Khó tránh lãi cho vay đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chi phí đầu vào tăng theo xu hướng nâng lãi suất huy động nên lãi suất cho vay được dự báo sẽ đi lên trong những tháng cuối năm 2022.
Các nhà băng có vốn nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhằm giữ thị phần tiền gửi Các nhà băng có vốn nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhằm giữ thị phần tiền gửi

Lãi suất huy động tăng đều

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần nâng lãi suất huy động trong những ngày cuối tháng 9/2022.

Chẳng hạn, SCB nâng lãi suất tiết kiệm tiền đồng thêm 0,15 - 0,2%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy và online lần lượt là 7,2%/năm và 7,25%/năm; kỳ hạn gửi 9 tháng có lãi suất tương ứng 7,35%/năm và 7,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 7,5%/năm và 7,55%/năm. Đối với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân tăng từ 7,75%/năm lên 7,95%/năm.

Nam A Bank tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 1%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng đạt 4,7 - 4,9%/năm, 6 tháng là 6,7%/năm, 12 tháng là 7,3%/năm.

Bản Việt áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 7,1%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, 7,5%/năm kỳ hạn 12 tháng, còn kỳ hạn dưới 6 tháng chạm trần 5%/năm.

Lãi suất huy động tiết kiệm online tại SHB ở kỳ hạn 6 tháng là 6,2%/năm, 12 tháng là 6,9%/năm.

Kienlongbank nâng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 6,4%/năm, 12 tháng là 6,8%/năm, 24 tháng là 7,1%/năm.

VPBank áp dụng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng từ 6 - 6,8%/năm, 12 tháng từ 6,4 - 7,2%/năm, tùy giá trị tiền gửi.

OCB cạnh tranh huy động tiền gửi khi tăng lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng lên 6 - 7%/năm, 12 tháng lên 6,7 - 7,3%/năm.

Mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay khó có thể duy trì ở mức hiện nay, dự báo trong quý IV/2022 sẽ tăng thêm 1 - 1,5%/năm.

So với đầu năm 2022, hiện lãi suất tiết kiệm có mức tăng phổ biến là 1%/năm. Đặc biệt, với kỳ hạn gửi dài ngày, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống 34% kể từ đầu tháng 10/2022.

Các nhà băng có vốn nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhằm giữ thị phần tiền gửi. Cụ thể, ngày 27/9, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt nâng lãi suất huy động.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong quý cuối năm nay, do áp lực lạm phát và một bộ phận người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư từ gửi tiết kiệm sang kênh khác. Ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, khiến áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay gia tăng.

Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên cả thị trường 1 và thị trường liên ngân hàng. Mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 có thể cao hơn 1,5 - 2%/năm so với cuối năm 2021 và lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước, khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%/năm.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 26/9 cho thấy, kỳ hạn qua đêm ở mức 5,12%/năm, kỳ hạn 1 tuần ở mức 5,55%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 5,69%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 6,72%/năm. Một số nhà phân tích tài chính cho rằng, từ nay đến cuối năm 2022, bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ dao động phổ biến trong vùng 5 - 5,5%/năm.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã trở về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra là tháng 3/2020, được đánh giá là phù hợp với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, mức lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4% và 4,5%, đồng thời “phòng thủ” trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục nâng lãi suất lên 4,5 - 4,75%/năm vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Tuy nhiên, lo ngại về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền đồng đang hiện hữu, khi chỉ số USD Index tiếp tục tăng lên mức cao, tạo sức ép lên tỷ giá và lãi suất trong nước.

Khó tránh lãi vay tăng theo

Ông Nguyễn Văn Thành ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết, ông có nhu cầu chuyển sang ở một căn hộ cao cấp hơn nhưng tài chính không đủ nên phải đi vay ngân hàng. Lãi suất vay vốn tại một ngân hàng quốc doanh là 12%/năm, cao hơn 1,5%/năm so với đầu năm 2022.

Không chỉ với cá nhân, mà doanh nghiệp vay vốn cũng phải trả lãi suất cao hơn. Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông sản ở Bình Dương cho hay, lãi vay hiện cao hơn 1%/năm so với trước, áp lực chi phí lãi vay đè lên vai doanh nghiệp sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng lúc này cũng không dễ, vì ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.

Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động trong nền kinh tế tăng lên đã diễn ra từ vài tháng trước, quyết định nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một hành động theo sau, hàm ý rằng, không thể đối phó với áp lực bên ngoài nếu không tăng lãi suất điều hành. Nhưng tác động lan truyền đến lãi suất cho vay, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, đã diễn ra từ trước đó và sắp tới, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng mạnh hơn. Mức lãi suất kỳ vọng đối với mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế dành cho các doanh nghiệp là mức trước đại dịch Covid-19, trên cơ sở kết hợp với yếu tố nhu cầu vốn tín dụng đang cao, trong khi nguồn cung bị hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, dù tăng lãi suất điều hành, nhưng cơ quan này sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không điều hành lãi vay, vì đây là thoả thuận giữa ngân hàng và người vay.

Theo TS. Cấn Văn Lực, áp lực lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay khó có thể duy trì ở mức hiện nay. Trong điều kiện chi phí đầu vào tăng, lãi suất cho vay khó tránh được áp lực phải điều chỉnh tăng theo, dù có độ trễ.

Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, mặt bằng lãi suất huy động dần nhích lên kể từ đầu năm đến nay và room tín dụng đã cạn nên ngân hàng đang tính đến việc tăng lãi suất cho vay. Gần đây, do không còn dư địa cho vay mới nên ngân hàng ông đã phải thực hiện đấu giá lãi suất giữa các chi nhánh. Khoản vay của chi nhánh nào đáp ứng các điều kiện tín dụng và lãi suất cho vay cao sẽ được ngân hàng ưu tiên cấp room cho vay.

Thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã tăng từ 0,5 - 1,5%/năm so với đầu năm 2022, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh và chi phí đầu vào gia tăng.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 16/9/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi định hướng của tăng trưởng cả năm 2022 là 14%.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay đã qua. Hiện tại, Việt Nam cần có một chính sách lãi suất phù hợp hơn, có thể tăng nhưng ở mức vừa phải, gắn với việc điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không mất giá quá nhiều.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính dự báo, mặt bằng lãi suất huy động đi lên sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng theo, mức tăng đến cuối năm 2022 có thể là 1 - 1,5%/năm.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục