Lãnh đạo Ủy ban Tài chính Hồng Kông Paul Chan Mo-po cho biết, gói cứu trợ sẽ cung cấp cho mỗi công dân Hồng Kông từ 18 tuổi trở lên một khoản tiền mặt trị giá 10.000 HKD (khoảng 1.280 USD). Bên cạnh đó, chính quyền Hồng Kông giảm mạnh các khoản thuế thu nhập cá nhân; đảm bảo các khoản vay với lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Thực tế, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hồng Kông đang vật lộn với khó khăn kể từ năm 2019 khi các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, chưa kể tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình hình dịch bệnh phức tạp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, liệu còn lý do nào cho hành động cung cấp tiền mặt cho các cá nhân?
Trước khi Hồng Kông công bố gói cứu trợ, chính quyền Singapore cũng có động thái tương tự khi cho biết sẽ chi 6,4 tỷ SGD (4,6 tỷ USD) hỗ trợ cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những cá nhân có thu nhập cao và sở hữu bất động sản, khoản tiền mặt nhận được là 100 SGD, tương đương chưa tới 600 HKD. Theo đó, đa phần gói cứu trợ sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp và chi tiêu công cho dịch vụ y tế.
Trong khi đó, Hồng Kông dường như đang nhân cơ hội bùng phát dịch bệnh để “vung tiền”, bởi 60% giá trị của gói cứu trợ được dùng để trao tiền mặt cho tất cả cư dân. Đáng chú ý, thâm hụt ngân sách của Hồng Kông trong năm tài khóa 2020 – 2021 đã tăng mạnh lên mức 139 tỷ HKD, tương đương 4,8% GDP, so với mức chỉ 38 tỷ HKD của năm tài khóa gần nhất.
Kể từ tháng 8/2019 tới nay, Hồng Kông đã 4 lần công bố các gói cứu trợ nhằm tạo bệ đỡ cho nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ các vụ biểu tình chống nhà cầm quyền, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều này đã khiến tiền mặt được rót vào túi cư dân trong thời gian qua và sớm sẽ nhận thêm 10.000 HKD nữa. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong vài tháng tới, những cá nhân có công việc ổn định nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy để có can đảm bước chân vào thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất hành tinh này.
Ngay cả khi khoản tiền này có vẻ nhỏ bé so với giá trị của bất động sản tại Hồng Kông, thì các chủ đất cũng biết được rằng, họ có thể nâng mức cho thuê nhà hiện tại, bởi mỗi hộ gia đình (gồm 2 người lớn và 2 trẻ em đang độ tuổi đến trường) có thể được nhận tới 27.000 HKD tiền mặt từ chính quyền và được giảm thuế thu nhập cá nhân.
Sự tăng trưởng bền vững của thị trường cho thuê sẽ tạo động lực gia tăng nguồn cung bất động sản trên thị trường. Kéo theo đó, doanh thu của các nhà phát triển bất động sản sẽ gia tăng, cùng với nguồn thu thuế. Nếu như trước đây, tiền cho thuê đất và các nghĩa vụ thuế chỉ chiếm khoảng 13% doanh thu của chính quyền Hồng Kông thì hiện tại, đây là nguồn thu lớn thứ ba.
Không giống như Singapore, Hồng Kông không có nguồn thu lớn từ thuế tiêu dùng, hay doanh thu casino. Chưa kể, các quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore và hoạt động đầu tư nhà nước đang có đóng góp số 1 cho ngân sách quốc gia, trong khi hoạt động đầu tư của chính quyền Hồng Kông đóng góp không đáng kể cho doanh thu trong nhiều năm.
Đây là lý do, Hồng Kông cần “bao bọc” thị trường bất động sản và mạnh tay chi tiền mặt trong thời gian qua.