Cổ phiếu ngân hàng có cơ hội tăng trong năm 2016?

(ĐTCK) Với nhiều yếu tố hỗ trợ như quá trình tái cơ cấu hệ thống đạt được nhiều thành tựu, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lợi nhuận chung của ngành đang khởi sắc, cổ phiếu ngân hàng liệu có trở lại ngôi vua?
Cổ phiếu ngân hàng có cơ hội tăng trong năm 2016?

Nhiều yếu tố hỗ trợ…

Có thể nói, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 2015, năm cuối cùng thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động cơ cấu lại các ngân hàng được triển khai mạnh mẽ. M&A giữa các NHTM diễn ra thành công và NHNN mua lại 3 NHTM yếu kém với giá 0 đồng mà không phải sử dụng đến ngân sách nhà nước.

Khung pháp lý cho hoạt động M&A các TCTD ngày càng tốt hơn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, ba mục tiêu quan trọng khác là tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hoạt động quản trị của NHTM đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực. Với sự ra đời của VAMC và hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu không chỉ giúp ngành ngân hàng đưa nợ xấy về dưới 3%, mà còn tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các giai đoạn sau của tái cơ cấu.

Kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định, lạm phát giảm, tăng trưởng có chuyển biến tích cực, các cân đối lớn dần được cải thiện, nhập siêu giảm. GDP năm 2015 đạt mức tăng trưởng 6,68%, vượt chỉ tiêu kế hoạch là 6,2%. Trong bối cảnh ấy, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng đang có dấu hiệu khởi sắc. Với thế mạnh về thị phần và quy mô hoạt động cũng như năng lực tài chính, nhóm 4 ngân hàng lớn vẫn đang dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận và bỏ xa lợi nhuận nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ.

Cụ thể, năm 2015, VietinBank có lãi hợp nhất trước thuế 7.360 tỷ đồng, kế đến là Vietcombank có lãi hợp nhất 6.829 tỷ đồng, BIDV cũng có lãi trước thuế đạt 7.036 tỷ đồng, Agribank có lợi nhuận trước thuế 3.700 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ hơn, MB có lãi trước thuế là 3.220 tỷ đồng, Techcombank cũng công bố lãi 2.037 tỷ đồng, VPBank đạt 3.096 tỷ đồng…

... nhưng cũng lắm khó khăn

Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng đang có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngân hàng.

Thời gian qua, nợ xấu của hệ thống giảm nhanh chủ yếu là nhờ bán nợ cho VAMC hơn 243.000 tỷ đồng nợ xấu, tính đến cuối năm 2015. Việc xử lý, thu hồi nợ khó khăn cùng với việc phải trích lập 20% giá trị khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành khi mua khoản nợ hàng năm, khiến nhiều ngân hàng có nợ xấu lớn vẫn phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, bào mòn lợi nhuận. Theo thống kê, riêng năm 2015, các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.

Nợ xấu toàn ngành đang giảm nhanh nếu xét về tỷ lệ, nhưng tổng quy mô nợ xấu tại nhiều ngân hàng liên tục gia tăng, kể cả nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank… Chính vì vậy, năm 2016, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trên sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC.

Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ, yếu, chưa niêm yết cũng được dự báo sẽ mong manh về lợi nhuận năm nay, do mức trích lập dự phòng rủi ro lớn so với lợi nhuận thu về. Câu hỏi đặt ra là: các ngân hàng sẽ mất bao nhiêu lợi nhuận nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng tỷ lệ 5%, 20%, 50%, 100% cho từng nhóm nợ xấu, nợ quá hạn từ nhóm 2 - 5 theo đúng quy định của NHNN?

Việc phần lớn ngân hàng không chia cổ tức theo kỳ vọng của cổ đông cũng là một chỉ báo về hiệu quả kinh doanh thực của các ngân hàng. Tại ĐHCĐ năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục lấy ý kiến cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc không chia cổ tức, nhằm tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, nhất là các ngân hàng sau M&A.

Sau một thời gian tích cực tái cơ cấu, các ngân hàng cũng được NHNN “cởi mở” hơn đối với việc chia cổ tức. Năm nay, NHNN không khống chế tỷ lệ chia cổ tức của các NHTM. Nhưng các ngân hàng phải gửi báo cáo chia cổ tức cho NHNN.

Qua đánh giá, xem xét năng lực tài chính của các ngân hàng, NHNN sẽ đưa ra yêu cầu xem nên chia cổ tức bằng cổ phiếu hay chia bằng tiền mặt. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng tính bền vững trong hoạt động hơn. Nhất là những ngân hàng được lựa chọn áp dụng chuẩn mực Basel II thì càng cần phải có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức cao mới có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe về vốn của Hiệp ước Basel II. Việc tăng vốn còn giúp các ngân hàng nâng cao sức khỏe tài chính, chủ động ứng phó những biến động thị trường ngày càng phức tạp hơn.

Nguồn cung của cổ phiếu ngân hàng tăng lên xuất phát từ việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Đồng thời, quy định Thông 36/2014/TT-NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chốt tỷ lệ nắm giữ ở ngân hàng khác dưới 5% vốn điều lệ và không được nắm giữ cổ phần ở nhiều hơn 2 ngân hàng; việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ đang gây ra nhiều lo ngại về nguồn cung quá lớn của cổ phiếu ngành này trên thị trường. 

Sẽ phân hóa mạnh

Thời hoàng kim của cổ phiếu ngân hàng, “cổ phiếu vua” một thời đã đi qua. Với thực tế lợi nhuận của nhiều ngân hàng tiếp tục được dùng để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu lớn, nhiều ngân hàng không chia cổ tức theo kỳ vọng của cổ đông và nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dồi dào khiến cho cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn thiếu sự ổn định.

Hiện, nhiều cổ phiếu ngân hàng như ABBank, LienvietPostBank, BaoViet Bank, OCB, TPBank… được giao dịch trên thị trường chưa niêm yết dưới mệnh giá.

Tuy nhiên, khi chất lượng hàng hóa trên TTCK còn nhiều hạn chế, thiếu những doanh nghiệp có quy mô lớn, kết quả kinh doanh tốt thì các cổ phiếu ngân hàng niêm yết đang duy trì hoạt động ổn định, có dòng cổ tức đều đặn, chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp vẫn có sức hút với nhà đầu tư trên TTCK, trong đó có các quỹ ngoại.

Trong số đó, phải kể đến là VCB, Tính từ đầu năm đến 22/4/2016, cổ phiếu này đã tăng từ 31.900 đồng/CP lên mức 45.700 đồng/CP, tức tăng khoảng 43,2%. Kết quả hoạt động kinh doanh của VCB được xem là trong nhóm tốt nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay và VCB cũng áp dụng hệ số beta cao nhất đối với VCB. Cổ phiếu MB cũng đã chứng kiến đợt tăng gần 20% trong con sóng đầu năm nay. Cổ phiếu này gần đây được nhóm Dragon Capital chi hàng nghìn tỷ đồng để mua lại từ Maritime Bank.

TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục