Chuyện những cổ đông chủ động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Họ là những người coi đầu tư chứng khoán là nghề nghiệp, am hiểu các công ty mà mình bỏ vốn và không ngại đi xa để tham dự đại hội cổ đông, sẵn sàng chuẩn bị cứ liệu để chất vấn ban lãnh đạo về những vấn đề nóng nhất.
Cổ đông Tô Hồng Sơn phát biểu tại một đại hội cổ đông. Cổ đông Tô Hồng Sơn phát biểu tại một đại hội cổ đông.

Hàng chục năm nay, anh Tô Hồng Sơn (Hà Nội) dành thời gian tham dự đại hội cổ đông của hầu hết các doanh nghiệp mà anh bỏ vốn đầu tư, như FPT, Đạt Phương, TNG, Viconship, SHS… dù có khi phải lặn lội đường sá xa xôi. Tham gia đại hội nào, anh cũng nghiên cứu kỹ về tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, kế hoạch năm mới và tham gia chất vấn ban lãnh đạo.

Với đại hội cổ đông thường niên năm nay của Viconship, từ sáng sớm, anh đón xe xuống Hải Phòng để tham dự và đặt nhiều câu hỏi cho chủ tọa. Các câu hỏi của anh đều có tính liên kết, móc nối với những thông tin mà lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi với cổ đông ở mùa đại hội trước.

“Chỉ cần nghe hỏi là biết anh này gắn bó với doanh nghiệp cỡ nào”, một cổ đông tham dự đại hội của Viconship nhận xét về anh Sơn.

Từ lâu, với anh Sơn, đầu tư chứng khoán được xem là “cần câu cơm”. Dù nắm giữ nhiều năm, hay chỉ tranh thủ “lướt lát”, nguyên tắc đầu tư của anh là phải tìm hiểu thật kỹ. Với những cổ phiếu đã lọt vào tầm ngắm, anh thường đầu tư theo chiến thuật bậc thang, cứ giá rớt xuống mức mục tiêu anh lập tức mua vào, mua theo kiểu rải dần để dò đáy. Khi bán, anh cũng không chọn điểm bán giá cao và chốt lời ngay trong một phiên như nhiều nhà đầu tư bám thị trường vẫn làm, mà sẽ bán dần ra.

“Đầu tư chứng khoán không phải công việc dễ dàng, đòi hỏi phải lựa chọn nghiên cứu doanh nghiệp rất kỹ và bám sàn. Cũng may đến nay, mình vẫn kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán và có tích lũy tài sản từ thị trường”, anh Sơn chia sẻ.

Sự tích cực và chủ động của anh Sơn với khoản đầu tư của mình thể hiện rất rõ ở việc khi thấy doanh nghiệp có vấn đề gây ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông nhỏ, anh không nề hà mà có hành động, gửi đơn kiến nghị tới lãnh đạo doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp cầu thị đã tiếp thu ý kiến của anh để ra quyết định phù hợp hơn.

Câu chuyện tại Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long (mã VHL) là một ví dụ. Đại hội cổ đông bất thường của VHL thông qua phương án tăng vốn bằng cách phát hành 7 triệu cổ phiếu cho 3 cổ đông (gồm Tổng công ty Viglacera, SSI, SSIAM) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm, mặc dù thủ tục đại hội đã được thực hiện khá chặt chẽ, 2 cổ đông lớn có quyền lợi liên quan là Viglacera và SSIAM đã không tham gia biểu quyết và tỷ lệ biểu quyết của các cổ đông còn lại là 100%, nhưng một số cổ đông không dự đại hội, trong đó có anh Sơn đã không tâm phục phương án phát hành này, vì cho rằng phương án phát hành trên ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông còn lại, do giá bán thấp hơn nhiều so với thị giá tại thời điểm đó (17.000 đồng/cổ phiếu).

Viglacera Hạ Long sau đó đã hủy phương án phát hành riêng lẻ, thay bằng phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, để đảm bảo công bằng cho tất cả cổ đông.

Có những đại hội, anh Sơn thậm chí góp ý việc cho tranh luận tất cả các phần trước khi bỏ phiếu các nội dung tờ trình, thay vì cứ mỗi tờ trình lại dành 5 - 10 phút tranh luận. Anh thậm chí còn phản đối việc ban chủ tọa chỉ có duy nhất một ông chủ tịch công ty, bởi điều này thể hiện doanh nghiệp không dân chủ, ông chủ tịch ôm đồm, độc quyền, không phải là thông lệ quản trị tốt cho các công ty đại chúng.

Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng nhà đầu tư Nguyễn Xuân Hồng vẫn chịu khó tham dự đại hội cổ đông của nhiều doanh nghiệp mà ông bỏ vốn đầu tư. Một vài đại hội ở tỉnh xa, ông Hồng thường đi từ hôm trước, đến nghỉ ở nhà người quen hoặc bỏ tiền thuê khách sạn để hôm sau tham dự đại hội. Nhà đầu tư này cũng rất có chính kiến, đã từng kiện một doanh nghiệp ra tòa đòi hủy phương án ESOP vì cho rằng ảnh hưởng bất lợi đến các cổ đông khác. Cuối cùng, doanh nghiệp phải hủy bỏ phương án phát hành trên.

Ông Hồng cũng làm đơn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phản đối phương án phát hành riêng lẻ của một doanh nghiệp với lý do sẽ làm cổ đông hiện hữu bị thiệt hại. Lý lẽ, lập luận ông đưa ra thuyết phục khiến hồ sơ của doanh nghiệp không qua được cửa cơ quan quản lý. Dùng dằng quá lâu, doanh nghiệp trên đã phải rút hồ sơ và năm nay đề nghị đại hội cổ đông thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Những nhà đầu tư như anh Sơn, ông Hồng... có mặt ở các đại hội cổ đông khiến cho phần chất vấn, thảo luận sôi động, có chất lượng, có thông tin hơn.

Qua đó, cổ đông khác có thể nắm bắt được nhiều thông tin về doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, để hỏi, để chất vấn được lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông phải đọc tài liệu, nghiên cứu và hiểu sâu về doanh nghiệp, chứ không thể “hỏi bừa”. Doanh nghiệp có những cổ đông chủ động như trên cũng phần nào hoạt động minh bạch hơn, được quản trị tốt hơn.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đại hội cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tiếp xúc với ban lãnh đạo doanh nghiệp, trực tiếp chất vấn các vấn đề chưa rõ hoặc chưa thỏa đáng và tham gia vào quá trình ra quyết định kinh doanh, thay vì nghiên cứu các con số tĩnh trong báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng việc trao đổi giữa thành viên ban lãnh đạo với cổ đông, thời gian thường rất ngắn. Thay vào đó, chủ yếu là thời gian để hội đồng quản trị và ban giám đốc, ban kiểm soát trình bày báo cáo tổng kết, vốn rất rườm rà và không mang lại hiệu quả của cuộc gặp mặt - mỗi năm chỉ diễn ra một lần và vốn được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân rất mong đợi.

Ở không ít doanh nghiệp, chủ tịch và tổng giám đốc đọc y nguyên các báo cáo dài tới mấy chục trang, khiến phần chất vấn của cổ đông với ban lãnh đạo doanh nghiệp chỉ được dành chút thời gian ngắn ngủi. Trung bình khoảng 30 phút, cá biệt có đại hội chỉ dành khoảng 15 phút để thảo luận cho có.

Hạn chế thời gian thảo luận và trao đổi giữa cổ đông và ban lãnh đạo thông thường cũng là cách để doanh nghiệp tránh gặp phải các câu hỏi hóc búa của cổ đông. Điều này thể hiện doanh nghiệp không thực sự sẵn sàng minh bạch, cởi mở với cổ đông. Đầu tư vào những doanh nghiệp như vậy thường có những rủi ro khó lường mà nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm hay vấp phải.

Bà Nguyễn Mai Ngọc, chuyên gia quản trị doanh nghiệp Công ty Chứng khoán MB cho rằng, để phát huy hết vai trò của các kỳ đại hội cổ đông, các phần trình bày báo cáo tổng kết của ban lãnh đạo công ty nên được thay thế bằng các phần thảo luận hai chiều giữa ban lãnh đạo và cổ đông. Các tài liệu nên được trình bày theo slide và ban lãnh đạo nên sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của cổ đông về nội dung thảo luận.

Kỳ Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục