Khởi động lại tinh thần kinh doanh

Hôm nay (28/4), hơn 300 doanh nghiệp dân doanh cùng 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 20 doanh nghiệp nhà nước, đại diện cho gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động sẽ có mặt tại Hội nghị doanh nghiệp năm 2014 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì tại Hà Nội.
Khởi động lại tinh thần kinh doanh

Mỗi doanh nghiệp sẽ mang một tâm tư, nguyện vọng gửi tới người đứng đầu Chính phủ, nhưng tựu trung từ những kiến nghị đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tập hợp, các doanh nghiệp tin rằng, sẽ có được kết quả cụ thể về việc thực hiện những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, khoan sức doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh... mà Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh. Đây là những điều mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, đã chờ đợi và kỳ vọng từ ngày đầu tiên của năm 2014.          

Nói vậy là bởi, trong thời gian này, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cho dù có một vài dấu hiệu cải thiện, nhưng khó khăn vẫn rất lớn.

Chỉ tính riêng quý I/2014, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 16.745, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 2.581 doanh nghiệp giải thể, tăng 13,6%.

Quy mô doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi. Báo cáo doanh nghiệp thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 lần đầu tiên bóc tách tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với tỷ lệ 95,8%, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ là 66,8%, tăng so với tỷ lệ 53% vào năm 2002. Phần lớn trong số này là doanh nghiệp dân doanh.

Mặc dù có số lượng áp đảo tại Việt Nam, nhưng doanh nghiệp dân doanh cảm thấy yếu thế hơn so với các các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp lớn có mối quan hệ thân quen với chính quyền địa phương. Khảo sát của Dự án Chỉ số Năng lực cạnh cấp tỉnh năm 2013 cho thấy, doanh nghiệp nhà nước gặp thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn, đất đai, trong thực hiện thủ tục hành chính…

Rõ ràng, một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam đang yếu đi cả về quy mô lẫn năng lực cạnh tranh. Với quy mô và sức khỏe này, các doanh nghiệp dân doanh rất khó tận dụng được những cơ hội mới từ công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong việc trở thành đối tác của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI mà Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Thậm chí, cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế với những lợi ích nhìn thấy rõ từ các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU… đang được đàm phán cũng trở nên xa vời…

Điều đáng nói hơn cả là tinh thần kinh doanh - trụ đỡ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam suốt từ năm 2000 đến nay - cũng sụt giảm ít nhiều. Trước Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đúng 1 ngày, VCCI lần đầu tiên công bố Chỉ số Kinh doanh Việt Nam năm 2013 (GEM Việt Nam 2013) với bức tranh khá buồn khi Việt Nam đứng trong nhóm cuối bảng về lo ngại từ rủi ro kinh doanh. Số người Việt Nam muốn tham gia kinh doanh thấp hơn so với các nền kinh tế có cùng giai đoạn phát triển.

Thực tế này lý giải tại sao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong vài năm gần đây được xếp ở các vị trí thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia, nền kinh tế khác trong khu vực.

Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đang cần động lực mạnh mẽ để khởi động lại tinh thần kinh doanh, sự năng động. Động lực đó là sự minh bạch, bình đẳng trong xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người kinh doanh có thể tiếp cận các thông tin, sự trợ giúp về kỹ thuật cũng như về tài chính. Đương nhiên, quyết tâm của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn luôn là nền tảng quan trọng để góp phần giúp doanh nghiệp lấy lại sự năng động.

Bảo Duy(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục