Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng - Bài 2: Mánh lới tinh vi, bất chấp luật pháp, đạo lý

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ đạo miệng trái với văn bản; “mượn” công cụ pháp luật làm vỏ bọc rồi “đổi trắng thay đen”..., các quan tham bất chấp luật pháp, đạo lý hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Vừa chỉ đạo miệng trái với văn bản giúp công ty của vợ hưởng lợi hàng chục tỷ đồng trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung vừa chủ động yêu cầu thanh tra, rồi ép buộc Thanh tra TP. Hà Nội thay đổi kết luận theo hướng không có sai phạm. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội dùng chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội. Ảnh: H.N Vừa chỉ đạo miệng trái với văn bản giúp công ty của vợ hưởng lợi hàng chục tỷ đồng trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung vừa chủ động yêu cầu thanh tra, rồi ép buộc Thanh tra TP. Hà Nội thay đổi kết luận theo hướng không có sai phạm. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Thoát nước Hà Nội dùng chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước hồ tại Hà Nội. Ảnh: H.N

Bài 2: Mánh lới tinh vi, bất chấp luật pháp, đạo lý

Chỉ đạo miệng trái với văn bản; “mượn” công cụ pháp luật làm vỏ bọc rồi “đổi trắng thay đen”, vừa vơ vét của công, vừa rao giảng liêm chính…, các quan tham đã không từ mánh lới nào để trục lợi; bất chấp luật pháp, đạo lý hòng qua mặt cơ quan chức năng.

Mờ mắt triệu đô, bán rẻ pháp luật

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa ấn định ngày 5/11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ 5 tỷ đồng cho cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh.

Trước đó, tháng 8/2021, tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu cần sớm đưa ra xét xử vụ án “đưa hối lộ”; “môi giới hối lộ”; “nhận hối lộ” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Duy Linh.

Đáng chú ý, “con sâu to” là vị lãnh đạo cấp Tổng cục này mãi tới giữa năm 2021 mới được lôi ra ánh sáng, dù vụ việc của Phan Văn Anh Vũ đã được tiến hành điều tra, xét xử từ năm 2018, cho thấy sự khó khăn, gian nan của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này, khi các đối tượng phạm tội vừa có trình độ, vừa nắm giữ những cương vị rất quan trọng trong bộ máy quản lý, thêm nữa lại là một lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo cáo trạng, do lo sợ bị xử lý hành vi làm lộ lọt tài liệu bí mật nhà nước, năm 2017, Phan Văn Anh Vũ thông qua Hồ Hữu Hòa, làm quen và chuyển tiền cho Nguyễn Duy Linh, để nhờ Linh thông tin về việc Tổng cục Tình báo xem xét xử lý Vũ, cũng như “giúp” Vũ trong quá trình xử lý.

Cáo trạng nêu, Nguyễn Duy Linh đã nhiều lần điện thoại nói chuyện với Phan Văn Anh Vũ. Ngày 17/12/2017, Nguyễn Duy Linh trực tiếp gọi điện thoại bằng ứng dụng Viber vào số điện thoại của Phan Văn Anh Vũ, thông tin “việc rất căng... có thể khả năng xấu nhất xảy ra, có thể khởi tố, bắt giam” và khuyên Vũ “nên đi du lịch qua màn ảnh nhỏ một thời gian ngắn..., cố gắng qua nước châu Âu”. Nhờ được Nguyễn Duy Linh mớm tin, Vũ bỏ trốn sang Singapore, gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy bắt, điều tra, xét xử.

Vì sao một lãnh đạo cấp cao, nắm giữ công cụ pháp luật trong tay như Nguyễn Duy Linh, thay vì phải nhân danh pháp luật xử lý nghiêm tội phạm, lại trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm bỏ trốn như vậy? Câu trả lời phải chăng là “tiền”, và “rất nhiều tiền” đã làm mờ mắt, đánh gục vị cán bộ này?

Cơ quan điều tra xác định, ngoài 5 tỷ đồng được gói bằng túi nylon (Nguyễn Duy Linh đã nhận túi tiền này), Vũ khai đã 3 lần đóng tiền vào thùng xốp, với tổng số 4 triệu USD, nhờ người chuyển cho Linh!

Cáo trạng cho biết, bị can Nguyễn Duy Linh ngoan cố không khai nhận tội, phủ nhận toàn bộ sự việc. Khi cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh, ông Linh mới thừa nhận có quan hệ quen biết với Phan Văn Anh Vũ, có nhận quà nhiều lần, nhưng không thừa nhận là tiền. Tuy nhiên, kết quả điều tra của cơ quan điều tra đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị can như đã nêu. Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây dư luận bất bình, làm suy giảm niềm tin vào cơ quan nhà nước.

Thao túng trắng trợn, che giấu tinh vi

Cũng là một “quan to” xuất phát từ ngành công an, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn thao túng quyền lực trắng trợn và tinh vi hơn, hòng che mắt pháp luật.

Chưa ở đâu, vụ việc nào, khái niệm “sân sau”, “sân nhà” lại đúng cả nghĩa bóng, nghĩa đen và ngang nhiên như với trường hợp Công ty Arktic do vợ ông Chung lập ra, điều hành. Không những chỉ đạo, gây sức ép và tạo điều kiện để công ty này được hưởng lợi hàng chục tỷ đồng từ việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung còn để Công ty Arktic đặt trụ sở chính ngay tại siêu thị Minh Hoa của gia đình mình (trên phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội). Phải đến khi Thanh tra TP. Hà Nội hoàn thành việc thanh tra toàn diện vụ việc, Công ty Arktic mới chuyển trụ sở đến phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng).

Người ta đặt câu hỏi, vì sao cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lại ngang nhiên để công ty “sân sau” ngay trong “sân nhà” của mình, không mảy may quan tâm, đếm xỉa gì đến dư luận như vậy? Phải chăng, ông ta tin tưởng quyền lực của mình có thể “một tay che cả bầu trời”?

Nhưng, đó mới chỉ là bước đầu. Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội còn ngang nhiên “ngồi trên” pháp luật và có thủ đoạn hết sức tinh vi để “mở két của công”, lấp đầy túi tham của gia đình.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), trong vụ việc mua chế phẩm Redoxy 3C, một mặt, ông Chung ra văn bản chỉ đạo mua Redoxy 3C trực tiếp từ Hãng Watch Water, mặt khác, ông ta lại chỉ đạo miệng, yêu cầu ông Võ Tiến Hùng (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm này qua Công ty Arktic do vợ ông nắm 100% vốn, giúp công ty này dễ dàng bỏ túi hơn 36,1 tỷ đồng. Thậm chí, khi Công ty Thoát nước Hà Nội chưa ký hợp đồng với Công ty Arktic, ông Chung đã chỉ đạo ông Hùng ứng tiền mua Redoxy 3C. Ông Hùng sau đó phải lấy 4,6 tỷ đồng của gia đình chuyển cho Nguyễn Trường Giang (Công ty Arktic).

Theo cơ quan điều tra, động cơ phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung là để giúp doanh nghiệp của vợ hưởng lợi bất chính và cựu Chủ tịch Hà Nội đã “dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khi chỉ đạo miệng trái với chỉ đạo văn bản”.

Trắng trợn thao túng quyền lực hơn, khi báo chí, dư luận phản ánh có khuất tất trong việc mua, bán chế phẩm Redoxy 3C liên quan đến công ty của vợ, ông Chung đã chỉ đạo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra toàn diện vụ việc.

Động thái này khiến dư luận có thể nhìn nhận ông Chung như một lãnh đạo công tâm, khách quan, “quân pháp bất vị thân”, quyết liệt chống tiêu cực.

Nhưng, sự thực, đó chỉ là “chiêu trò” để cựu Chủ tịch Hà Nội che giấu động cơ, hành vi phạm tội của mình. Bởi, theo cơ quan điều tra, khi Thanh tra TP. Hà Nội xác định có một số sai phạm, thì ông Chung, với cương vị Chủ tịch UBND Thành phố, đã nhiều lần tổ chức họp, chỉ đạo, định hướng, ép buộc Thanh tra TP. Hà Nội thay đổi kết luận thanh tra theo hướng không có sai phạm gì, không đúng bản chất vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên, ông Chung sử dụng công quyền được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó để phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc giúp người thân trục lợi.

Trong vụ án làm trái quy định Luật Đấu thầu liên quan gói thầu “số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội” của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, chỉ với một cú điện thoại ngay trước hạn mở thầu 1 ngày, ông Chung đã khiến các doanh nghiệp khác phải “ngậm đắng” rời “sàn đấu” mà không có lý do.

Cơ quan điều tra xác định, ông Chung đã gọi điện cho ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, yêu cầu dừng đấu thầu. Lý do là, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường gửi email cho ông Nguyễn Đức Chung, đề xuất ông Chung chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần để Huy giới thiệu một công ty tham gia!

Khi gói thầu này được mở lại, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và liên danh đã trúng thầu, với những điều chỉnh về hồ sơ mời thầu được ví như “đề bài dọn đường”, dành riêng cho Nhật Cường Software.

Trước đó, năm 2019, khi Bộ Công an điều tra vụ án hình sự buôn lậu xảy ra tại Công ty Nhật Cường (ông Chung và vợ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), ông Chung đã chỉ đạo cấp dưới và sử dụng các mối quan hệ của mình, tìm cách chiếm đoạt các tài liệu điều tra nhằm che giấu hành vi phạm tội. Với hành vi bất chấp pháp luật đó, ông Chung đã bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xử phạt 5 năm tù về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước vào tháng 12/2020.

Có thể nói, những thủ đoạn vừa tinh vi, xảo trá, vừa ngang nhiên, trắng trợn để trục lợi và che đậy hành vi phạm tội của các quan chức này đã ở mức không còn một chút liêm sỉ.

Nếu ông Chung không bị phanh phui chuyện dùng quyền lực gây sức ép với cấp dưới để “đổi trắng thay đen”, nếu ông Linh không bị đưa ra ánh sáng hành vi nhận hối lộ, giúp tội phạm bỏ trốn, thì phải chăng, họ vẫn tiếp tục ngồi trên đỉnh cao quyền lực, tiếp tục thao túng, trục lợi, vét đầy túi tham?

Phải chăng, có tình trạng các quan chức, lãnh đạo các cấp coi “của công là của ông”, cứ ngồi vào “ghế” là vun vén, vơ vét, tự cho mình quyền cao vời vợi, bất chấp pháp luật, chà đạp đạo đức công vụ như vậy?

Phải chăng, chính nhận thức đó, sự suy thoái, biến chất đó là nguồn cơn, gốc rễ của những đại án tham nhũng gây bức xúc dư luận lâu nay?

Ngay trước Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 và một số cá nhân, do “vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc, quy định của Quân ủy Trung ương”; “vi phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên biển, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.

Ban Bí thư kết luận, nhiều cán bộ tướng lĩnh “bản thân suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, vào năm 2018, 2019, 2020, hàng loạt tướng lĩnh ngành công an, quân đội như cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến; nhiều tướng lĩnh các quân khu, quân đoàn; cựu Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân… cũng đã phải nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, hình phạt thích đáng của pháp luật.

(Còn tiếp)

Huy Hào
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục