Thưa ông, doanh nghiệp dân doanh không nằm trong 3 trọng tâm tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Vậy vì sao ông lại cho rằng, Nhà nước cần phải có chính sách tái cơ cấu cả khu vực này?
Mọi người ai cũng nghĩ rằng, dù Nhà nước không chọn khu vực dân doanh làm “điểm nhấn” trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thì trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế này cũng tự tái cơ cấu.
Suy nghĩ này không sai, nhưng theo tôi, muốn tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế thành công, cần phải có cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích khu vực doanh nghiệp dân doanh đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Bởi tái cơ cấu, suy cho cùng là sử dụng các biện pháp, chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, năng lực sản xuất, hiệu quả của hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế. Nếu “bỏ quên” bất cứ khu vực nào, thì hiệu quả tái cơ cấu tổng thể của cả nền kinh tế cũng không đạt được như mong muốn.
Hơn nữa, vẫn biết dù không đặt tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh là trọng tâm, thì bản thân họ cũng tự tái cơ cấu. Song nếu Chính phủ có chính sách, giải pháp, chính sách hỗ trợ thì khu vực dân doanh cảm thấy được quan tâm, không bị phân biệt đối xử với khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công, theo ông, phải tái cơ cấu cả khu vực doanh nghiệp dân doanh. Cần hiểu lập luận này thế nào?
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhằm giảm nợ xấu, gia tăng chất lượng tín dụng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm ở mức hợp lý, tập trung vốn cho những lĩnh vực, ngành hàng cần khuyến khích đầu tư… Nếu số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh từ hòa tới lỗ chiếm 65-75% tổng số doanh nghiệp, thì làm sao có thể giảm được nợ xấu; làm sao có thể nâng được dư nợ tín dụng và làm sao có thể nâng cao được chất lượng tín dụng. Tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau, nên phải thực hiện song song cả 2 nhiệm vụ là tái cơ cấu ngân hàng và khu vực doanh nghiệp dân doanh. Bởi khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp dân doanh tái cơ cấu, thì họ mới lớn mạnh hơn, khỏe hơn, mới góp phần nâng cao được chất lượng tín dụng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại.
Theo ông, nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp dân doanh tái cơ cấu sẽ góp phần đáng kể trong việc bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,8% trong năm nay và 6,2% vào năm tới?
Ai cũng biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Và thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội không đạt kế hoạch.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%, Quốc hội đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tương đương 30% GDP (năm 2013 đạt khoảng 29% GDP), với số tiền ước tính là 1.235.000 tỷ đồng, trong đó khu vực dân doanh đầu tư chiếm trên 42% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng hơn 28% so với năm 2013. Khu vực dân doanh đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực này vẫn chủ yếu thua lỗ, thì không thể tăng dư nợ tín dụng theo mục tiêu đã đặt ra là tăng 12-14% so với năm 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội không đạt mục tiêu, nên tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tôi cho rằng, một khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014, năm 2015 và nhiều năm tới vẫn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng của khu vực doanh nghiệp dân doanh.
Trong khi chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ khu vực doanh nghiệp dân doanh tái cơ cấu, để khuyến khích khu vực này vay vốn ngân hàng, tăng tổng đầu tư toàn xã hội thì cần phải làm gì, thưa ông?
Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đã nói nhiều về tình trạng lãi suất vốn vay ngân hàng hiện khá thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn không vay. Vì sao vậy? Vì niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách vĩ mô đã trở lại, nhưng chưa được củng cố vững chắc.
Trong các chính sách vĩ mô, doanh nghiệp cần nhất là phải giữ được lạm phát ở mức thấp trong một thời gian dài, phải kiểm soát được lạm phát vững chắc. Ví dụ, Chính phủ cam kết giữ ổn định lạm phát 5-7%/năm trong vòng ít nhất là 3-5 năm. Với cam kết này, các ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay với lãi suất 7-9%/năm trong vòng 3-5 năm, doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn để đầu tư dài hạn. Ngược lại, rất ít doanh nghiệp dám vay vốn đầu tư dài hạn, vì năm nay lạm phát thấp họ được vay với lãi suất 8-10%/năm, sang năm, nếu không kiềm chế được lạm phát, họ phải vay với lãi suất 12-14%/năm, thậm chí cao hơn thì không ai dám tiếp tục vay vốn để đầu tư dài hạn. Như vậy, nguồn vốn đầu tư bị nghẽn lại do doanh nghiệp không thể tính được hiệu quả đầu tư và việc đầu tư cũng rất mạo hiểm.