Không nên siết ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái phiếu doanh nghiệp đang là kênh đầu tư hiệu quả của các ngân hàng nên dự thảo quy định “siết” hoạt động đầu tư trái phiếu được nhìn nhận là chưa phù hợp, dù thực tế có những quan ngại về rủi ro.
Dự kiến, tổ chức tín dụng sẽ không được mua lại khoản trái phiếu đã bán trong 12 tháng. Ảnh: Dũng Minh Dự kiến, tổ chức tín dụng sẽ không được mua lại khoản trái phiếu đã bán trong 12 tháng. Ảnh: Dũng Minh

Tổ chức phát hành lớn nhất và mối lo

Mặc dù có sự trầm lắng trong quý IV/2020 sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 vẫn tăng 28,3% so với năm 2019, đạt 429.500 tỷ đồng và các ngân hàng chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất, chiếm quá nửa.

Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam là quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn nhất trong nhóm nước đang phát triển, dẫn đến rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng gia tăng. Theo một nghiên cứu của tổ chức này, trong năm 2020, hơn 50% là dư nợ tín dụng trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn (trung, dài hạn) rất hạn hẹp.

Sự sôi động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp kéo sang năm 2021 khi thị trường tiếp tục ghi nhận nhiều đợt phát hành trái phiếu với giá trị lớn. Số liệu thống kê cho thấy, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, 7 tháng đầu năm nay có 364 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị 225.509 tỷ đồng.

Trong đó, riêng tháng 7/2021 có 53 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (tất cả là phát hành riêng lẻ), với số tiền 38.905 tỷ đồng và một đợt phát hành ra thị trường quốc tế của Novaland thu về 300 triệu USD. Các ngân hàng vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với giá trị phát hành 22.968 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59%.

Cơ quan quản lý ban hành các văn bản pháp luật nhằm quản lý thị trường, đảm bảo an toàn hệ thống, nhưng các ngân hàng cũng có cái lý riêng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, tín dụng nhìn chung tăng trưởng cao hơn huy động, khiến chênh lệch tiền gửi - cho vay của toàn hệ thống thu hẹp đáng kể, nhưng thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào. Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất tiền gửi các ngân hàng liên tục giảm, giữ ở mức thấp, nên lợi tức từ trái phiếu hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Nếu nói các ngân hàng thả phanh đổ tiền vào đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là hơi quá, nhưng thực tế nhìn đi nhìn lại thì đây gần như là cửa duy nhất mang về lợi nhuận cao cho các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Câu chuyện này tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế nên cơ quan quản lý quan ngại và có động thái sẽ siết lại là điều không khó giải thích”.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

“Việc thay thế Thông tư 22 nằm trong định hướng siết chặt an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quản trị hoạt động hệ thống ngân hàng nói riêng và hoạt động tổ chức tín dụng nói chung. Tuy nhiên, dự thảo còn nhiều vấn đề cần trao đổi”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói.

Kiến nghị của các ngân hàng

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22 do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên Hội đồng thành viên Agribank cho rằng, để thị trường phát triển tốt cần có chính sách mở, nhưng vấn đề là xác định ranh giới mở đến đâu và hoạt động nào cần hạn chế. Đại diện Agribank dẫn chứng, thị trường trái phiếu có thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, nhưng dự thảo không phân biệt các hoạt động này mà quy định chung thì rất khó để thực thi. Áp dụng các quy tắc cấp tín dụng vào hoạt động mua bán trái phiếu là rất khó nên cần cân nhắc cụ thể.

“Quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu phát hành có mục đích tăng quy mô vốn cần làm rõ thế nào là tăng quy mô, bởi bản chất các hoạt động phát hành trái phiếu đều là tăng quy mô hoạt động. Đã là hoạt động kinh doanh trái phiếu thì mua, bán là bình thường, nhưng dự thảo quy định nhiều điều kiện như có lãi 3 năm, hạn chế mua lại sau khi bán... đều không phù hợp với thị trường”, ông Mạnh nói.

Hay như câu chuyện tại Ocean Bank, ông Trần Trung Dũng, Phó tổng giám đốc cho biết, Ngân hàng đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu. Nhưng các quy định tại Thông tư 22 và dự thảo thông tư thay thế không đề cập đến các ngân hàng “0 đồng” (những ngân hàng thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng) có thể gây khó khăn cho hoạt động mua trái phiếu của những ngân hàng này.

“Đề nghị dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22 bổ sung đối tượng là các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, để nhóm các ngân hàng này không phải thực hiện thêm các thủ tục riêng”, ông Dũng kiến nghị.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nước ngoài về việc quản lý trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines đều cho phép các ngân hàng hoạt động mua đi bán lại trái phiếu để kinh doanh. Vậy nên, việc dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22 quy định tổ chức tín dụng không được mua lại khoản trái phiếu đã bán trong 12 tháng là chưa phù hợp, hạn chế thanh khoản thị trường thứ cấp, hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ đầu tư một số loại trái phiếu doanh nghiệp, thông qua một số đầu mối nhất định ở trong nước.

Vị đại diện Standard Chartered cho rằng, cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu nên áp dụng cho tất cả trái chủ. Việc dự thảo Thông tư quy định yêu cầu doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu - cam kết riêng với tổ chức tín dụng, là không khả thi.

Bên cạnh đó, các quy định tại khoản 7, 9, 10, 11, Điều 3, dự thảo Thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, tăng quy mô vốn… sẽ ảnh hưởng đến hoạt động mua bán giữa tổ chức tín dụng và nhà đầu tư khi tổ chức tín dụng chỉ là trung gian mua bán.

“Cơ quan soạn thảo chỉ nên quy định các hạn chế nói trên đối với giao dịch sơ cấp và khi tổ chức tín dụng nắm giữ dài hạn, còn đối với giao dịch thứ cấp và để kinh doanh nên cho phép nhằm tạo thanh khoản cho thị trường”, đại diện Standard Chartered nói.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, trong 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu phát triển vượt bậc, nhưng thị trường thứ cấp chưa theo kịp thị trường sơ cấp. Hầu hết nhà đầu tư mua và nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn nên giao dịch thứ cấp còn hạn chế. Vì vậy, ông Sơn mong muốn có cơ chế, chính sách nhằm tăng cường thanh khoản, khích lệ nhà đầu tư tham gia, qua đó thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn đối với một số hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu mà pháp luật đã quy định tổ chức tín dụng được thực hiện.

TS. Hiếu nêu quan điểm: “Cần có những quy định chặt chẽ về tỷ lệ an toàn, chứ không phải vì lo ngại mà siết chặt”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục