Hàng loạt quy định mới được siết chặt thêm
Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) mua trái phiếu doanh nghiệp đang khiến các tổ chức tín dụng lo ngại.
Theo dự thảo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt hơn nữa hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định, TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan.
Các TCTD không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp. TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính thời điểm gần nhất đã được kiểm toán tại thời điểm mua, trừ trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu.
TCTD chỉ được mua TPDN khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu cam kết mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm cam kết giữa doanh nghiệp phát hành và TCTD
Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành”.
TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt…
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước , lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng và nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, nhiều quy định của dự thảo không phù hợp, thiếu khả thi và có thể gây ảnh hưởng xấu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhiều hoạt động Luật cho phép tổ chức tín dụng được làm nhưng đến nay NHNN vẫn chưa hướng dẫn. Đơn cử, Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hay Nghị định 153/2020/NĐ-CP cho phép TCTD được phép làm đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, NHNN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Khó phân định “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”
Một trong các quy định của dự thảo khiến các ngân hàng thương mại lo lắng là quy định không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, không có cơ sở để đưa ra quy định trên vì Luật các TCTD không cấm hoạt động này. Trên thực tế, các TCTD huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm nguồn vốn từ dân cư, tổ chức và các định chế tài chính (bao gồm TCTD khác) và thực hiện quản lý vốn tập trung, không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng. Vì vậy, TCTD không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua trái phiếu doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cũng cho rằng, quy định trên sẽ dẫn tới tình trạng “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”, không phù hợp và nên xem xét bãi bỏ. Ý kiến này được đa số đại diện các ngân hàng tán thành.
Một quy định nữa của cũng khiến nhiều ngân hàng thương mại lo lắnglà quy định: trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp thì TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp, TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán khi tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo: kinh doanh có lãi liên tục 3 năm gần nhất và được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng tín nhiệm của TCTD…
Bà Trần Thu Trang, đại diện Standard Chartered Bank cho rằng, nhiều nước trong khu vực đều cho phép ngân hàng mua đi bán lại trái phiếu để kinh doanh. Tuy nhiên, quy định trên sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài (thường chỉ đầu tư một số loại trái phiếu doanh nghiệp, thông qua một số đầu mối nhất định ở trong nước).
“Quy định trên sẽ khiến thanh khoản thị trường trái phiếu bị ảnh hưởng, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế”, bà Trang nói.
Ông Nguyễn Thành Long cũng cho rằng, quy định trên sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường trái phiếu. Đồng thời, cho rằng việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp là một trong những quyền hợp pháp của trái chủ sở hữu trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, quyền của TCTD đối với trái phiếu doanh nghiệp không nên bị hạn chế so với các trái chủ khác.
Ngoài ra, rất nhiều quy định khác của dự thảo Thông tư, theo các ngân hàng thương mại là rất bất cập. Ví dụ, dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu để góp vốn mua cổ phần là hoạt động phổ biến của nhiều doanh nghiệp, pháp luật không cấm. Việc thông tư quy định cấm là không phù hợp.
Giải thích với các tổ chức tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Ngân hàng Nhà nước mong muốn thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Quang, hiện tổng dư nợ tín dụng đã lên khoảng 9,8 triệu tỷ đồng, khoảng 145% GDP - đang là một trong những quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn nhất trong nhóm các quốc gia đang phát triển, điều này khiến rủi ro tín dụng cũng rất lớn.
Hơn nữa, về cơ cấu tín dụng, hiện hơn 50% dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng là trung dài hạn, trong khi huy động vốn chủ yếu là kỳ hạn ngắn, thậm chí gần đây nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn không kỳ hạn (CASA) khiến nguồn vốn càng thêm bấp bênh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 22 và 15 trên tinh thần siết chặt an toàn hệ thống.
Với dự thảo Thông tư 22, ông Quang cho hay, quan điểm của NHNN là coi hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại cũng là hoạt động cấp tín dụng. Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận các quy định về hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước dự định áp dụng với ngân hàng thương mại cao hơn chuẩn chung của thị trường, có thể gây khó khăn cho các TCTD song sẽ hạn chế được các rủi ro phát sinh trong tương lai.