Một số doanh nghiệp cho rằng, quy định khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP không phù hợp với thông lệ quốc tế. Quan điểm của ông thế nào?
Các tập đoàn đa quốc gia có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên thế giới, phân công chức năng và phân bổ lợi nhuận tại từng quốc gia thông qua mô hình tổ chức và chính sách giá nhằm tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí.
Tập đoàn đa quốc gia tận dụng sự khác biệt về chính sách giữa các quốc gia để chuyển lợi nhuận là hiện tượng phổ biến hiện nay, trong đó phải kể đến hành vi chuyển giá thông qua các công cụ tài chính, điển hình là công cụ lãi vay. Bên cạnh đó, hành vi chuyển giá cũng có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp nội địa có quan hệ liên kết đang được hưởng các ưu đãi thuế.
Xuất phát từ thực tế này, nhằm mục tiêu ngăn chặn hành vi chuyển giá thông qua chi phí lãi vay và các khoản chi phí có tính chất tương tự chi phí lãi vay do doanh nghiệp có giao dịch liên kết lợi dụng sự chênh lệch thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia, vùng miền, lĩnh vực, OECD và G20 đã khuyến nghị áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay đối với các tập đoàn, công ty mẹ - con, doanh nghiệp có giao dịch liên kết với ngưỡng giới hạn nằm trong khoảng từ 10 - 30% EBITDA (Chỉ số Tài chính phải ánh lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế và khấu hao). Việt Nam quy định khống chế ở mức 20% EBITDA là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghị định 20/2017/NĐ-CP được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế, theo khuyến nghị của OECD và G20 về việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế chung trong việc chống xói mòn cơ sở thuế, phù hợp với đặc thù hưởng ưu đãi vùng miền, lĩnh vực của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là điều kiện quan trọng để Việt Nam trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác Thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).
Kết quả thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP thế nào, thưa ông?
Kết quả đạt được ban đầu đáng ghi nhận, số lượng doanh nghiệp tự nguyện kê khai giao dịch liên kết đã tăng lên qua các năm. Đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt về nhận thức, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ trong việc kê khai về đối tượng áp dụng và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Kể từ năm 2017 đến nay, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và truy thu trên 41.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 5.000 tỷ đồng, giảm lỗ 86.000 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết đã phát huy hiệu quả, truy thu trên 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ trên 13.700 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 12.000 tỷ đồng.
Nhưng trên thực tế có không ít doanh nghiệp cho rằng, khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% EBITDA đã và đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp kê khai có giao dịch liên kết có phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt ngưỡng 20% (trong đó có hơn 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Khoản chi phí lãi vay bị loại khỏi chi phí tính thuế TNDN của số doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng/năm. Trong số đó, khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ trên 10.000 tỷ đồng/năm.
Các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều là khoản vay lớn, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện,… có hoạt động liên doanh, liên kết khá cao. Điều đó cho thấy, việc quy định tỷ lệ 20% EBITDA là hoàn toàn có căn cứ thực tiễn.
Thưa ông, theo phản ánh của những doanh nghiệp thì khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% EBITDA không hợp lý hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nào?
Đó là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có vốn chủ sở hữu thấp, chủ yếu hoạt động bằng vốn vay và vay bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức công ty mẹ đi vay để cho các công ty con vay lại. Việc huy động vốn như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế và ảnh hưởng căn cứ tính thuế TNDN.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải điện; kinh doanh chứng khoán; kinh doanh đa lĩnh vực… cũng có ý kiến về vấn đề này và mong muốn sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các công cụ tài chính như lãi vay trong quá trình trung chuyển vốn.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp không, thưa ông?
Tất cả ý kiến đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, tổng hợp, tiếp thu, giải trình. Đối với đề xuất sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP, chúng tôi tiếp tục tổng hợp kiến nghị, nghiên cứu để sửa đổi phù hợp.
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó đã nêu những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Tạo Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Tài chính, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của Tổng cục Thuế là xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Quản lý Thuế vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Quản lý thuế.