Hội nhập, kiểm toán Việt chủ động làm mới mình

(ĐTCK) Thị trường dịch vụ kiểm toán và tư vấn ngày một tiềm năng nhưng sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực này không vì thế mà nguội bớt, từ chiến lược mở rộng độ phủ của các hãng kiểm toán quốc tế Big 4 hay tình trạng đua nhau giảm giá phí của các doanh nghiệp. Năm mới, làng kiểm toán Việt sẽ làm gì để vượt qua những thách thức này.
Ông Đỗ Mạnh Cường Ông Đỗ Mạnh Cường

Ông Đỗ Mạnh Cường, Ủy viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Hãng Kiểm toán AASC trò chuyện với ĐTCK. 

Năm 2014, thị trường chứng kiến nhiều động thái mở rộng hoạt động của các hãng Big 4 tại Việt Nam. Ông cảm nhận sức nóng cạnh tranh từ phân khúc này ra sao?

Ảnh hưởng của Big 4 tại Việt Nam là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của thị trường trong giai đoạn hội nhập. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Big 4 với các công ty kiểm toán trong nước đang ngày một thu hẹp ở chất lượng dịch vụ và nhân sự. Doanh nghiệp nội đã vượt trội ở dịch vụ kiểm toán xây dựng cơ bản và được xem xét bình đẳng trong danh sách do các TCTD quốc tế tại Việt Nam bình chọn… Về đội ngũ kiểm toán viên (KTV) trong nước hiện nay, ngày càng có nhiều người tốt nghiệp và được cấp các bằng cấp quốc tế... Các công ty nội cũng rất chú trọng việc đầu tư cho đào tạo, cử nhiều nhân sự đi học bài bản nhằm dần lấp đầy khoảng cách với Big 4. 

Tại rất nhiều cuộc họp của Bộ Tài chính, các hiệp hội kế toán, kiểm toán, câu chuyện về cuộc đua hạ giá phí đều được nhắc đến. Năm qua, đã xử lý được tình trạng này chưa, thưa ông?

Thẳng thắn mà nói, dù rất nhiều lần vấn đề này được đưa ra bàn thảo nhưng đều chưa có giải pháp phù hợp. Giống như hiệu ứng domino, khi các công ty lớn hạ giá phí để tiếp cận các phân khúc của các công ty nhỏ hơn, các công ty nhỏ hơn cũng sẽ giảm giá để hoặc là cố gắng duy trì khách hàng, hoặc là tiếp cận phân khúc của các công ty nhỏ hơn khác… và quá trình này cứ như thế trong nhiều năm gần đây. Do ảnh hưởng của vấn đề này, một số hội nghề nghiệp như VACPA đã phải đưa ra giải pháp tình thế là tăng cường kiểm tra chất lượng các hợp đồng dịch vụ có giá phí thấp. 

Nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã thực hiện tái cấu trúc giảm số lượng và tăng chất lượng. Trong lĩnh vực kiểm toán, điều này đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Khi thị trường kiểm toán mới hình thành, để thành lập một công ty kiểm toán, cơ quan quản lý chỉ quy định có 3 KTV với một vài năm kinh nghiệm, thị trường sau đó có trên 150  công ty ra đời. Khi Việt Nam có Luật Kiểm toán độc lập, các quy định về điều kiện thành lập đã được nâng lên về số lượng KTV, vốn điều lệ… Thị trường cũng đã có một số công ty hợp nhất để tăng năng lực cạnh tranh. Tính đến 10/6/2014, thị trường còn trên 134 công ty được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Quá trình này, theo tôi, cần tiếp tục được thực hiện.  

Năm 2015, dự báo kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc, cùng với nhiều bộ luật mới được thực thi và sự chuyển động về nhận thức của doanh nghiệp với tình hình tài chính, ông nhìn nhận về cơ hội cho doanh nghiệp và ngành kiểm toán như thế nào?

Thị trường sẽ có nhiều dư địa cho doanh nghiệp kiểm toán tốt tăng trưởng. Đơn cử, nhu cầu từ tư vấn cổ phần hóa, định giá doanh nghiệp, kiểm toán và tư vấn khối doanh nghiệp FDI, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu khối ngân hàng, các tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả nói riêng… Luật Đấu thầu mới có hiệu lực từ 1/7/2014 cũng hạ mức yêu cầu phải tổ chức đấu thầu công khai các gói thầu kiểm toán, tư vấn đối với các hợp đồng có giá trị từ 3 tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng cũng làm số lượng dự án, công trình cần phải được kiểm toán ngày một mở rộng. 

Trước cơ hội và thách thức từ cạnh tranh quyết liệt như vậy, theo ông, doanh nghiệp kiểm toán Việt sẽ làm gì để chủ động nắm bắt và phát triển?

Các công ty kiểm toán nên chú trọng và hướng đến việc đầu tư chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, tin học hóa dịch vụ cung cấp, trở thành những đối tác tin cậy. Để có đủ nguồn lực cạnh tranh, các công ty kiểm toán nội nên ưu tiên phát triển nguồn nhân sự và mạng lưới, hình thành “supply chain” trong lĩnh vực nghề nghiệp thông qua việc liên doanh, liên kết, sáp nhập thành công ty lớn, hoặc gia nhập các mạng lưới kế toán quốc tế, để kết hợp và chia sẻ lợi thế của mỗi thành viên, hình thành khối liên kết mạnh mẽ. Kinh nghiệm tại AASC cho thấy, sau khi là thành viên HLB Quốc tế, AASC đã có thêm nhiều cơ hội lan tỏa thương hiệu với khách hàng nước ngoài. Năm 2014, AASC đã đầu tư nhân sự cao cấp ở nhiều khối dịch vụ, ưu tiên tuyển dụng các nhân sự nước ngoài phụ trách khối khách hàng nước ngoài. AASC cũng đang hoàn tất thử nghiệm ứng dụng phần mềm Caseware và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, khách hàng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ … 

Dù không dễ song tôi tin rằng, thương hiệu các công ty kiểm toán Việt sẽ ngày càng được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường nhờ vào kết quả chất lượng dịch vụ do các yếu tố đầu tư kể trên mang lại.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục