiều thế hệ và được kế thừa, phát huy trong mỗi hành động và suy nghĩ của mỗi thành viên AASC.

Để có thể chủ động tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức từ hội nhập mang lại, AASC đã có sự chuẩn bị như thế nào?

AASC đã nhận thức, hưởng ứng tích cực và tham gia có trách nhiệm, hiệu quả với tư cách là thành viên của HLB Quốc tế - mạng lưới kế toán và tư vấn quản trị chuyên nghiệp để tiếp nhận kỹ thuật, kinh nghiệm nhằm đáp ứng cho hội nhập.

Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân sự giành được các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACA, ACCA, CPA Úc, CPA Mỹ, CIA, CIMA... Hiện tại, AASC có 10 chuyên gia có chứng chỉ quốc tế, 1 chuyên gia Nhật Bản và có 39 nhân viên sắp hoàn thành các chứng chỉ quốc tế nêu trên.

Bên cạnh đó, AASC ưu tiên tuyển dụng nhân sự đã có chứng chỉ quốc tế và những chuyên gia có nhiều năm làm việc tại các công ty kiểm toán Big 4. Đến nay, chúng tôi đã đầu tư nhân sự cao cấp ở nhiều khối dịch vụ, tuyển dụng các nhân sự nước ngoài phụ trách khối khách hàng nước ngoài.

AASC cũng đang hoàn tất thử nghiệm ứng dụng phần mềm quản lý, phần mềm kiểm toán tiên tiến để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ.

AASC đã gần trải qua 25 năm hoạt động, bản thân ông cũng là người có nhiều tâm huyết và trăn trở với nghề. Ông có thể chia sẻ mục tiêu mà AASC hướng đến trong dài hạn?

AASC là một trong hai doanh nghiệp kế toán, kiểm toán được thành lập đầu tiên của Việt Nam. Qua gần một phần tư thế kỷ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng AASC liên tục phát triển và duy trì sự tăng trưởng bền vững.

Theo xếp hạng của Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), AASC cùng 4 công ty kiểm toán Big 4 đang hoạt động tại Việt Nam có doanh thu, khách hàng và đội ngũ kiểm toán viên lớn nhất thị trường.

Chúng tôi luôn chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo và tăng cường chuyên môn cũng như tạo ra một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp và văn hóa.

Trong kế hoạch thực hiện “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đưa ra “Đề án xây dựng 2 doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam từng bước phát triển ngang tầm Big4 vào năm 2020”, trong đó, Hãng Kiểm toán AASC và Công ty Kiểm toán A&C là hai doanh nghiệp được vinh dự lựa chọn hiện thực hóa chiến lược này.

Là một trong số ít cán bộ đầu tiên được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính, thuế…, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, AASC tiếp tục vững bước và sẽ luôn là doanh nghiệp dẫn đầu, từng bước phát triển ngang tầm với các công ty kiểm toán Big4 hoạt động tại Việt Nam.

Minh Anh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục