Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam sẽ có thêm vốn đầu tư nước ngoài cùng cơ hội tăng trưởng kinh tế thêm 14,5%, người tiêu dùng sẽ mua được hàng hóa tốt hơn và rẻ hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 600 triệu dân, tổng GDP hàng năm ở mức 2.600 tỷ USD.
Với TPP, nếu các điều kiện kinh tế thuận lợi, bên cạnh việc mở ra một thị trường khổng lồ cho hàng hóa Việt thì Hiệp định được kỳ vọng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD và giá trị xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD năm 2025.
Khảo sát của VCCI năm 2015 cho thấy, 50% doanh nghiệp hiểu và sẵn sàng cho việc bước vào sân chơi TPP và AEC, nhưng cũng có 60-70% doanh nghiệp cho rằng, TPP và AEC không ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ. Và trong AEC, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát “mù tịt” về lộ trình của Việt Nam.
Cơ hội đang hiện hữu ngay trước cửa từng doanh nghiệp, tuy nhiên, theo ông Võ Tấn Thành, Phó chủ tịch VCCI, ngoài thách thức về nhận thức, môi trường kinh doanh chưa minh bạch thông thoáng; khi hội nhập doanh nghiệp Việt còn gặp phải những thách thức khác như thiếu nhân lực giỏi ngoại ngữ và chuyên môn, sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng, các yêu cầu khắt khe hơn trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và trách nhiệm doanh nghiệp.
Việc tuân thủ các yêu cầu trên khiến chi phí sản xuất và vận hành tăng, kéo theo doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng phải chịu gánh nặng tài chính làm giảm biên lợi nhuận hoặc giảm tính cạnh tranh về giá cả.
Khảo sát của VCCI năm 2015 cho thấy, 50% doanh nghiệp hiểu và sẵn sàng cho việc bước vào sân chơi TPP và AEC, nhưng cũng có 60-70% doanh nghiệp cho rằng, TPP và AEC không ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ. Trong AEC, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát “mù tịt” về lộ trình của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp sẽ vượt qua các rào cản hiện hữu như thế nào để đáp ứng một cách hiệu quả kỳ vọng thay đổi và đạt được lợi ích do các cơ hội mang đến.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thời kỳ WTO chúng ta đã từng kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tận dụng được những lợi thế của cơ chế này, nhưng thực tế lại bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý báu để vươn lên trở thành một thị trường dẫn đầu trong khu vực. Chính phủ và các tổ chức xúc tiến thương mại, các đơn vị liên quan luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nhưng người chèo lái vẫn phải là chính bản thân doanh nghiệp.
Liên quan đến Hiệp định TPP, ông Patrick Tay cho rằng, với Hiệp định này, cả Malaysia và Việt Nam đều là các quốc gia đang được hưởng nhiều lợi ích vì GDP có thể gia tăng 10%. Tuy nhiên, thách thức rất nhiều, ngoài việc phải tăng cường tính cạnh tranh, đặc biệt là tăng cường năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Patrick Tay cũng nhìn nhận, các phương thức vận hành cũ đã không còn phù hợp vì thế giới luôn thay đổi. Chúng ta phải chủ động để đầu tư tăng cường năng lực. Tấn công là cách tự vệ tốt nhất.
Chia sẻ một số kinh nghiệm từ thị trường Malaysia, ông Patrick Tay cho rằng, có 3 chiến lược mà các doanh nghiệp nên theo đuổi. Thứ nhất, luôn sẵn sàng với sự chia rẽ và bị chia rẽ. Thứ hai, sáng tạo và chi tiêu nhiều hơn cho nghiên cứu phát triển (R&D). Thứ ba, theo đuổi toàn cầu hóa thông qua việc đưa tầm nhìn vượt qua doanh nghiệp của mình, ngành nghề mình và quốc gia mình.
Trong khi đó, nói về cách thích ứng với tình hình kinh tế hội nhập, bà Phạm Thi Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cho biết, doanh nghiệp xác định sống chung với lũ khi hội nhập, nhưng cũng phải đầu tư quyết liệt vào thiết bị công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống tự động hóa để không bị lũ cuốn trôi.
Về chiến lược xuất khẩu, bà Nga thừa nhận, Dược Hậu Giang chưa thực sự thành công, hiện Công ty mới đang tập trung sản xuất xuất khẩu những mặt hàng thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên nhưng để thành công Dược Hậu Giang còn cần phải cố gắng để đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế.
“Quyết tâm quản trị hệ thống phân phối theo xu thế mới - yếu tố cạnh tranh sống còn của ngành dược. Nếu không thay đổi thì Dược Hậu Giang sẽ không còn là doanh nghiệp đứng đầu mà có thể bị đẩy xuống vị trí cuối cùng thậm chí không còn cái tên Dược Hậu Giang trên thị trường”, bà Nga nhìn nhận.