Hàng loạt doanh nghiệp khất lịch
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã thông qua việc lùi thời gian tổ chức đại hội cổ đông, muộn nhất là ngày 30/6/2022. Lý do là để Hội đồng quản trị có thêm thời gian để bàn về các nhiệm vụ, kế hoạch quan trọng năm 2023 hay phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Để cổ đông yên lòng hơn, trong tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc lùi thời gian tổ chức đại hội, KBC nhấn mạnh, ở giai đoạn hiện tại, Công ty hoàn toàn yên tâm về khả năng thanh toán nợ, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, đối tác và tập trung nguồn lực đầu tư vào các khu công nghiệp lớn mới được phê duyệt cho KBC và các công ty con.
Lãnh đạo KBC cũng cho biết, Hội đồng quản trị đã thực hiện chiến lược ưu tiên dùng mọi nguồn lực tài chính để thanh toán đúng hạn và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành để giữ vững niềm tin cho nhà đầu tư, đối tác và khách hàng.
Một số công ty chứng khoán cũng dự kiến lùi thời gian tổ chức đại hội so với những năm trước. Chẳng hạn, theo thông lệ, Công ty Chứng khoán VNDIRECT thường tiến hành đại hội vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì năm nay, lịch đại hội được dời sang tháng 5, hoặc tháng 6.
Lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 4, nhưng mới đây, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) hoãn sang ngày 24/5. Ông Nguyễn Quang Hải, quyền Tổng giám đốc PPC cho biết, việc tổ chức đại hội muộn hơn là để Công ty có thêm thời gian chuẩn bị tài liệu kỹ càng cho cổ đông.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020, đại hội cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp đại hội cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng cũng có thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức đại hội.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Group (mã DIG) cho biết sẽ lùi thời gian tổ chức chậm nhất đến hết ngày 30/6. Nguyên nhân là Công ty cần thêm thời gian chuẩn bị các nội dung, văn bản trình cổ đông và đảm bảo công tác tổ chức đại hội chu đáo.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (mã TDH) cũng thông báo gia hạn tổ chức đại hội cổ đông năm 2023 không chậm hơn ngày 30/6. TDH lùi thời gian tổ chức đại hội trong thời điểm Công ty nhận được 9 quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền gần 91 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2023, TDH cũng nhận 12 quyết định từ Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thuế. Đây là doanh nghiệp thường xuyên bị cơ quan thuế nhắc tên liên quan đến các vụ xử phạt và truy thu thuế trong thời gian qua.
Vết gợn với nhà đầu tư
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư Nguyễn Văn Tuấn, những doanh nghiệp dự kiến tổ chức đại hội cổ đông khi đã gần qua 2 quý đầu năm khiến nhiều cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ khó nắm bắt thông tin, không biết doanh nghiệp dự trù kế hoạch kinh doanh trong năm ra sao, cũng như kết quả kinh doanh những tháng đầu năm thế nào để lên chiến lược đầu tư.
Theo ông Tuấn, cũng có thể nhiều doanh nghiệp đang “ngại” đối mặt với cổ đông khi tình hình kinh doanh không được thuận lợi, lợi nhuận giảm hoặc thua lỗ, không chia cổ tức, đặc biệt là giá cổ phiếu đã rơi rất mạnh.
“Doanh nghiệp nên tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 3, tháng 4 là thời điểm hợp lý khi đã có báo cáo kiểm toán năm, nhưng quan trọng là để cổ đông có thể sớm nắm bắt được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Không hẳn là 100%, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông, nhưng sau đó lại xin gia hạn là thường có vấn đề về báo cáo tài chính, hay liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra…”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) đã điều chỉnh lịch tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023 từ ngày 26/4 sang ngày 27/6, với lý do Công ty cần thêm thời gian để hoàn thiện một số công tác chuẩn bị cho đại hội. Tuy nhiên, sau những ồn ào mâu thuẫn nội bộ, những thông tin về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp được chính lãnh đạo cấp cao cấp công bố, giới đầu tư cho rằng lý do thực sự không chỉ dừng ở đó.
HBC đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM xin gia hạn báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 12/5/2023. Lý do được Hòa Bình đưa ra là, trong thời gian gần đây, loạt công trình trên cả nước của Hòa Bình bị ngưng trệ do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; nhiều khách hàng lớn của Tập đoàn gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền dẫn tới không thể triển khai thi công và thanh toán đúng hạn cho Công ty, dẫn đến tình hình thu tiền tại các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với các tháng trước và so với kế hoạch.
Còn nhớ, năm 2022, vẫn có doanh nghiệp gần hết tháng 10 mới tổ chức được đại hội cổ đông thường niên như Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC). Không chỉ tổ chức muộn hơn so với mặt bằng chung, chương trình dự kiến trong buổi sáng nhưng đã kéo dài đến chiều tối, cổ đông ngán ngẩm khi phải chứng kiến những tranh cãi nội bộ trong Công ty. Năm 2023, Công ty đã đẩy thời gian tổ chức đại hội sớm hơn vào tháng 4/2023, nhưng nội dung và tài liệu đại hội cũng đã được Công ty công bố điều chỉnh lại vào ngày 12/4 vừa qua.
Lẽ thường, cổ đông mong muốn doanh nghiệp đặt ra mục tiêu lợi nhuận cao, chia cổ tức nhiều, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp “ngại” áp lực và thường đưa ra kế hoạch rất dè dặt.
Thực tế, điều mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông là giá trị của công ty, thể hiện ở 2 yếu tố tăng trưởng bền vững và giá trị thị trường của doanh nghiệp thông qua giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh năm qua, đa số doanh nghiệp rất khó để đáp ứng hai tiêu chí này. Như chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết, nguyên nhân doanh nghiệp tổ chức đại hội muộn hơn so với dự kiến một phần do muốn nghe ngóng thêm thông tin, chuẩn bị tài liệu kỹ hơn để có thể trả lời chất vấn từ cổ đông, đặc biệt là liên quan đến biến động giá cổ phiếu.
“Năm qua, giá cổ phiếu giảm quá mạnh. Mặc dù biến động cổ phiếu là do thị trường quyết định, lãnh đạo doanh nghiệp là người nắm giữ nhiều nhất, thiệt hại cũng nhiều nhất nhưng chúng tôi rất chia sẻ với cổ đông, đặc biệt là những cổ đông mua cổ phiếu ở giai đoạn đỉnh”, vị này cho biết.