Trưởng đặc khu Hong Kong nói sẽ từ chức nếu có thể

Trưởng đặc khu Carrie Lam nói bà đã gây "tàn phá không thể tha thứ" cho Hong Kong và sẽ từ chức nếu có thể.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: Reuters. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: Reuters.

"Nếu tôi có lựa chọn, điều đầu tiên tôi làm là từ chức và đưa ra lời xin lỗi sâu sắc", theo bản ghi âm cuộc họp kín tuần trước giữa Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam và nhóm doanh nhân được công bố hôm nay.

Các cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong gần ba tháng qua, khiến trung tâm tài chính châu Á rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Người biểu tình yêu cầu chính quyền phải rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, trong đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử tại các khu vực mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.

Chính quyền Hong Kong đã dừng thảo luận dự luật từ tháng 7, song điều này không thể xoa dịu người biểu tình và họ vẫn tuần hành vào mỗi cuối tuần.

Tại cuộc họp, bà Lam cho biết chính quyền trung ương ở Bắc Kinh không áp đặt bất cứ hạn chót nào để chấm dứt khủng hoảng Hong Kong trước lễ kỷ niệm quốc khánh 1/10 và "hoàn toàn không có kế hoạch" triển khai Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) để đối phó biểu tình. 

Tuy nhiên, bà nói rằng khủng hoảng Hong Kong đã bị nâng lên thành vấn đề ở cấp độ chủ quyền và an ninh quốc gia nên khả năng giải quyết của bà rất hạn chế. 

"Trong tình huống như vậy, không gian chính trị cho trưởng đặc khu, người phục vụ cả chính phủ trung ương và người dân Hong Kong theo hiến pháp, là rất, rất hạn chế", bà Lam nói.

Bà Lam cho hay giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nhận thức rõ thiệt hại tiềm tàng đối với danh tiếng của Trung Quốc từ việc đưa quân đội vào Hong Kong đối phó biểu tình.

"Cái giá sẽ quá lớn. Họ quan tâm đến hình ảnh quốc tế của đất nước. Trung Quốc đã mất nhiều thời gian đề xây dựng hình ảnh không chỉ là nền kinh tế lớn mà còn là nền kinh tế lớn có trách nhiệm. Do đó, từ bỏ phát triển tích cực không nằm trong chương trình nghị sự của họ", bà nói, song nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho tình trạng bất ổn kéo dài, ngay cả khi điều đó khiến kinh tế Hong Kong chịu thiệt hại nặng nề. 

Trưởng đặc khu Hong Kong bày tỏ thất vọng vì không thể giảm áp lực cho lực lượng cảnh sát hay đưa ra giải pháp chính trị đối với "những người biểu tình ôn hòa đang tức giận với chính quyền, đặc biệt là với tôi. "Việc không thể đưa ra giải pháp chính trị để giảm căng thẳng là nỗi buồn lớn nhất của tôi", bà cho hay.

Giọng điệu của bà Lam trong đoạn ghi âm trái ngược gương mặt cứng rắn của bà trong những lần xuất hiện công khai. Đôi khi, giọng bà nghẹn ngào khi nói về tác động của cuộc khủng hoảng đối với cuộc sống cá nhân của mình.

"Trưởng đặc khu đã gây tàn phá lớn thế này cho Hong Kong là không thể tha thứ được", bà Lam nói.

"Hiện tại tôi rất khó đi ra ngoài. Tôi không thể đi trên đường, đến trung tâm thương mại hay tiệm làm tóc. Tôi không thể làm bất cứ điều gì vì nơi tôi đến sẽ xuất hiện trên mạng xã hội", Trưởng đặc khu Hong Kong nói.

Ba người tham dự cuộc họp xác nhận bà Lam đã đưa ra những bình luận như vậy trong cuộc họp kéo dài khoảng nửa giờ. Đây là một trong số những cuộc họp kín mà bà Lam đang thực hiện với người dân thuộc mọi tầng lớp khác nhau ở Hong Kong.

Người phát ngôn của bà Lam cho biết bà đã tổ chức hai cuộc họp tuần trước, bao gồm cuộc họp với các doanh nhân, song không bình luận về phát biểu của bà. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận.

Bà Lam trở thành lãnh đạo Hong Kong vào tháng 3/2017. Sau thời gian đầu nhận được sự ủng hộ, bà hiện là người ít được tín nhiệm nhất trong số 4 lãnh đạo thành phố kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục