Lãi suất cho vay có tăng theo lãi suất huy động?

0:00 / 0:00
0:00
Chi phí đầu vào tăng theo xu hướng lãi suất huy động tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh lãi suất điều hành, áp lực lên lãi suất cho vay vì vậy cũng ngày càng cao.
Lãi suất cho vay có tăng theo lãi suất huy động?

Chi phí đầu vào tăng

Hiện ở những kỳ hạn gửi tiết kiệm dưới 6 tháng, các ngân hàng tăng lãi suất lên mức trần 5%/năm, song sự khác biệt chủ yếu nằm từ 6 tháng trở lên. VPBank vừa tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 0,5% đến 0,8%/năm. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất dao động từ 4,5 - 4,8%/năm. Tuy nhiên, từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất tăng vọt lên 5,8 - 6,6%/năm, 12 tháng là 6,2 - 7%/năm và mức cao nhất 7,5%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.

Trong khi đó, tại Ngân hàng Bản Việt, lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,8 - 7%/năm, 12 tháng từ 7 - 7,3%/năm, mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm kỳ hạn 24 tháng. SCB là ngân hàng có mặt bằng lãi suất huy động cao cũng đã tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 6,85%/năm, 9 tháng 7%/năm, 12 tháng 7,3%/năm và mức cao nhất là 7,55%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. OCB cạnh tranh khi tăng lên 6 - 7%/năm kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng lên 6,7 - 7,3%/năm…

So với đầu năm 2022, lãi suất tiết kiệm đã tăng trên dưới 1%. Trong đó, với kỳ hạn dài ngày, các ngân hàng đang phải tăng mạnh lãi suất để tranh thủ huy động được tiền gửi dài ngày cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% hiện nay xuống còn 34% kể từ đầu tháng 10/2022.

Trong điều kiện chi phí đầu vào tăng, giới phân tích tài chính cho rằng, khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Theo lãnh đạo một ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động tăng dần từ đầu năm đến nay, đặc biệt khi room tín dụng của nhiều nhà băng đã cạn, nên việc tăng lãi vay là khó tránh.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dù tăng lãi suất điều hành, nhưng NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. NHNN không điều hành lãi vay, vì đây là thoả thuận giữa ngân hàng và người vay.

Áp lực lên lãi vay

Hiện Việt Nam cần có một chính sách lãi suất phù hợp, có thể tăng nhưng ở mức vừa phải, gắn với việc điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không mất giá quá cao.

Trong bối cảnh các nhà băng khát tiền gửi, việc tăng lãi suất huy động kỳ vọng sẽ giúp giảm căng thẳng về thanh khoản. Song khi chi phí đầu vào tăng, lãi suất cho vay cũng biến động.

Yuanta Việt Nam cho rằng, biên lãi ròng (NIM) toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) thấp, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thấp, sẽ ít chịu áp lực về NIM lớn hơn.

Trong khi đó, theo các chuyên gia VCBS, lãi suất tiếp tục tăng khiến dư địa điều hành mang tính chất định hướng giảm sức nặng, trong khi nguồn lực của NHNN còn hạn chế được xem là tín hiệu không tích cực. Cùng với đó, trên thị trường thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục quyết liệt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng 1,5-2%, lãi suất liên ngân hàng sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, lạm phát Việt Nam đang gia tăng, NHNN yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhưng nếu lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhất là khi USD tăng áp lực lên tỷ giá. Cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay đã qua, hiện Việt Nam cần có một chính sách lãi suất phù hợp, có thể tăng nhưng ở mức vừa phải, gắn với việc điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không mất giá quá cao.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thời gian qua, thị trường đã ghi nhận lãi suất huy động tăng trên thị trường 1, nhất là lãi suất kỳ dài hạn. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.

Thực tế, kể từ đầu năm đến nay, bên cạnh xu hướng tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng đã có dấu hiệu nhích tăng ở một số ngân hàng, đặc biệt đối với cho vay mua nhà. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, để giữ ổn định lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao là các ngân hàng thương mại cần tiết giảm các loại chi phí, cấu phần tạo nên lãi suất cho vay.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục