Lãi suất cho vay mua nhà lên cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà băng vẫn cho vay mua nhà, song không rộng cửa như trước, lãi suất áp dụng cũng cao hơn.
Mới đây, Sacombank đã thông báo tạm “khóa van” đối với tín dụng bất động sản, kể cả cho vay mua nhà. Ảnh: Dũng Minh. Mới đây, Sacombank đã thông báo tạm “khóa van” đối với tín dụng bất động sản, kể cả cho vay mua nhà. Ảnh: Dũng Minh.

Khó cho vay, lãi suất cũng cao hơn

Chị Trần Mỹ Anh, ở quận 8. TP.HCM cho hay, chị vừa nhận được thông báo từ ngân hàng về việc điều chỉnh lãi suất cho vay tăng thêm 1%/năm cho khoản vay mua nhà từ cuối năm 2021. Lý do ngân hàng đưa ra là hết thời hạn ưu đãi trong 6 tháng đầu với mức lãi suất 8%/năm và phải tăng lên mức lãi suất mới là 9%/năm.

Trong khi đó, ông Mai Hà An, ở TP. Thủ Đức than thở rằng muốn vay thêm khoảng gần 1 tỷ đồng để mua căn hộ cho con trai ra ở riêng mà gõ cửa hai ngân hàng cũng chưa vay được. Lý do là các ngân hàng đang cạn dần hạn mức tín dụng được cấp cho cả năm nay nên phải chọn lọc khoản vay để giải ngân.

Trong khi đó, ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, nhu cầu tín dụng khách hàng cá nhân, nhất là vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua xe, mua và sửa chữa nhà ở tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội dần gia tăng sau khi dịch bệnh được kiểm soát…

Theo ông Vũ, trong điều kiện bình thường, các ngân hàng luôn cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để duy trì thị phần. Tuy vậy, mỗi thời điểm, do chi phí vốn (lãi suất huy động), chi phí vận hành, chi phí quản lý và các yếu tố đầu ra như lợi nhuận mục tiêu, trần tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng nên lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng hoặc giảm.

“Hiện nhiều yếu tố đầu vào của các ngân hàng như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành có xu hướng tăng lên, trong khi áp lực về lợi nhuận từ cổ đông và cơ chế quản lý bằng trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể thay đổi nên lãi suất cho vay cá nhân đang chịu áp lực tăng tương đối cao”, ông Vũ nói.

Lãi suất cho vay mua, sửa chữa nhà tại các ngân hàng đã tăng từ 0,5-1,5%/năm so với cuối năm ngoái.

Mặc dù không “bít cửa” với tín dụng nhà ở, song lãi suất cho vay mua, sửa chữa nhà tại các ngân hàng đã tăng từ 0,5-1,5%/năm so với cuối năm ngoái do nhiều nhà băng sử dụng hết hạn mức tín dụng, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản. Mức lãi suất cho vay mua nhà phổ biến trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là 8-8,2%/năm trong thời gian đầu ưu đãi. Sau thời gian này, mức lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ từ 4-4,5%/năm, tương đương từ 9,5-10%/năm.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân áp dụng mức lãi suất cao hơn và thời gian ưu đãi cũng ngắn hơn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm và thời gian ưu đãi càng dài lãi suất sau đó càng cao. Chẳng hạn, nếu khoản vay áp dụng mức lãi suất cố định 8%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 9%/năm trong 12 tháng đầu tiên thì sau giai đoạn đó, lãi suất sẽ dao động trong khoảng 11-12%/năm. Nguyên nhân khiến lãi suất cho vay mua nhà tăng lên, theo lãnh đạo các nhà băng là do chi phí đầu vào nhích dần theo lãi suất tiết kiệm. Bên cạnh đó, để hạn chế đầu cơ bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 0,3-0,5%/năm trong năm nay, do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến ngày 18/6/2022, tín dụng tăng 8,2% so với đầu năm); nguy cơ lạm phát gia tăng trong năm 2022.

Vì nhiều áp lực

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, mức lãi suất cho vay mua nhà đang áp dụng tại Shinhan Việt Nam bình quân từ 8%/năm trở lên. So với các quý trước và cuối năm 2021, mức lãi suất này đã tăng tương đối. Đồng thời, ông Vũ cho hay, hiện Shinhan Việt Nam chọn lọc khá kỹ khách hàng để cho vay đến khi có thông báo mới từ Ngân hàng Nhà nước về room tín dụng năm 2022.

Trong khi đó, một số nhà băng như Sacombank đã thông báo tạm “khóa van” đối với tín dụng bất động sản, kể cả cho vay mua nhà (ngoại trừ cán bộ, nhân viên của Ngân hàng). Nguyên nhân là nhiều ngân hàng đang dần cạn room tín dụng do tăng trưởng dư nợ của ngành khá cao trong 2 quý đầu năm.

Đặc biệt, từ tháng 10/2022, khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bị “bóp” lại (xuống 34% từ tháng 10/2022 và còn 30% từ tháng 10/2023), dự kiến dòng vốn vào bất động sản - thường vay kỳ hạn dài - sẽ khó khăn hơn. Điều này gián tiếp đẩy lãi suất cho vay mua nhà tăng lên.

Về chính sách tín dụng bất động sản, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Không thể nói khác về câu chuyện kiểm soát dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản. Nếu rót quá nhiều vốn vào lĩnh vực này, rủi ro rất lớn vì sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn lớn để cho vay trung, dài hạn”.

Hiện hệ thống ngân hàng thương mại đã bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất hiệu quả hỗ trợ trọng điểm vào một số ngành nghề nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch.

Đầu năm nay, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ điều chỉnh room tín dụng một cách linh hoạt, có thể tăng lên 15-16%, song cũng có thể giảm xuống 12-13%. Bởi lẽ, ưu tiên trước hết của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, tiếp đó là đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Hiện nhiều ý kiến cho rằng một số ngân hàng thương mại hiện nay hết room nên không thể đẩy vốn cho vay, nhưng theo ông Đào Minh Tú, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Mặc dù vậy, với tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ 2021, lãi suất huy động đang chịu áp lực tăng. Theo đó, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.

Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, lạm phát tháng 6/2022 có thể tăng 0,4-0,5% so với tháng trước, tương ứng tăng 3,08-3,18% so với năm trước. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng.

Vì thế, lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng, song sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Với định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến trên thị trường tiền tệ, những người có nhu cầu mua nhà như ông An khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngay cả khi các ngân hàng được nới room tín dụng, nếu tiếp cận được thì mức lãi suất phải trả cũng sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục