Theo HoREA, quy định trần chi phí lãi vay không được vượt quá 20% là thấp và chưa hợp lý đối với điều kiện hoạt động của nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta trong giai đoạn hiện nay.
HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét quy định trần chi phí lãi vay không được vượt quá (khoảng) 25% thì phù hợp hơn.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 "Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết" có hiệu lực từ ngày 01/05/2017.
Nghị định 20 ra đời trong bối cảnh Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, có tham chiếu đến 15 chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Theo các chuyên gia, bên cạnh các điểm tích cực, Nghị định 20 vẫn tồn tại một số vướng mắc, trong đó, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp phải kể đến quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 tại Khoản 3, Điều 8 là khống chế tỷ lệ lãi vay.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế".
Tuy nhiên, tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan diễn ra cuối năm 2018, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý, đặc biệt với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản với đặc điểm là vốn để phát triển dự án chủ yếu là vốn vay.
Bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Đặc biệt, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 - 80%.
Vì vậy, quy định này sẽ khiến đa số doanh nghiệp mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất cũng như kém cạnh tranh so với các doanh nghiệp nhà nước.