Nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt đến nguyên nhân của hạn chế trong phòng chống tham nhũng là cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị cần có sự thay đổi.
Cuối chiều 23/10 và cả ngày hôm nay ( 24/10) Quốc hội thảo luận trực tuyến về phòng chống tham nhũng, tội phạm.
Với công tác phòng chống tham nhũng, cả Chính phủ, cơ quan thẩm tra và đại biểu đều nhất trí, năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội và đại biểu cũng chỉ ra khá nhiều hạn chế, đã được chỉ ra năm này qua năm khác nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
Công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; qua thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm có dấu hiệu tội phạm, nhưng số vụ việc chuyển cơ quan chức năng để xử lý còn ít; vẫn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, theo Chính phủ là cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chậm được hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn, lúng túng, hiệu quả chưa cao, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra về cán bộ và công tác cán bộ còn hạn chế.
Theo đại biểu Tuấn, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được đề cập trong Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, bổ sung năm 2011 và tiếp tục được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013, khi khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện trong thực tế còn hạn chế. Nếu không có sự kiểm soát tốt, dễ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền và đó là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Những vụ án lớn vừa qua, chúng ta thấy rất rõ điều đó, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Trước hết, Quốc hội cần giao cho Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
Lý do cần sửa, theo đại biểu là tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, có nguyên nhân bởi sự bất cập ngay trong quy định về trách nhiệm và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại.
Đó là, theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành, người khiếu nại được chọn cơ quan hành chính hoặc tòa án để khiếu nại đối với các hành vi hành chính. Song trên thực tế, những khiếu nại chủ yếu được gửi đến cơ quan hành chính xem xét giải quyết, các vụ việc đưa ra tòa án hành chính giải quyết không nhiều.
Như vậy về cơ bản các khiếu nại đối với các hành vi hành chính, cơ quan hành chính lại do chính các cơ quan hành chính giải quyết. Điều này không tránh khỏi có sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong việc giải quyết, dẫn tới nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp kéo dài, thậm chí trở thành những điểm nóng, gây bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhất là Luật Khiếu nại theo hướng giao cho Tòa án các cấp thực hiện toàn bộ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính. Tức là yêu cầu giải quyết khiếu nại chỉ thông qua con đường duy nhất là theo trình tự và thủ tục tố tụng hành chính.
Các cơ quan hành chính vẫn thực hiện trách nhiệm giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu có khiếu nại đối với các quyết định giải quyết tố cáo của cơ quan hành chính thì việc giải quyết khiếu nại đó do Tòa án thực hiện.
Nếu làm được như vậy, theo đại biểu, sẽ phát huy tốt hơn vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước của cơ quan tư pháp đối với các hoạt động hành pháp. Từ đó góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của các cơ quan và trách nhiệm của công chức, viên chức nhà nước trong việc quyết định và thực hiện các quyết định hành chính, giảm thiểu các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được khách quan, nghiêm túc hơn. Tránh sự đùn đẩy, né tránh trong giải quyết, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí trở thành điểm nóng như hiện nay, ông Tuấn phát biểu.