Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngành ngân hàng?
Quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt được những hiệu quả nhất định theo hướng tích cực. Tuy nhiên, với việc xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng mới thực hiện được giai đoạn một. Số lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các ngân hàng khá nhiều, nhưng đến nay kết quả xử lý còn khiêm tốn.
Theo tôi, Chính phủ, NHNN và VAMC cần có thêm thời gian để có hướng xử lý nợ xấu tốt hơn. Thực tế, giai đoạn một là VAMC mua lại nợ từ các ngân hàng đã được thực hiện khá ổn. Giai đoạn thứ hai là làm thế nào để có thể xử lý được khối lượng nợ xấu khổng lồ mà các ngân hàng đã bán cho VAMC. Hiện NHNN, VAMC đang trong quá trình nghiên cứu đầu ra cho các khoản nợ xấu lớn đã mua về, từng bước xử lý giảm dần các khoản nợ.
TS Alan Phạm
Nợ xấu, kéo theo dự phòng tăng khiến lợi nhuận teo tóp, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng khó kỳ vọng cổ tức, theo ông lúc này có nên mua cổ phiếu “vua”?
Cổ phiếu của các ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán thường là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Nhưng cũng có nhiều giai đoạn, cổ phiếu của nhóm ngân hàng đang niêm yết lên xuống mạnh, do tác động của thị trường và ảnh hưởng từ các khoản trích dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận sụt giảm.
Chính vì thế, nếu mua cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn hiện nay cần có tầm nhìn dài hạn khoảng 3 - 5 năm. Nếu đầu tư cổ phiếu ngân hàng mà kỳ vọng thu lợi trong ngắn hạn thì rất khó, nhất là với những nhà đầu tư nhỏ, lẻ có ý định lướt sóng cổ phiếu.
Hiện tại, việc phải chạy đua thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và áp lực tăng vốn của các ngân hàng có khiến nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh?
Thoái vốn từ quy định của Thông tư 36 hay việc các ngân hàng tăng phát hành cổ phiếu là một hình thức tăng cung hàng hóa cho thị trường, được xem là một việc tốt. Bởi trong những tháng vừa qua, trên thị trường ít có các mã hàng hóa có chất lượng, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu tốt luôn có. Việc tăng nguồn cung sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn.
Hiện tại, những ngân hàng quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả và gây thua lỗ, âm vốn đã được đẩy mạnh tái cơ cấu và đang từng bước xử lý khó khăn. Còn lại, những ngân hàng hoạt động hiệu quả, đã khắc phục được khó khăn và có sự tăng trưởng ổn định.
Cổ phiếu của các nhà băng này sẽ theo chiều hướng tăng, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết vẫn được xem là dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn, thay vì lướt sóng ngắn hạn.
Theo ông, sức khỏe của các ngân hàng nhỏ liệu đã được cải thiện hơn?
Trước đây, các nhà băng nhỏ lẻ chịu áp lực thanh khoản lớn, hiện nay, tình trạng này không còn nặng nề như trước. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn trước khủng hoảng, nhóm ngân hàng nhỏ thường tăng lãi suất huy động mạnh để đảm bảo thanh khoản. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, việc chạy đua tăng vốn mạnh không còn hiện hữu ở nhóm này. Tất nhiên, chúng ta vẫn chưa thể loại trừ được khó khăn này, nhất là khi các ngân hàng phải tăng vốn để nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực mới.
Việc tăng vốn của các nhà băng nhỏ liệu có thành công như kỳ vọng?
Năng lực tài chính của các nhà băng nhỏ chắc chắn phải dần được nâng lên. Nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc huy động được nguồn vốn lớn tăng thêm không phải là vấn đề dễ dàng. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ muốn tăng vốn cần phải tìm kiếm được đối tác chiến lược trong và ngoài nước.
Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh mà còn hỗ trợ chiến lược phát triển bán lẻ. Điều quan trọng là phải nới thêm room để các nhà đầu tư nước ngoài mặn mà hơn trong việc tham gia vào các nhà băng này.