3 năm, tròn một giấc mơ xây dựng NIC
Ngày 9/1/2021 sẽ đi vào lịch sử của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) như một bước ngoặt đặc biệt. Bởi đó chính là ngày NIC chính thức được khởi công xây dựng, sau 3 năm “thai nghén”.
Không nhiều người biết, tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cùng các cán bộ của mình có chuyến công tác tại Mỹ và Singapore. Nhưng không phải là đi để xúc tiến đầu tư như lâu nay vẫn vậy, mà là đi để tìm hiểu xem “người ta” làm công nghiệp 4.0 như thế nào.
Ngay trước chuyến đi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì một cuộc họp đặc biệt với các thành viên tổ tư vấn để bàn về việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Lúc ấy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Chúng ta cần có chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 để tận dụng được các cơ hội dù là nhỏ nhất. Tôi rất sốt ruột, người ta tiến nhanh như vũ bão mà chúng ta vẫn cứ bàn mãi 4.0 là như thế nào”.
Nói rồi, ông yêu cầu các cán bộ của mình gấp rút nghiên cứu, phác thảo chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0, đồng thời chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao công việc quan trọng này cho Bộ.
Ba tháng sau đó, tức là tháng 7/2018, Chính phủ quyết định giao trọng trách này cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không chỉ trong xây dựng Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn là xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Kế hoạch xây dựng NIC được khởi động từ ngày đấy, nhưng có lẽ đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ấp ủ từ lâu. Rất nhanh sau khi Chính phủ chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối năm 2018, các chuyên gia tư vấn đến từ BCG (Boston Consulting Group) và Arup, hai trong những tập đoàn hàng đầu về tư vấn và thiết kế kiến trúc, đã lần đầu tiên trình bày về các phương án xây dựng NIC.
Sau lần đầu tiên đó, liên tục các cuộc họp, các phiên thảo luận được tổ chức. Không phải chỉ thảo luận về kiến trúc cho NIC, mà quan trọng hơn, là thể chế, chính sách, là thiết kế các chức năng cần thiết cho NIC. Đó mới là “linh hồn”, đảm bảo cho sự vận hành thành công của NIC. Cùng với đó, còn ngược xuôi thu xếp vốn xây dựng NIC, bởi ngay từ đầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã xác định, không dùng vốn ngân sách để xây dựng NIC.
Chuẩn bị xong, còn phải trình Chính phủ và “thuyết phục” Chính phủ thông qua. May mắn là tới đầu tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ chính thức có quyết định thành lập NIC, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một mô hình được xác định là “chìa khóa” để Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, là “cuộc chơi” của Việt Nam trên sân chơi đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Nhưng để bước lên con tàu 4.0, chỉ NIC là không đủ. Bởi thế, cùng với quá trình xây dựng NIC, là sự chuẩn bị cho Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như xây dựng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Với sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8/2018, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã chính thức ra mắt, với 100 thành viên đầu tiên là các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho các tài năng, trí thức người Việt Nam đang học tập và làm việc ở nước ngoài và đang được tiếp tục mở rộng lên hơn 1.000 người cho đến ngày nay. Thậm chí, các chi nhánh của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng đã được thành lập ở Mỹ, ở Đức, ở Australia…
Hơn 1 năm sau sự kiện này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dưới sự tư vấn chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngay trước khi NIC được khởi công xây dựng, cuối năm 2020, Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030 cũng đã chính thức được Thủ tướng thông qua.
Vậy là Việt Nam đã có cả ba “vũ khí” quan trọng để bắt đầu hành trình 4.0. Chỉ trong 3 năm, đã tròn một giấc mơ cho kế hoạch phát triển đột phá bằng 4.0.
Đổi mới, sáng tạo là “chìa khóa” cho sự phát triển
Hôm khởi công xây dựng NIC cũng chính là thời điểm lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc tế về Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Phát biểu tại sự kiện đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói: “Đây là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 về đổi mới sáng tạo, khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên”.
Hơn 3 thập kỷ Đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng đây cũng là lúc, mô hình tăng trưởng cũ không còn phù hợp. Việt Nam không thể mãi dựa vào tài nguyên và vốn để tăng trưởng và phát triển nữa. Nếu tiếp tục con đường đó, phía trước chực chờ sẽ là bẫy công nghệ thấp, bẫy giá trị thấp, bẫy thu nhập trung bình… Bởi thế, con đường mà Việt Nam phải đi chính là phải tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên tăng năng suất, dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
“Để vượt qua những thách thức và tận dụng được thành tựu công nghệ mới, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của đổi mới, sáng tạo nước nhà, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy.
Ông cũng nói rằng, phải biến đổi mới sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Và rằng, đổi mới sáng tạo chính là con đường ngắn nhất để Việt Nam có thể đuổi kịp, tiến cùng, vượt lên trong “cuộc chơi” 4.0 và sớm đi lên hiện đại và thịnh vượng.
Với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cách mạng công nghiệp 4.0 chính là “cơ hội ngàn năm có một” để Việt Nam tăng tốc, phát triển. Và rằng, đã đến lúc, Việt Nam không thể đứng ngoài hay đi sau trong cuộc chơi này nữa.
Hơn 3 năm qua, thật khó để thống kê hết số lượng tin, bài mà Báo Đầu tư đã đề cập về đổi mới, sáng tạo. Không phải là tất cả, nhưng tin chắc rằng, đó là các hoạt động truyền thông hiệu quả cho đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam.
Thực tế, câu chuyện khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo đã được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây, nhất là kể từ năm 2018. Khi ấy, để chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cùng các cán bộ của mình sang Âu, sang Mỹ để tham vấn chính sách, nhằm tìm ra con đường ngắn nhất cho sự phát triển của Việt Nam. Và câu trả lời từ các bộ óc vĩ đại của thế giới đều chỉ ra rằng, đó là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cuối năm 2018, một lần nữa, câu trả lời lại được tìm ra ở Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF). Tất cả các chuyên gia quốc tế khi tham dự Diễn đàn đều thống nhất quan điểm rằng: “Đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực tư nhân là chìa khóa cho con đường đi tới thịnh vượng của Việt Nam”.
Thấu hiểu điều đó, khi xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất “đổi mới, sáng tạo” như một trong những đột phá chiến lược của Việt Nam. Đầu năm 2021, khi Chiến lược được thông qua, tuy không được tách riêng thành một đột phá chiến lược, song đổi mới, sáng tạo cũng đã trở thành một nội hàm quan trọng, tạo động lực để nền kinh tế có thể đột phá, đi lên.
Lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo
Những thông tin kể trên thực ra không mới, thậm chí còn là quá cũ. Cũng đúng thôi, bởi đó là những thông tin đã được đăng tải trên Báo Đầu tư trong suốt thời gian qua. Giống như việc đi đầu trong các thông tin về kinh tế vĩ mô, đầu tư nước ngoài, cải cách thể chế, hay tái cơ cấu nền kinh tế…, Báo Đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa, cổ vũ cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo Việt Nam.
Rất may mắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ quản của Báo Đầu tư, lại là Bộ chủ trì xây dựng các chiến lược, kế hoạch để đón đầu cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0. Và đó là một thuận lợi rất lớn cho mỗi phóng viên viết về lĩnh vực này.
Trong suốt quá trình đó, rất nhiều cuộc họp đã được tổ chức, thậm chí đôi khi là “họp kín”. Cũng không ít chuyến công tác được các lãnh đạo, cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Là “báo nhà”, nên Báo Đầu tư luôn được ưu tiên phóng viên tham dự, nắm thông tin trước các cơ quan báo chí khác. Không chỉ trước, sớm hơn, mà còn thấu hiểu “chân tơ, kẽ tóc” để viết bài, đăng tải thông tin và lan tỏa thông điệp của lãnh đạo Bộ, của Chính phủ, thậm chí là Bộ Chính trị về đổi mới, sáng tạo.
Hơn 3 năm qua, thật khó để thống kê hết số lượng tin, bài mà Báo Đầu tư đã đề cập về đổi mới, sáng tạo. Không phải là tất cả, nhưng tin chắc rằng, đó là các hoạt động truyền thông hiệu quả cho đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam.
Gần một năm nay, Báo Đầu tư cũng luôn dành những ưu tiên cao nhất để phản ánh về các hoạt động của NIC. Từ các chương trình kết nối đầu tư với các start-up trong lĩnh vực công nghệ, đến sự hợp tác của NIC với các tập đoàn lớn, ví như Amazon để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu xuyên biên giới.
Từ năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, một trong những mấu chốt quan trọng cho đổi mới, sáng tạo, cũng như trong tạo cơ hội để doanh nghiệp bứt phá, phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Báo Đầu tư, lại một lần nữa, luôn đi đầu và đồng hành với quá trình đó.
Nhưng đổi mới, sáng tạo mới chỉ đang đi những bước khởi đầu ở Việt Nam. NIC cũng chỉ mới được xây dựng, còn cả một chặng đường dài phát triển ở phía trước. Và điều đó cũng có nghĩa, Báo Đầu tư còn một hành trình dài để tiếp tục lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo của Việt Nam.