Khi cổ đông phân tán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi cổ đông phân tán, cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu, các doanh nghiệp như LDG, CII, NBB, DIG gặp khó khăn trong việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên.
Giá cổ phiếu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, không thiết tham dự đại hội cổ đông. Giá cổ phiếu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, không thiết tham dự đại hội cổ đông.

CII cần cổ đông thông qua kế hoạch huy động vốn

Năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán CII) không thể tiến hành họp đại hội cổ đông trong lần tổ chức đầu tiên, do cổ đông tham gia không đủ tỷ lệ theo quy định, nên phải tổ chức lần 2.

Trước đó, năm 2021, CII tổ chức đại hội lần 1 thành công khi có đại diện 54,59% số cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng năm 2022 chỉ có 23,85% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự nên không thể tiến hành. Năm 2023, CII một lần nữa không thể tổ chức đại hội do có 45,81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn tỷ lệ quy định là trên 50%, dù doanh nghiệp có chương trình thu hút cổ đông tham dự.

CII thông báo, tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu, cổ đông tham gia đại hội năm 2023 sẽ được nhận quà bằng tiền (không nêu số tiền cụ thể). Nếu muốn nhận quà, cổ đông phải đăng ký tham dự đại hội. Trường hợp đã đăng ký mà không tham dự, Trưởng ban Kiểm soát sẽ thay cổ đông tham dự và bỏ phiếu.

Trước khi tổ chức đại hội lần 1, CII công bố kế hoạch phát hành hai gói trái phiếu với tổng mệnh giá 4.500 tỷ đồng, đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, đối tượng chào bán là cổ đông hiện hữu.

Lãi suất của hai lô trái phiếu này được trả 3 tháng/lần, lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ đầu và sau đó thả nổi với biên độ 2,5%/năm cộng với lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng tại Vietcombank và VietinBank.

Riêng gói 2, CII dự kiến huy động 1.977,78 tỷ đồng, nhằm thanh toán 500 tỷ đồng trái phiếu CIIB2024009, thanh toán 590 tỷ đồng trái phiếu CIIB2124001, góp vốn và/hoặc đầu tư trái phiếu Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận.

Tính tới 31/3/2023, tổng tiền mặt của CII là 836,3 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng tài sản, thấp hơn nhu cầu trả nợ vay trái phiếu trong vòng 1 năm.

Một năm trước đó, cuối tháng 3/2022, CII có tổng dư nợ 15.232,5 tỷ đồng, bằng 183% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn 6.460,1 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 8.772,4 tỷ đồng. Lịch trả nợ 1 năm là 1.299,6 tỷ đồng, năm thứ 2 là 2.295,9 tỷ đồng, từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 là 2.607,8 tỷ đồng.

Chia sẻ bên lề đại hội lần 1 không tổ chức được về vấn đề nếu không phát hành thành công hai lô trái phiếu thì sao, Tổng giám đốc CII Lê Quốc Bình cho biết, tiền thu phí hàng ngày dùng trả lãi và nợ vay ngân hàng. Do dòng tiền về đều đặn và đang tăng nên ngân hàng luôn thu được trước hạn lãi và nợ vay của CII.

Nếu phát hành trái phiếu thành công, CII trả bớt nợ ngân hàng, tìm kiếm đối tác tài chính mới có thể đạt thỏa thuận thu hồi lãi và nợ vay song song với việc thu hồi vốn đầu tư của Công ty để trả cổ tức cho cổ đông. Nếu phát hành không thành công trái phiếu thì mất hơn 5 năm nữa, trả hết nợ ngân hàng mới có dòng tiền trả cổ tức cho cổ đông.

LDG: Quá tam ba bận

Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG) cũng liên tục không thể tổ chức đại hội cổ đông. Cụ thể, năm 2021, đại hội lần 1 có 111 cổ đông tham dự, đại diện 38,02% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên không thể tiến hành. Năm 2022, LDG ghi nhận 669 cổ đông tham dự, đại diện 29,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nên không thể tiến hành. Năm 2023, một lần nữa, đại hội không thể tổ chức do chỉ có đại diện 22,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

LDG đang đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền. Trong đó, Công ty chậm thanh toán lãi trái phiếu mã LDGH2123002 với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2023, LDG có dư nợ 359,7 tỷ đồng lô trái phiếu mã LDGH2123002. Trái phiếu này được doanh nghiệp phát hành ngày 10/12/2021, đáo hạn ngày 10/12/2023, lãi suất 11,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên, kỳ thanh toán 1 tháng/lần. Tuy nhiên, lượng tiền mặt của LDG tính đến cuối quý I/2023 chỉ là hơn 3 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, dự án Khu dân cư Tân Thịnh với giá trị tồn kho 463,6 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng tồn kho của LDG bị cơ quan chức năng kết luận có liên quan tới sai phạm “xây chui”.

Các yếu tố trên cộng với tỷ lệ sở hữu của một số lãnh đạo doanh nghiệp liên tục giảm, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng quản trị LDG Nguyễn Khánh Hưng, khiến đại hội cổ đông năm 2023 không đủ tỷ lệ cổ phần tham gia để tiến hành.

NBB: Công ty mẹ thoái vốn

Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán NBB) không thể tổ chức đại hội cổ đông năm 2023 thành công ngay trong lần 1, khi chỉ có 46,07% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn tỷ lệ tối thiểu.

Một trong những nguyên nhân là do công ty mẹ CII liên tục thoái vốn trong năm 2021 và đầu năm 2022, giảm tỷ lệ sở hữu từ 93,7% xuống còn 37,52% và chuyển từ ghi nhận đầu tư vào công ty con sang đầu tư vào công ty liên kết.

Theo đó, tính từ 31/12/2020 đến 27/3/2023, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài của NBB tăng từ 6,3% lên 62,48% vốn điều lệ. Tỷ lệ cổ đông nhỏ lẻ và phân tán tăng nhanh đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tham dự đại hội cổ đông.

Hoạt động thoái vốn tại NBB của CII đã giúp doanh nghiệp này lãi cao trong năm qua. Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, CII ghi nhận doanh thu tài chính 1.522 tỷ đồng, trong đó có 810 tỷ đồng (cùng kỳ là 105,9 tỷ đồng) liên quan tới lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư (chủ yếu liên quan tới việc thoái vốn tại NBB).

DIG: Nguy cơ đại hội bất thành tái diễn

Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán DIG) không thể tổ chức đại hội cổ đông bất thường ngày 14/9/2022 do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.

Bối cảnh DIG không thể tổ chức đại hội là hai cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu. Hiện tại, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân và Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam đều không còn là cổ đông lớn của DIG khi tỷ lệ sở hữu giảm lần lượt từ 20,45% và 21,25% xuống dưới 5% vốn điều lệ.

Hai cổ đông lớn trên bán ra cổ phiếu DIG trong lúc giá cổ phiếu có đà tăng nóng cuối năm 2021 và đạt đỉnh 98.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/1/2022, sau đó giá có diễn biến lao dốc, xuống gần mệnh giá vào giữa tháng 11/2022 (gần đây dao động quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu).

Bên cạnh đó, giai đoạn cuối năm 2022, gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị DIG Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp lượng cổ phiếu tương đương 5,22% vốn điều lệ.

Theo đó, nếu như cuối năm 2020, các cổ đông lớn của DIG sở hữu hơn 40% vốn điều lệ, thì tính đến ngày 27/3/2023 giảm xuống dưới 18%. Khả năng tổ chức thành công đại hội cổ đông trong tháng 6/2023 của DIG tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Thực tế cho thấy, với các doanh nghiệp mà cổ đông lớn, cổ đông nội bộ có động thái thoái vốn khiến tỷ lệ cổ phiếu bên ngoài tăng cao và được nắm giữ chủ yếu bởi các nhà đầu tư ngắn hạn, các nhà đầu cơ, đồng thời nơi cư trú của nhiều cổ đông không gần với nơi tổ chức đại hội cổ đông, thì tỷ lệ cổ đông tham dự thường ở mức thấp.

Đại hội cổ đông thường niên là dịp để lãnh đạo doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông về các kế hoạch, chiến lược kinh doanh, chỉ tiêu kinh doanh năm… Việc chậm trễ tổ chức đại hội sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai các kế hoạch kinh doanh, đồng thời gây khó khăn cho nhà đầu tư bên ngoài khi xem xét đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.

Năm 2023, không ít doanh nghiệp tặng quà cho cổ đông khi tham dự đại hội cổ đông như: MB (mã chứng khoán MBB) tặng 500.000 đồng; Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) tặng 20 voucher đổ xăng với tổng trị giá 1 triệu đồng; Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) tặng áo thể thao và 1 lốc nước tăng lực; Dabaco (mã chứng khoán DBC) tặng 1 gói trứng ăn liền và 2 chai dầu ăn; Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) tặng 100 kg gạo và 12 chai nước mắm (dành cho cổ đông sở hữu từ 25.000 cổ phiếu trở lên); Sacombank (mã chứng khoán STB) tặng 1 bộ ly uống nước và 1 phiếu mua vàng SBJ trị giá 300.000 (áp dụng khi mua vàng có giá trị từ 3 triệu đồng trở lên); VPBank (mã chứng khoán VPB) tặng 1 bình đựng nước...

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục