Khi báo kinh tế “tuyên chiến” với tiêu cực, tham nhũng…

0:00 / 0:00
0:00
Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí làm cản trở, kìm hãm quá trình vận động, phát triển của xã hội. Chuyên sâu trong lĩnh vực kinh tế, Báo Đầu tư đã “tham chiến”, phát huy được thế mạnh của mình…
Với loạt bài “Chặt vòi bạch tuộc biến của công thành của tư”, Báo Đầu tư đã đoạt Giải A Giải Búa Liềm vàng năm 2020 Với loạt bài “Chặt vòi bạch tuộc biến của công thành của tư”, Báo Đầu tư đã đoạt Giải A Giải Búa Liềm vàng năm 2020

Đi ngược thời cuộc, nhưng “dậy sóng”

“Thời cuộc” nghề báo chính là thời buổi báo mạng, thời câu view, thậm chí không ít tờ báo phải bỏ đi thế mạnh của mình để câu view bằng mọi giá, khiến không chỉ nhà báo, mà cả tờ báo chỉ còn nhiệm vụ truyền tin, lụi tàn đi khả năng phát hiện vấn đề, triển khai đề tài lớn.

Nhưng Báo Đầu tư không chọn ngã rẽ đó, mà chọn đầu tư sâu con người, thậm chí ưu ái “đất” cho những vệt bài mang tính chiến đấu cao với loại hình tội phạm kinh tế. Kết quả, không có nhiều like, share như báo mạng chạy theo view, nhưng hàng loạt vụ việc Báo đăng đã được “vua biết mặt, chúa biết tên”, bởi đã góp phần cứu được doanh nghiệp, góp phần phanh phui mảng tối.

Đó là vụ phanh phui, phân tích, chỉ rõ những “động tác” bất hợp lý, trật luật của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương khi “kết án” trật, rồi mượn cớ thanh tra toàn diện nông trại 152 ha tại Bình Dương của Công ty cổ phần Vinamit hòng thực hiện mưu đồ khác. Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc. Kết quả, cơ quan chức năng Bình Dương buộc phải dừng thanh tra doanh nghiệp bởi nhiều hành vi trật luật, không khác Báo Đầu tư đã phân tích. Nói cách khác, Vinamit đã “thoát nạn”!

Đó là vụ Báo đeo bám, chiến đấu suốt từ năm 2019 việc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải cầm cố trái luật, rồi còn đem bán trộm nền nhà phố biệt thự ở Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã có chủ cho người khác. Kết cục, trước “sức nóng” công luận, sự kêu cứu của nhà đầu tư, tháng 4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án và tháng 7/2021, bắt tạm giam ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải để điều tra về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Hoặc vụ việc Vinafood 2 (Tổng công ty Lương thực miền Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dùng chiêu hợp tác góp vốn và nhiều lần chuyển nhượng lòng vòng rồi “hô biến” khu đất công hơn 6.300 m2 tại số 33 - đường Nguyễn Du và số 34-36-42 - Chu Mạnh Trinh (quận 1, TP.HCM) sang tư nhân. Từ phản ánh của báo chí, Phó thủ tướng chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kiến nghị phải thu hồi đất, phải xử lý cá nhân tổ chức sai phạm.

Dậy sóng là vụ việc từ năm 2019, Báo đã “điều tra sống”, phanh phui rồi chiến đấu quyết liệt việc Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương “hô biến” 2 khu đất công 43 ha và 152 ha, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo.

Kết cục, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố tới 21 bị can, trong đó có hàng loạt người từng là quan chức lớn của tỉnh Bình Dương như nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam; nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc; cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Phạm Văn Cành; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, chưa nói tới hàng loạt quan chức sở, ngành và tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp.

Mảnh đất vàng mà Vinafood 2 “hô biến” sang tư nhân mà Báo Đầu tư phản ánh
Mảnh đất vàng mà Vinafood 2 “hô biến” sang tư nhân mà Báo Đầu tư phản ánh

Bước lên “thảm đỏ’”

Việc “đầu tư” của Báo Đầu tư không chỉ được doanh nghiệp ghi nhận. Năm 2020, Báo đã gây “sửng sốt” trong giới báo chí, khi là tờ báo chuyên sâu kinh tế lại đoạt Giải A Búa Liềm vàng” (Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng) với tác phẩm 4 kỳ mang tên “’Chặt’ vòi bạch tuộc biến của công thành của tư”.

Tác phẩm xuất phát từ thực tế từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, nhất là sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện ráo riết, quyết liệt. Hàng ngàn vụ án, hàng ngàn bị can và đặc biệt hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng ngàn héc-ta đất…, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.

Nhưng như nghiên cứu của các chuyên gia thì không thể xóa bỏ được tham nhũng, vì nó nảy sinh bởi sự ham muốn từ quyền lực và lợi ích vật chất mà trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng đều có. Tham nhũng là một “quy luật xã hội có điều kiện” và thay đổi muôn hình vạn trạng. Khi có điều kiện, thì sẽ nảy sinh tham nhũng.

Vì vậy, để giúp cơ quan chức năng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng bằng cơ chế, chính sách và các quy định do Đảng, Nhà nước kiểm soát, loạt bài báo “‘Chặt’ vòi bạch tuộc biến của công thành của tư” đã tập trung phân tích sâu các vụ án điển hình gây chấn động cả nước để nhận diện các hành vi tham nhũng của công phổ biến nhất, cũng những thủ đoạn mới và tìm ra các khe hở pháp luật, để từ đó tìm ra các giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm.

Từ các vụ đại án liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước cho thấy, đa phần các vụ việc có cán bộ tham nhũng luôn đi kèm sự hiện diện đặc biệt của doanh nghiệp, hình thành quan hệ win - win (cùng có lợi). Hối lộ đã là phương pháp quá… phổ thông, doanh nghiệp có rất nhiều “độc chiêu”, bất chấp tất cả để trục lợi nếu “đánh hơi” thấy đất công.

Những mảnh đất vàng giữa lòng đô thị lớn là tâm điểm cho tâm địa không giới hạn của nhóm doanh nghiệp bất chính và quan chức tha hóa. Sai phạm thường do những người có quyền chức và “ê kíp” thực hiện. Người có quyền chức càng cao, tác hại gây cho xã hội càng lớn cả về vật chất lẫn hậu họa xói mòn niềm tin của người dân.

Có nhiều khe hở trong trong hành lang pháp lý, trong kiểm tra giám sát tạo ra kẽ hở, cơ hội cho những người có chức vụ, quyền lực lợi dụng để phục vụ lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích; chưa có cơ chế để phát huy đầy đủ tính công khai, minh bạch trong đấu giá đất, dẫn tới những cuộc thu hồi bồi thường hay đấu giá thiếu minh bạch, thông thầu, chỉ định thầu…, để tạo nên chênh lệch địa tô rất lớn.

Khoản chênh lệch địa tô đó lại rơi vào một nhóm thiểu số doanh nghiệp “sân sau” cùng một số quan chức. Nhóm doanh nghiệp sân sau, thân hữu tuy là thiểu số, thậm chí rất ít, nhưng đều “có nanh, có vuốt” đã không chỉ gây bức xúc xã hội, khiến cộng đồng doanh nghiệp phải cạnh tranh không sòng phẳng, mà còn lũng đoạn khiến môi trường kinh doanh không minh bạch, nguy hiểm hơn là gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế, an ninh trật tự xã hội và gây mất lòng tin trong nhân dân.

Để phanh phui được những chuyện đó, không phải một sớm một chiều, mà là hàng trời đeo bám phản ánh và nghiên cứu các vụ đại án. Là hàng tháng trời đọc hiểu hàng kg hồ sơ và đối chiếu tỉ mỉ từng ngóc ngách hành vi với Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, pháp luật về kinh tế và nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Là cả tháng trời thuyết phục chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như luật sư, thanh tra… cùng nghiên cứu, phân tích và dám mổ xẻ, bởi vấn đề nhạy cảm liên quan đối tượng là đảng viên, lại giữ chức quyền cao, thời gian dài chi phối nhiều tầng nấc bộ máy, dẫn tới những quan hệ khác bao gồm cả quyền và lợi ích.

Gian truân khó có thể kể hết, nhưng không vì thế mà Báo Đầu tư chùn bước, mà ngược lại sẽ còn quyết liệt hơn, để giữ một môi trường đầu tư lành mạnh như đúng tôn chỉ mục đích.

Một sự thật là, để có được những bài viết điều tra sai phạm đến tay bạn đọc, không như cơ quan công an được đào tạo chuyên nghiệp và có công cụ hỗ trợ, nhà báo chỉ có ngòi bút, chiếc máy ảnh và chiếc áo mỏng dính bảo vệ. Rồi khi hạ bút, họ phải cân não từng con chữ, đấu trí, đấu luật, mà chỉ cần sai một từ, một câu hoặc thiếu một con số 0, sẽ bị “phản đòn”, nhẹ thì bị kiện ra tòa hành chính, nặng thì “bóc lịch”.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục