Nhận định này được nhiều chuyên gia nêu ra tại Hội thảo tham vấn Dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức.
Đã "động" nhưng còn thiếu "lực"
Mục tiêu mà Dự thảo kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, đặt ra là đến năm 2015 số DN đăng ký sẽ gấp 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, số DN thành lập mới từ năm 2011 - 2015 đạt trên 450.000 DN.
Để đạt mục tiêu trên, Dự thảo đưa ra nhiều giải pháp mang tính định hướng. Cụ thể, sẽ tăng cường hỗ trợ khối DN dân doanh, trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ thông qua hình thức: khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng cơ cấu tín dụng cho các DN này; tạo điều kiện cho DN thuận lợi hơn trong vay vốn trung và dài hạn. Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ tạo cơ chế khuyến khích phát triển các hình thức, các công cụ cho vay tài chính mới ngoài các sản phẩm truyền thống, để DN vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng dễ dàng, với chi phí hợp lý hơn… Nhà nước cũng sẽ tập trung hoàn thiện chính sách khuyến khích DN vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, cho ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, để có chỗ đứng tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Những giải pháp trên, theo đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành, mặc dù đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong hỗ trợ DN dân doanh phát triển, nhưng chưa tạo được động lực để giúp khu vực DN này có bước triển đột phá trong những năm tới. Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhìn nhận, bản dự thảo kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2015 chưa làm rõ được chính sách khuyến khích DN dân doanh phát triển hiệu quả, năng động hơn. Nếu không đặc biệt quan tâm vấn đề này, sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng, Dự thảo chưa đưa ra được những giải pháp có tính chiến lược, khả thi cao để thúc đẩy khối DN tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Với những thế mạnh về sử dụng vốn hiệu quả; năng động trong quản trị DN, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị truờng… nếu có chính sách khuyến khích thoả đáng, chắc chắn những gì mà khu vực DN tư nhân đóng góp cho nền kinh tế không dừng lại ở kết quả hiện tại.
Cách nào hỗ trợ?
Các chuyên gia khuyến nghị, trong kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm tới, Việt Nam cần dành nguồn lực thỏa đáng hơn để "tiếp sức" cho DN dân doanh phát triển mạnh mẽ hơn. Muốn đạt mục tiêu này, bà Victoria Kwakwa đề xuất: một ưu tiên mà Việt Nam cần tập trung cải cách, đó là giảm thiểu chi phí, cũng như thủ tục và thời gian đăng ký kinh doanh cho DN. Nhà nước cần liên tục tối ưu hóa môi trường kinh doanh, để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa trong tiết kiệm chi phí đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh...
Là một nước đang phát triển với đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn cho hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, nên đại diện Đại sứ quán Australia cho rằng, Việt Nam cần sớm "tạo đất" cho DN tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường xá, cầu cảng, kho vận… Muốn vậy, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh khung pháp lý cho mô hình hợp tác công tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, cần làm rõ quyền, cũng như nghĩa vụ của DN tư nhân khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là có cơ chế ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, mặt bằng "sạch"… để tạo sức hấp dẫn, thu hút DN tham gia.
Dưới góc nhìn của đại diện JICA, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện chưa phát triển hiệu quả. Trong khi đó, với những thế mạnh của mình, DN dân doanh rất có điều kiện đầu tư phát triển vào lĩnh vực này, nhưng do sự quan tâm đầu tư của Nhà nước chưa đủ mạnh, nên chưa mang lại kết quả mong muốn. Bởi vậy, Việt Nam cần sớm có chiến lược khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ rõ ràng, trong đó cần đặc biệt hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tận dụng hiệu quả thế mạnh của DN tư nhân tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên cơ sở tiếp thu ý kiến gợi mở của các chuyên gia, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý, bổ sung vào Dự thảo kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2015, để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, có tính khả thi cao nhằm giúp khu vực DN dân doanh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.