Báo Đầu tư - Kênh thông tin hữu ích của đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực những hoạt động tại nghị trường; góp phần “gắn kết” cuộc sống với nghị trường và ngược lại, thông tin trên Báo Đầu tư được nhiều đại biểu Quốc hội tin cậy.

"Báo không né tránh những vấn đề gai góc, mang tính xây dựng cao"

- Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Thời gian gần đây, tôi quan tâm đến nhiều bài viết về hoạt động của Quốc hội trên Báo Đầu tư, tờ báo là một trong những kênh thông tin quan trọng với tôi, không chỉ ở mỗi kỳ họp của Quốc hội. Thông tin nhanh, kịp thời về hoạt động nghị trường thì nhiều tờ báo làm được, nhưng thể hiện được bản lĩnh của người cầm bút khi viết về Quốc hội, không né tránh những vấn đề gai góc nhưng vẫn mang tính xây dựng cao, đó là điều nổi trội tôi nhận thấy từ các bài viết trên Báo Đầu tư.

Chẳng hạn, trong thời gian chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, quá trình hiệp thương là công khai, nhiều báo được tham dự, nhưng có những vấn đề khá “nhạy cảm” chỉ có Báo Đầu tư đề cập, phản ánh nhiều chiều, trung thực, khách quan. Điều này không chỉ mình tôi đánh giá cao, mà một số đại biểu khác cũng có chung nhận xét như vậy.

Một ví dụ nổi bật nữa liên quan đến việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Báo Đầu tư thông tin rất nhanh từ khi Chính phủ có tờ trình, đến phiên họp khẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định chính sách, cho đến quá trình thực hiện chính sách này. Đặc biệt, những bất cập của quá trình thực hiện chính sách, những con số không như mong đợi và những vướng mắc từ cơ sở đã được Báo phản ánh rất sớm, thẳng thắn, giúp cho đại biểu tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, nhanh hơn.

Còn nhiều ví dụ nữa cho thấy, những thông tin về hoạt động của Quốc hội không chỉ tìm thấy trên báo của chính Quốc hội, mà bất cứ tờ báo nào thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, các bài viết thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, mang tính xây dựng cao thì đều hữu ích với đại biểu Quốc hội, là cầu nối quan trọng giữa đại biểu - cử tri. Tôi cũng muốn nhấn mạnh điều hấp dẫn ở nhiều bài viết trên Báo Đầu tư mà tôi đã đọc chính là không chỉ thông tin nhiều chiều, không chỉ nêu ra những hạn chế rồi bỏ ngỏ, mà luôn theo đến cùng thông tin, có những ý kiến, đề xuất để tháo gỡ hạn chế đó.

Thời gian tới, với sức trẻ của tuổi 30, với trọng trách là tờ báo của một bộ kinh tế tổng hợp, tôi mong muốn Báo Đầu tư làm tốt hơn nữa chức năng cầu nối giữa cử tri và đại biểu dân cử. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Quốc hội cũng đã trao cho Chính phủ quyền được đưa ra những giải pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, tôi mong báo chí nói chung và Báo Đầu tư nói riêng phản ánh chân thực, sinh động để đại biểu có thể đánh giá chính xác là chính sách này đã đi vào cuộc sống ra sao, còn những góc khuất nào mà chính sách chưa chạm tới, mà người dân đang mong chờ Quốc hội quan tâm, tháo gỡ, từ đó đại biểu có cơ sở hơn trong quá trình hoạch định chính sách.

Để Báo Đầu tư có thể thực hiện được mong muốn trên, tôi cũng mong có nhiều đại biểu sẵn sẵng trả lời khi được phóng viên của Báo phỏng vấn. Bởi cảm nhận của tôi qua một số lần tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của Báo là, bên cạnh ưu điểm nổi bật là không ngại động chạm, thì những bài viết của Báo không chỉ làm cho có, nêu vấn đề rồi để đó, mà luôn theo đuổi để thông tin liền mạch, đầy đủ, khách quan. Qua trả lời phỏng vấn trực tiếp và cả qua điện thoại, tôi thấy cách làm việc của phóng viên rất chuyên nghiệp, tôn trọng người được phỏng vấn, đặc biệt là phản ánh rất trung thực, khách quan quan điểm của người trả lời, không tùy tiện cắt cúp gây hiểu nhầm hoặc mượn lời người trả lời để cài cắm quan điểm cá nhân của mình. Vì thế, tôi luôn tin tưởng cách làm việc của phóng viên Báo Đầu tư.

Tôi cũng mong muốn, Báo Đầu tư đã làm tốt rồi, nhưng sẽ làm tốt hơn nữa, đó là đóng góp thực chất vào hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tham gia Quốc hội khóa này là khóa thứ tư, tôi nhận thấy, nhiều khi vướng mắc không nằm ở luật, mà ở nghị định, thông tư. Những vướng mắc này rẩt cần được báo chí đi sâu phản ánh để đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn khi tham gia quá trình sửa đổi hoặc ban hành mới các đạo luật về đầu tư, kinh doanh. Báo Đầu tư có lợi thế hơn nhiều tờ báo khác ở mảng này, vì thế tôi mong tờ báo ngày càng trở thành kênh thông tin có giá trị với đại biểu Quốc hội.

"Cầu nối vững chắc từ cuộc sống - nghị trường"

- Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Tôi đã đọc Báo Đầu tư nhiều năm, nhất là mảng doanh nghiệp, đầu tư, thông tin liên quan nhiều đến lĩnh vực tôi phụ trách từ khi còn làm quản lý doanh nghiệp cho đến khi làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Là đại biểu Quốc hội liên tục 3 nhiệm kỳ, đương nhiên tôi cũng quan tâm rất nhiều đến mảng thông tin liên quan đến hoạt động của Quốc hội, ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến đại biểu Quốc hội.

Còn có một lý do nữa khiến tôi “chăm” đọc Báo Đầu tư là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ quản của tờ báo) đã 2 nhiệm kỳ liền ứng cử tại Quảng trị. Có những thông tin khi đọc được trên báo tôi trao đổi với Bộ trưởng, vì chúng tôi có mối quan tâm chung là đáp ứng yêu cầu của cử tri tỉnh nhà.

Nhưng trên hết, tôi rất cởi mở chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo Đầu tư là bởi tôi đánh giá cao giá trị thông tin từ các tin bài nói chung, về nghị trường nói riêng. Thẳng thắn, khách quan, mang tính xây dựng cao là ưu điểm nổi bật của mảng thông tin nghị trường trên Báo Đầu tư. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng là mỗi đại biểu khi xuất hiện trên Báo đều có đủ “đất” để nói đầy đủ, toàn diện quan điểm của mình. Tôi đã đọc những bài phỏng vấn đại biểu dài hơn 2.000 chữ trên Báo và rất thích cách đặt vấn đề trong các bài này.

Với cá nhân tôi, ấn tượng đặc biệt là trước thềm Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, khi đang chỉ huy cứu nạn vụ sạt lở đất xảy ra ở Khu nhà tham mưu của Sư đoàn 337, khiến 22 người mất tích, tôi nhận được điện thoại của phóng viên Báo Đầu tư. Lúc ấy, tôi chỉ trả lời ngắn gọn là “phải ưu tiên cứu dân trước đã”. Sau đó, một cử tri gửi cho tôi bài viết khai mạc kỳ họp đó của Quốc hội, có chi tiết và ảnh đại biểu đang đi cứu nạn, tôi nhớ bài viết đó có tiêu đề: “Cuộc sống chờ quyết sách lớn từ nghị trường”.

Cách tiếp cận từ cuộc sống đến nghị trường và ngược lại, chứ không chỉ đơn thuần đưa tin những gì đang diễn ra ở phòng họp Diên Hồng, đã thuyết phục được tôi, khiến tôi không ngần ngại trả lời bất cứ vấn đề gì khi phóng viên của Báo Đầu tư phỏng vấn.

Là một đại biểu kiêm nhiệm, không thể dành 100% thời gian làm việc cho nhiệm vụ đại biểu, tôi mong thời gian tới, Báo Đầu tư có nhiều hơn những bài viết từ thực tế cuộc sống có giá trị tham khảo với đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi từ thực tế điều hành tại địa phương, tôi thấy còn khá nhiều vướng mắc trong pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian của mỗi kỳ họp không cho phép các đại biểu có thể từ thực tế của địa phương mình mà đề xuất chính sách hoặc thuyết phục được đa số đại biểu ban hành một chính sách mới. Cầu nối vững chắc nhất từ cuộc sống - nghị trường, từ cử tri - đại biểu chính là báo chí. Với tư cách là độc giả lâu năm, tôi chúc Báo Đầu tư tuổi 30 thực sự là kênh thông tin hữu ích, không chỉ với đại biểu Quốc hội.

"Trong nguy nghĩ đến cơ, trong cơ không quên nguy"

- PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội
PGS-TS. Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội

Kể từ khi đất nước đổi mới, mở cửa, chưa bao giờ hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn như trong thời gian này. Và chính trong lúc khó khăn, vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là, thay vì liên tục cập nhật những số liệu về doanh nghiệp giải tán, giải thể, đóng cửa; số lượng lao động bị mất việc làm; sản xuất đình đốn, ngưng trệ; tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn..., thì tập trung tuyên truyền nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị quyết tâm chống dịch, phục hồi sản xuất, cố gắng duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt quyết tâm: “Nhất định chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid-19; để đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới và nhân dân có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”.

Tuy nhiên, thời gian qua, cũng có cơ quan báo chí cố tình suy diễn sự khó khăn, làm phức tạp thêm tình hình, khiến nhân tâm dao động, giảm niềm tin vào nỗ lực chống dịch, duy trì và phục hồi sản xuất.

Rất mừng là Báo Đầu tư đã không sa đà vào việc phản ánh khó khăn, mà đã có nhiều bài bình luận, phân tích, phỏng vấn chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để nhìn nhận rõ những thách thức hiện nay tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến thói quen của người dân, nền kinh tế sẽ chuyển hướng ra sao khi đại dịch được kiểm soát…

Trong nguy có cơ và trong cơ bao giờ cũng tiềm ẩn nguy. Trong những giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thặng dư thương mại hàng chục tỷ USD, dự trữ ngoại hối dồi dào, lạm phát được kiểm soát, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm sau phá kỷ lục của năm trước..., Báo Đầu tư vẫn có nhiều bài bình luận, phân tích, chỉ ra những nguy cơ có thể xảy ra, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Báo Đầu tư không sa đà phản ánh sự khó khăn, thay vào đó là nhìn thấy cơ hội, từ đó chỉ ra những việc cần phải chuẩn bị, từ nguồn lực, tài chính đến đào tạo, quản trị…, để khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp sẵn sàng tăng tốc.

Tôi mong rằng, ngoài việc theo sát tôn chỉ, mục đích, đồng hành cùng doanh nghiệp, chỉ ra các cơ hội cũng như thách thức của nền kinh tế, của từng ngành hàng, từng lĩnh vực, bước vào tuổi 30 - lứa tuổi sung sức nhất cả về trí tuệ lẫn thể lực của đời người - Báo Đầu tư nên dành công sức, trí tuệ, thời gian thích đáng để chỉ ra các hoạt động tiêu cực, gian lận, trục lợi, phiền hà, sách nhiễu trong cả bộ máy công quyền cũng như tại không ít doanh nghiệp, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng chính sách”... Bởi nền kinh tế là một bộ máy hoàn hảo, chỉ cần một vài chi tiết, bộ phận bị hỏng hóc, thì cả guồng máy sẽ bị trục trặc, hoạt động không hết công suất, tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Hy vọng, Báo Đầu tư là một “kỹ sư” giỏi, chỉ ra những bộ phận cần phải khắc phục, thay thế trong guồng máy kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch.

"Bám sát “cuộc cách mạng” cải cách thể chế"

- TS. Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (khóa XIV)

TS. Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (khóa XIV)
TS. Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (khóa XIV)

Mặt trái của dịch bệnh là không một tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào không bị tác động. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, thì Covid-19 cũng đem lại những xu hướng phát triển mới. Đó là thúc đẩy thương mại điện tử, kinh tế số, thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí sản xuất khi không nhất thiết tất cả người lao động đều phải đến công sở...

Với Việt Nam, gần 2 năm dịch bệnh là thời gian chùng xuống và đây là lúc thích hợp nhất để Chính phủ, các bộ, ngành “nhìn lại” xem các cơ chế, chính sách hiện hành có thực sự phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; tiến trình cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy gần một thập kỷ có thực sự hiệu quả; môi trường đầu tư, kinh doanh có đáp ứng được kỳ vọng...

Đây cũng là khoảng thời gian quý giá để Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh để khi đại dịch được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tăng tốc bền vững. Bởi vì, sự hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có hiệu quả nhất chính là hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường hoạt động thông thoáng, công khai, minh bạch, chứ không phải là gia hạn tiền thuế, giảm các loại phí, lệ phí, cơ cấu nợ, giảm nợ, giãn nợ.

Báo Đầu tư là cơ quan báo chí song hành, hay nói chính xác hơn là bám sát “cuộc cách mạng” cải cách thể chế; hoàn thiện môi trường kinh doanh; loại bỏ các thủ tục, quy định không thực sự cần thiết đã và đang là rào cản gia nhập cũng như rời khỏi thị trường của doanh nghiệp và người dân.

Gần 2 năm “sống chậm” trong đại dịch, tất cả hoạt động của xã hội, từ quản lý nhà nước, đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tối thiểu của người dân đều bị đảo lộn, hoạt động báo chí cũng khó khăn không kém, đặc biệt là việc theo sát sự biến chuyển của bộ máy quản lý nhà nước, các cơ quan hoạch định chính sách liên quan đến hoàn thiện thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng, Báo Đầu tư vẫn rất tích cực trên mặt trận này.

Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18/3/2014 của Chính phủ có thể coi là “phát súng” đầu tiên trong đẩy mạnh cải cách thể chế, khi đặt ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kể từ đó đến nay, các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP nối tiếp nhau ra đời, đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn trong việc hoàn thiện thể chế.

Có thể khẳng định, môi trường đầu tư - kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia đã được cải thiện đáng kể, nhưng như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhắc nhở, là vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Để kiểm chứng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tôi nhiều lần đóng giả là chủ doanh nghiệp đến các cơ quan công quyền ở địa phương để hỏi thủ tục hành chính về đất đai; ưu đãi miễn, giảm thuế; bảo lãnh tín dụng... và thấy một thực tế rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên nóng, dưới nóng nhưng ở giữa lạnh” không phải là hiếm.

Báo Đầu tư rất nhạy bén trong phản ánh sự thay đổi về môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhưng vẫn chủ yếu ở các bộ, ngành - khu vực “nóng” nhất, mà ít có bài ở địa phương.

Hy vọng, bước sang tuổi “tam thập nhi lập”, Báo Đầu tư sẽ cung cấp cho độc giả nhiều bài viết về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính không chỉ ở tầm vĩ mô, mà còn mang hơi thở từ thực tế cuộc sống.

"Góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng"

- Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Là đại biểu Quốc hội chuyên trách, trực tiếp tham gia thẩm tra nhiều báo cáo cũng như các dự án luật về phòng chống tham nhũng, tôi rất quan tâm đến mảng thông tin này từ báo chí, trong đó có Báo Đầu tư.

Trong phòng chống tham nhũng, phải coi trọng cả công tác phòng ngừa và xử lý, nhất là phải đặc biệt chú ý đến phòng ngừa, phòng ngừa tốt thì sẽ hạn chế phải xử lý. Chống tham nhũng phải đạt được 3 mục tiêu: không thể, không muốn và không dám tham nhũng. Để đạt được điều này, vai trò của báo chí rất quan trọng. Báo chí không chỉ phát hiện những hành vi tham nhũng, mà còn góp phần quan trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, nêu những tấm gương điển hình trong công tác này và phản ánh quá trình xử lý các hành vi tham nhũng.

Thời gian qua, tôi thấy Báo Đầu tư đã bám sát được những yêu cầu nói trên, có nhiều tác phẩm báo chí sinh động về cả phòng và chống tham nhũng, qua đó tác động đến độc giả, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đất nước.

Phía trước, công cuộc này còn rất nhiều gian nan và để có thể thu được kết quả tích cực hơn, thì việc hoàn thiện thể chế rất quan trọng. Thể chế, nhất là thể chế về đầu tư - kinh doanh phải công khai, minh bạch, đặc biệt là phải đồng bộ, thống nhất, không có kẽ hở để bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng.

Thời gian qua, Báo Đầu tư đã có những bài viết phát hiện những kẽ hở của pháp luật, có những kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, về đầu tư, kinh doanh để đảm bảo các hoạt động đó công khai, minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, đầu tư công... Vì thế, tôi mong muốn Báo Đầu tư sẽ có thêm nhiều bài viết phản ánh trung thực, sinh động về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bao gồm cả những nhũng nhiễu hay mọi người thường gọi là “tham nhũng vặt”, đồng thời tạo không gian để người dân và doanh nghiệp hiến kế phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Phản ánh hoạt động nghị trường nói chung và hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng, theo tôi là rất khó, yêu cầu phải có sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau giữa đại biểu và người thực hiện tác phẩm báo chí. Cá nhân tôi rất cởi mở với phóng viên của Báo Đầu tư vì những quan điểm của tôi đều được thể hiện trên mặt báo đầy đủ, trung thực. Tôi mong Báo Đầu tư luôn giữ được ưu điểm này, có nhiều bài viết chất lượng cao hơn nữa về hoạt động nghị trường.

Nhóm phóng viên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục