Nhà đầu tư Trung Quốc đang vắng bóng tại thị trường bất động sản Hồng Kông khi đại dịch Covid-19 khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế của thành phố này kém tích cực, cũng như ngăn cản việc đi lại để tiến hành các giao dịch.
Cụ thể, không một giao dịch bất động sản thương mại nào tại Hồng Kông được thực hiện trong quý I/2020 có liên quan tới khách hàng Đại lục, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 2009, theo CBRE Group Inc. CBRE thường xuyên theo dõi các giao dịch bất động sản có giá trị trên 77 triệu HKD (10 triệu USD).
Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với xu hướng cách đây vài năm, khi nhà đầu tư Trung Quốc Đại lục dồn dập tìm tới thị trường bất động sản Hồng Kông, nhất là phân khúc văn phòng, trung tâm thương mại, không gian bán lẻ cho thuê với hàng loạt thương vụ đình đám. Trong đó, phải kể tới thương vụ mua tòa nhà 73 tầng The Center với giá trị hơn 4,5 tỷ USD, giúp tòa nhà này nhận danh hiệu bất động đắt đỏ nhất châu Á.
Mặc dù Hồng Kông được ghi nhận đã đạt kết quả tích cực trong việc kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, đại dịch vẫn tác động mạnh tới hoạt động kinh tế của thành phố này, nhất là khi trước đó, nền kinh tế đã chịu tổn thương với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng. Bloomberg Economics ước tính, tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông trong năm 2020 sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động dữ dội trên toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng âm 2%.
“Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang lùi lại, chần chừ ra quyết định bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông kém tích cực. Chưa kể, những xung đột trong thời gian qua khiến nhà đầu tư cảm thấy không còn được chào đón nồng nhiệt”, Reeves Yan, người đứng đầu bộ phận thị trường vốn tại CBRE nói và cho biết thêm, các chính sách kiểm soát dòng vốn chảy ra khỏi Đại lục cũng là một trong những nguyên nhân gây tổn hại tới tăng trưởng của thị trường bất động sản Hồng Kông.
Nhà đầu tư Đại lục không thực hiện giao dịch nào tại Hồng Kông trong quý I
Sự vắng mặt của khách hàng Đại lục khiến giá bất động sản Hồng Kông giảm xuống, nhất là khi trong thời gian qua, nhóm khách hàng này luôn sẵn sàng trả giá cao cho các bất động sản tại đây. Chẳng hạn, năm 2019, một công ty Trung Quốc ít tên tuổi là Henglilong Investment Ltd đã kết hợp cùng Gaw Capital (có trụ sở tại Hồng Kông) mua lại tòa nhà văn phòng từ Swire Properties Ltd với giá 1,9 tỷ USD. Đây là giao dịch bất động sản văn phòng có giá trị lớn nhất trong năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Cơ quan Xếp hạng và định giá, giá bất động sản văn phòng tại Hồng Kông đã giảm 8,5% trong tháng 2 so với năm trước đó.
Không riêng phân khúc văn phòng, bán lẻ, thị trường bất động sản hạng sang tại Hồng Kông cũng chịu tổn thương. Đại dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư không thể tới thành phố này để tham quan, khảo sát các bất động sản. Cho tới nay, mọi khách nước ngoài tới Hồng Kông đều phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc.
Các nhà đầu tư giàu có từ Đại lục luôn giữ vai trò “thống trị” trên thị trường bất động sản hạng sang, khi chiếm tỷ trọng tới 60% tổng lượng khách nước ngoài thực hiện giao dịch trên thị trường trong 10 năm qua, theo Savills Plc. Giá bất động sản cao cấp tại Hồng Kông đã giảm trung bình 4,5% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực quanh ga West Kowloon giảm mạnh nhất (7%) bởi đây là khu được khách hàng Đại lục ưa chuộng.
Giá bất động sản văn phòng Hồng Kông đã quay về mức năm 2017
“Hiện tại, lượng khách hàng chủ yếu của thị trường là người dân địa phương”, Raymond Lee, CEO Savills Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục cho biết.
Mặc dù vắng bóng nguồn khách hàng quan trọng, nhưng nhu cầu nội bộ tại Hồng Kông vẫn tích cực. Theo Louis Chan, CEO Centaline Property chia sẻ, người dân Hồng Kông kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ sớm bị kiểm soát và tâm lý thị trường trở nên tích cực hơn.