Ngày 13/6, giá cổ phiếu CTG giao dịch ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu, giảm 200 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần qua. Tương tự, giá cổ phiếu BID ngày 13/6 là 18.300 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước đề nghị BIDV và VietinBank trả cổ tức bằng tiền. Sau khi có văn bản trên, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những thông tin mới, trong đó trích dẫn nhiều văn bản cho rằng, việc chia cổ tức của BIDV và VietinBank phải được thông qua Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, 2 ngân hàng này vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, những quyết định đã thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông là đúng pháp luật.
Thông điệp phát đi từ VietinBank cho rằng, đại hội đồng cổ đông VietinBank năm 2016 đã đồng thuận giữ lại lợi nhuận là quyết định cần thiết và có ý nghĩa chiến lược để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn là một trong những chỉ số hết sức quan trọng khi đánh giá năng lực tài chính của một tổ chức tín dụng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore… Đây cũng là một trong những hạn chế mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần khắc phục để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh.
Thực chất, việc quyết định không chia cổ tức của VietinBank cũng không quá khó hiểu, bởi ngân hàng này luôn có nhu cầu tăng vốn bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngay đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank đã từng chia sẻ, để đạt được mục tiêu đưa VietinBank thành ngân hàng ngang tầm quốc tế và khu vực thì vốn điều lệ của Ngân hàng phải đạt tối thiểu 3,5 tỷ USD (tức hơn 70.000 tỷ đồng). VietinBank kỳ vọng đạt mức vốn này trong năm 2017. Chưa hết, ngân hàng này còn khát vọng một mục tiêu xa hơn, với mốc tăng lên tới 5 tỷ USD trong tương lai.
Trong khi đó, BIDV cũng đã lên tiếng về quyết định liên quan việc chia cổ tức khi cho rằng, Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 theo đúng luật định. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp cổ phần phải tiến hành họp đại hội cổ đông trong thời hạn 4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.
Theo đó, ngày 25/2/2016, BIDV đã có Nghị quyết số 453/NQ-BIDV thống nhất tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 vào ngày 24/4/2016. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu của BIDV cũng đưa ra báo cáo về yêu cầu năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước với nhận định rằng, trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay, thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng.
Xung quanh những tranh cãi về vấn đề chia cổ tức của 2 ngân hàng, giới quan sát cho rằng, cho dù ai đúng ai sai thì tranh cãi đó vẫn chỉ là câu chuyện riêng của một cổ đông (cho dù đó là cổ đông lớn). Trong khi đó, trên góc độ nhà đầu tư, nếu các ngân hàng phải họp lại đại hội cổ đông để quyết lại cổ tức thì rõ ràng, đó là một “điểm trừ” lớn của một doanh nghiệp niêm yết, bởi chuyện bùng nhùng của một cổ đông đã làm phiền toán đến hàng ngàn cổ đông khác, trong đó có cả các cổ đông nước ngoài.
Chính Trung tâm Nghiên cứu của BIDV trong Báo cáo phân tích mới đây cũng thừa nhận, nếu các ngân hàng phải thay đổi quyết định về cổ tức (dù quyết định đó đã được cuộc họp đại hội đồng cổ đông thông qua), thì xem ra, vai trò của cổ đông nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai.