Khó khăn hằn trong kết quả 6 tháng

(ĐTCK) Mùa báo cáo kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp niêm yết thường bắt đầu với những thông tin khả quan, nhưng năm nay, lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ đã sớm xuất hiện.

Dầu khí: PXS khó khăn kéo dài

Từng là doanh nghiệp kinh doanh hiệu của ngành dầu khí trong giai đoạn 2013 - 2016, sự sụt giảm nguồn thu trầm trọng từ các hợp đồng, nợ vay lớn đã khiến hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PXS) đi xuống từ cuối năm 2017.

Sau khi trải qua năm 2018 khó khăn với doanh thu đạt 233 tỷ đồng, giảm 72,1%; lỗ 85 tỷ đồng so với mức lãi 79 tỷ đồng trong năm 2017, khối lượng công việc của PXS ít hơn, công việc chủ yếu đến từ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1, khối thượng tầng giàn CTC1 - WHP Cá Tầm, không đủ để bù đắp chi phi khấu hao, nhân công, nguyên vật liệu.

Năm 2019, tình trạng kinh doanh của PXS tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi Công ty hầu như không nhận thêm được các dự án mới như kỳ vọng, trong khi dự án chuyển tiếp từ năm cũ qua là không lớn. Ngay cả dự án trọng điểm Long Sơn được nhiều người kỳ vọng nhất thì cũng được lãnh đạo Công ty xác nhận bắt đầu thực hiện thi công trong quý IV/2019. Do vậy, doanh thu mục tiêu cho năm 2019 khá thấp, 532 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án Thái Bình 2, Long Hậu 1 và Long Sơn, còn kế hoạch lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 700 triệu đồng.

Kết thúc quý quý I/2019, PXS ước đạt doanh thu 59 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận từ dự án Sao Vàng Ðại Nguyệt, một số hạng mục trong dự án nhiệt điện và ghi nhận lỗ hơn 20 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phạm Ngọc Tú, phụ trách công bố thông tin PXS cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty trong quý II/2019 tiếp tục khó khăn khi không có thêm các dự án mới, chi phí lãi vay lớn đã khiến kết quả chung là thu không đủ bù chi, dẫn đến thua lỗ, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm dự kiến âm 50 tỷ đồng.

Ông Tú chia sẻ, tình trạng khó khăn của PXS nhiều khả năng sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2019 và sẽ khởi sắc dần khi Công ty ghi nhận nguồn thu mới từ dự án Long Sơn, dự kiến từ năm 2020.

Phân tích về hoạt động kinh doanh của PXS, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, triển vọng của PXS là không sáng trong năm 2019 khi so sánh với các doanh nghiệp xây lắp thượng nguồn như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), hay Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB).

Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2019 là một con số dương của PXS khó có khả năng hoàn thành với kế hoạch doanh thu Công ty đặt ra là 532 tỷ đồng. Trên thực tế, biên lợi nhuận gộp của PXS (loại trừ khấu hao) trong những năm gần đây vào khoảng 18%. Do đó, mức lợi nhuận gộp (loại bỏ khấu hao) tương ứng với kế hoạch doanh thu năm 2019 vào khoảng 95 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng chi phí cố định phát sinh (lãi vay, bán hàng, khấu hao) trong 4 năm gần đây có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn mức 95 tỷ đồng. Chính vì thế, lợi nhuận sau thuế năm 2019 nhiều khả năng ghi nhận lỗ, nếu không có những khoản thu nhập bất ngờ, hay doanh thu đạt từ 805 tỷ đồng trở lên.

Theo VCSC, từ năm 2020, khi PXS bắt tay vào thi công khối lượng lớn công việc từ dự án Long Sơn sẽ đảm bảo hoạt động cốt lõi có lợi nhuận trong vài năm tiếp theo.

Thủy sản: HVG, AGF xuống dốc

Sự phân hóa lợi nhuận trong cùng một ngành ngày càng trở nên rõ nét. Trong khi nhiều doanh nghiệp thủy sản đang được kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, từ lợi thế xuất khẩu… thì vẫn có những doanh nghiệp lao đao như Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF)…

Tính đến cuối năm 2018, AGF lỗ lũy kế 282,2 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty này là 281 tỷ đồng. Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu niên độ 2018 - 2019 (niên độ tài chính từ 1/10 - 30/9) của AGF vừa được công bố cho thấy, lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi 1,69 tỷ đồng sang lỗ hơn 120 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/3/2019 của AGF là gần 391 tỷ đồng.

Ông Võ Thành Thông, thành viên Hội đồng quản trị AGF cho biết, Công ty rơi vào “vòng xoáy” thua lỗ do không đủ nguyên liệu sản xuất để cung cấp theo hợp đồng cho các khách hàng truyền thống tại thị trường EU, cũng như mở rộng ra thị trường mới. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc và châu Á có mức tăng trưởng khá, nhưng giá xuất khẩu thấp. Ngoài ra, các ngân hàng siết chặt tín dụng, Công ty thiếu nguồn vốn, kết quả vùng nuôi không cao, có nhiều khoản nợ khó đòi…

Với HVG, báo cáo tài chính hợp nhất soát xét nửa đầu niên độ tài chính 2019 (1/10 - 30/9) cho thấy, Công ty lỗ gần 112 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập ghi nhận lãi gần 25 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/3/2019 lên gần 528 tỷ đồng.

Thực phẩm (HKB), thép (NKG, POM, VIS, DTL) thua lỗ

Ở mảng thực phẩm, Công ty cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục là một con số âm. Theo HKB, Công ty vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng. Bên cạnh đó, giá nông sản trên thế giới giảm sâu có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của HKB trong thời gian qua. Dự kiến, lợi nhuận sẽ được cải thiện khi quá trình tái cấu trúc hoàn thiện.

Một số doanh nghiệp ngành thép cũng sớm được dự báo sẽ nối tiếp tình trạng thua lỗ từ quý I/2019. Trong quý đầu năm, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) lỗ 102 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) lỗ 82 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 226 tỷ đồng), Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) lỗ 34 tỷ đồng. Công ty cổ phần Ðại Thiên Lộc (DTL) cũng thua lỗ trong quý đầu năm do chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá bán các thành phẩm không tăng.

Ba trong số 5 doanh nghiệp nêu trên chia sẻ, hoạt động kinh doanh trong quý II/2019 có sự cải thiện, nhưng lợi nhuận nửa đầu năm 2019 vẫn là một con số âm.

Lãnh đạo VIS cho rằng, nguyên nhân Công ty ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2019 là do giá đầu vào là các nguyên vật liệu tăng lên, trong khi giá đầu ra của sản phẩm thép không có sự thay đổi tương ứng. Hơn nữa, nhà máy phôi của Công ty tiếp tục hoạt động cầm chừng do sản phẩm không cạnh tranh được về giá với các loại phôi trung tần trên thị trường (phôi trung tần được sản xuất từ lò trung tần, không qua lò tinh luyện, nên chi phí sản xuất thấp hơn).

Cả năm 2019, VIS dự kiến lỗ khoảng 92,54 tỷ đồng, trong khi kế hoạch doanh thu vẫn ước đạt trên 4.000 tỷ đồng.

Ðiện lực: KHP lỗ “thời điểm”

Công ty cổ phần Ðiện lực Khánh Hòa (KHP) công bố lỗ 25 tỷ đồng trong quý I/2019, nguyên nhân là do giá mua điện bình quân tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá bán chỉ tăng 2,25%. Với biến động giá điện trong quý II/2019, lãnh đạo KHP cho biết, mức lỗ 6 tháng đầu năm 2019 lên đến 83 tỷ đồng, trong khi cuối tháng 4, kế hoạch lợi nhuận sau thuế mà Ðại hội đồng cổ đông đề ra cả năm là gần 39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị KHP, hoạt động lỗ của KHP chỉ mang tính thời điểm và do biến động tăng đột biến của giá điện đầu vào, trong khi Công ty vẫn muốn giữ bình ổn giá điện đầu ra.

“Từ quý III/2019, KHP sẽ có lợi nhuận và cố gắng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận Ðại hội đồng cổ đông đã thông qua”, ông Lâm nói.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục