Khối ngoại thử thách khối nội

(ĐTCK) Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 27 liên tiếp với giá trị gần 700 tỷ đồng trên toàn thị trường, cho thấy áp lực với bên mua là rất lớn.
Ảnh Lê Toàn Ảnh Lê Toàn

Theo số liệu của Fiintrade, ngày 18/3, khối ngoại bán ròng 540 tỷ đồng trên sàn HOSE và 69 tỷ đồng trên sàn HNX, nhưng chỉ số chứng khoán cả 2 sàn lại tăng điểm, nhờ lực mua của nhà đầu tư nội.

Cùng với đó, sức cầu đáng kể khác đang và sẽ đến từ việc các doanh nghiệp đăng ký hoặc có kế hoạch sẽ mua vào cổ phiếu quỹ, theo con số thống kê đến thời điểm này vào khoảng 2.277 tỷ đồng.

Tại nhiều doanh nghiệp, ban lãnh đạo và người liên quan cũng “không thể ngồi yên” nhìn cổ phiếu giảm mạnh. Chủ thể này đã đăng ký mua vào khoảng 2.000 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu từng bị nhà đầu tư ngoại bán mạnh như VCB, HPG, VPB, nay đã xuất hiện lực mua cũng của nhà đầu tư ngoại đối ứng. Cùng với đó, nhà đầu tư ngoại đã mua gần ròng gần 500.000 cổ phiếu khi mã TCH giảm sàn liên tiếp mất 50% thị giá về mức 22.000 đồng/cổ phiếu, nằm trong vùng giá thấp nhất trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, lịch sử TTCK Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến chuỗi bán ròng liên tiếp của khối ngoại như hiện nay. Mặc dù giá trị bán ròng chỉ vài trăm tỷ đồng/phiên, nhưng lực bán từ khối này đã tạo áp lực tâm lý rất lớn cho nhà đầu tư trong nước.

Mối lo về ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu chưa có dấu hiệu dừng lại khiến câu chuyện khối ngoại bán ròng cổ phiếu chưa có dấu hiệu kết thúc.

Lực cầu của khối nội theo đó, sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, nhất là khi giá các cổ phiếu sau khi chạm mức đáy được gọi là rẻ, đang phục hồi tăng nhẹ trở lại, kích thích nhu cầu bán ra kiếm lãi ngắn hạn.

Lực cầu trong nước không chỉ đặt niềm tin vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế của Chính phủ, mà còn phụ thuộc nhiều vào tin tức hỗ trợ từ bên ngoài.

Nếu thị trường Mỹ và thị trường các nước tiếp tục suy giảm, dẫn đến nhà đầu tư ngoại quyết liệt thoái vốn thì dòng tiền nội khó có thể cầm cự được.

Ðây là thử thách lớn nhất cho sức bền của lực cầu và thanh khoản của TTCK hiên nay.

Tuy nhiên, nếu thị trường thế giới ổn định lại trước những gói hỗ trợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, Anh và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, sẽ là tác động tích cực giúp sức cầu từ nhà đầu tư trong nước “bình ổn”, diễn biến thị trường có thể bước vào một giai đoạn mới, phân hoá rõ nét hơn.

Các cổ phiếu định giá P/E dưới 5 lần, thêm các tiêu chí cổ tức trên thị giá cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm, doanh nghiệp có tiền mặt tương đối dồi dào, ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…, sẽ chịu áp lực giảm giá ít hơn.

Trong khi đó, các cổ phiếu đang được định giá bởi P/E cao trước kia có thể được định giá lại, khi dòng tiền khắt khe hơn trong việc chọn lựa đầu tư trên thị trường.

Trước mắt, điểm nhìn thấy rõ là thị trường sẽ bị thử thách bởi kỳ công bố kết quả kinh doanh quý I, với dự đoán không khả quan và nhà đầu tư chờ đợi các doanh nghiệp công bố kế hoạch 2020 để định giá lại cổ phiếu so với mặt bằng chung đã giảm.

Việc doanh nghiệp thực hiện chi trả cổ tức sẽ là một lực đỡ quan trọng, nhưng việc các đại hội đồng cổ đông liên tục bị hoãn vì yêu cầu chống dịch sẽ đẩy lùi thời gian chi trả cổ tức của doanh nghiệp về nửa cuối năm.

Một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump thừa nhận, chỉ riêng sự sụt giảm tại Mỹ sẽ là một cuộc suy thoái tồi tệ, các chuyên gia kinh tế đồng loạt gạt đi những dự báo trước đây của họ và tuyên bố rằng, thế giới có thể không tránh khỏi rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ðó là câu chuyện của thế giới, còn tại Việt Nam, VN-Index đã lùi về mốc 700 điểm, nhưng trong chuỗi suy giảm kéo dài hơn 1 tháng nay cho thấy, vẫn có những phiên thị trường màu xanh.

Sức cầu nội ở những phiên này đã tạm thời “chiến thắng” nỗi sợ hãi từ dịch bệnh. Ðược tiếp thêm lực mua cổ phiếu quỹ từ doanh nghiệp và mua từ các cổ đông nội bộ, hy vọng sức bền của cầu nội sẽ sớm giúp khối ngoại bình tâm.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục