Kẻ vui, người buồn từ xung đột

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine tạo ra tác động trái chiều đến hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp Việt Nam.
TNG đang lo lắng với đơn hàng xuất khẩu sang Nga trị giá 12,5 triệu USD. TNG đang lo lắng với đơn hàng xuất khẩu sang Nga trị giá 12,5 triệu USD.

Kéo hàng về kho vì không có nhà vận chuyển

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) đã ký với đối tác Nga là Tập đoàn Sportmaster hợp đồng 12,5 triệu USD. Các lô hàng đã được triển khai và hoàn tất thành phẩm. Tuy nhiên, hiện các hãng vận chuyển quốc tế đều từ chối nhận đơn hàng giao cho Nga, nên các lô hàng đến hạn giao cho khách hàng Nga chưa tìm được nhà vận chuyển.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, doanh nghiệp đã phải kéo hàng về kho. Vì không giao được hàng nên ngân hàng bao thanh toán cho TNG là HSBC cũng không có căn cứ để thanh toán cho Công ty.

Ông Thời và nhiều doanh nghiệp khác mong đợi ngành đường sắt có tàu liên vận chuyển hàng sang Trung Quốc, để từ đây chuyển sang Nga. Tuy nhiên, phương án này cũng không dễ thực hiện.

Theo ông Vương Khả Sơn, Trưởng ban Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hàng hóa liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và châu Âu theo lộ trình qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang Đức và các nước Tây Âu có khả năng bị ảnh hưởng nếu đường sắt Ba Lan dừng vận chuyển qua biên giới với đường sắt Belarus.

Theo kế hoạch, đầu tháng 3 này, ngành đường sắt sẽ tổ chức đoàn tàu chuyển container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu. Tuy nhiên, do căng thẳng giữa Nga và Ukraine nên kế hoạch này đang tạm hoãn. Dù vậy, hiện tàu hàng liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn được duy trì bình thường, nhất là hàng container từ đường sắt Trung Quốc gửi về đường sắt Việt Nam vẫn cao, nhu cầu khoảng 1.200 container/tháng.

Ngành đường sắt lần đầu tiên tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container sang châu Âu (Bỉ) vào tháng 7/2021. Trước đó, đường sắt vẫn chạy tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa sang châu Âu nhưng bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa theo hình thức nguyên đoàn container.

Sau chuyến tàu khai trương đi Bỉ, ngành đường sắt duy trì hàng tuần khoảng 3 đoàn tàu chuyên container xuất phát tại ga Yên Viên đi châu Âu. Đến nay, hình thức tàu liên vận quốc tế này ngày càng phát triển, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Hiện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang thống kê các trường hợp ảnh hưởng như TNG để báo cáo Chính phủ đề xuất phương án xử lý.

Chiến tranh cũng có thể tác động đến nhóm khách hàng khá lớn của Công ty cổ phần Nafoods tại Nga và các nước nói tiếng Nga, bởi từ năm 2021, Công ty có chiến lược tập trung phát triển thị trường này. Tuy vậy, theo ông Phạm Duy Thái, Thành viên Hội đồng quản trị Nafoods, việc xuất hàng đi Nga và các nước nói tiếng Nga của Công ty may mắn chưa bị ảnh hưởng do quý 4 hàng năm mới là mùa cao điểm của hàng sấy và các tháng đầu năm 2022, Công ty đã xuất lượng hàng lớn sang Nga.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, do ảnh hưởng chiến sự, xuất khẩu sang liên bang Nga và Ukraine giảm mạnh trong tháng 2/2022. Cụ thể, tháng 2, xuất khẩu sang Nga chỉ đạt hơn 180 triệu USD, giảm tới 44,46% so với tháng trước đó và giảm đến 12,45% so với cùng kỳ 2021.

Tương tự, xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine cũng giảm tương đối. Kim ngạch xuất khẩu sang Ukraine tháng 2 chỉ đạt gần 13 triệu USD, giảm mạnh tới 60,3% so với tháng đầu năm, cũng giảm mạnh đến 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng xuất khẩu sang Nga chủ yếu gồm điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may, cà phê… Còn hàng xuất khẩu sang Ukraine chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, cà phê, chè, rau quả, hạt điều, hạt tiêu, gạo…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Nga và Ukraine lại tăng cao trong tháng 2. Trong đó, nhập khẩu từ Nga đạt 257,2 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Ukraine đạt gần 49 triệu USD, tăng 571% so với cùng kỳ 2021.

Tác động gián tiếp sẽ lớn

Loại trừ các tác động trực tiếp như trên, khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy tác động gián tiếp của xung đột Nga – Ukraine đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 là không nhỏ.

Đơn cử, trong ngành gỗ, 120 tổ chức môi trường trên thế giới kêu gọi chính phủ các quốc gia cấm nhập khẩu gỗ từ Nga, khiến ngành gỗ nguyên liệu toàn cầu bị tác động nghiêm trọng.

Báo cáo “Tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai” do Tổ chức Forest Trebds phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) công bố tuần qua cho thấy nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo đó, Nga là quốc gia có nguồn tài nguyên rừng rất lớn, diện tích rừng 815 triệu ha và lượng gỗ khai thác hàng năm lên tới trên 200 triệu m3, tương đương 10% tổng lượng cung gỗ toàn cầu.

Số liệu thống kê từ ITC Trade Map cho thấy, mỗi năm, Nga xuất khẩu trên 40 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ tròn và gỗ xẻ. Xung đột Nga - Ukraina khiến các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga, việc chặn các hoạt động thanh toán quốc tế của Nga chắc chắn sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho các hoạt động xuất khẩu gỗ nguyên liệu từ Nga.

Hiện các hãng vận tải biển lớn như Maersk, Evergreen Line và Hapag-Lloyd đã ngừng hoạt động tại Nga nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Bên cạnh đó, làn sóng các công ty và tổ chức tẩy chay Nga ngày càng trở nên mạnh mẽ, tính đến ngày 7/3/2022, đã có 250 tổ chức và công ty tuyên bố rút khỏi các hoạt động tại Nga.

Trong nhóm các công ty dừng hoạt động tại Nga có IKEA, một trong những nhà cung cấp các mặt hàng gỗ lớn nhất toàn cầu, cũng là nhà cung cấp lượng gỗ nguyên liệu rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ của Việt Nam.

"Nếu cuộc xung đột này kéo dài, nguồn cung gỗ từ Nga sẽ bị mất đi. Hụt về cung gỗ nguyên liệu trong khi cầu tiêu dùng về đồ gỗ tiếp tục gia tăng, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nguyên liệu", TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trebds nhận định.

Với Công ty cổ phần Nguyễn Hoàng, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ trong nước và Nam Phi nên biến động như trên là điểm thuận lợi cho doanh nghiệp.

Những biến động trên thị trường nguyên liệu gỗ quốc tế, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương - SJF (Công ty mẹ của BWG Mai Châu), cũng có những tác động lớn đến doanh nghiệp.

Thứ nhất, sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu đang thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất phải tìm nguồn vật liệu thay thế tương tự. Gỗ tre là vật liệu hoàn toàn có thể thay thế các loại gỗ nguyên liệu trong sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng, nội thất và công nghiệp.

Do vậy, trong 2 tuần gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài bắt đầu nhờ BWG tư vấn xem vật liệu tre có thể thay thế được nguyên liệu gỗ trong các sản phẩm họ vẫn đang sử dụng để sản xuất và xuất khẩu trước đây.

Mặt khác, xung đột khiến các nước châu Âu, Mỹ, Canada... đang phải chạy đua để nâng công suất khai thác dầu khí nhằm tiến đến dừng mua dầu của Nga, hay tránh tối đa sự phụ thuộc vào Nga.

Điều này dẫn đến việc một trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao, chiếm đến 50% doanh thu của BWG Mai Châu là tấm lót đường bằng tre, đang cháy hàng. Sản phẩm này hiện được xuất đi Canada và châu Âu. Ngành sử dụng chính sản phẩm này là dầu khí.

Năm 2021, do cước vận chuyển lên quá cao nên sản phẩm này bị tạm dừng sản xuất và tồn kho khá nhiều. Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá dầu tăng mạnh, các tập đoàn dầu khí ở khắp châu Âu, Canada, Mỹ… đổ xô đi khai thác dầu để đáp ứng nhu cầu và tránh phụ thuộc vào Nga. Mỏ cũ và mới đều được khởi động lại, các nhà sản xuất cần tấm lót đường số lượng lớn, đã liên hệ với SJF đặt đơn hàng lớn và chấp nhận cước vận chuyển cao để có hàng.

Ông Nghĩa cho biết, đối tác Canada của SJF đang khẩn cấp bay sang Việt Nam để đàm phán mua hết toàn bộ hàng tồn kho và đặt đơn hàng lớn cho cả năm 2022, cũng như bàn về việc đầu tư nâng công suất nhà máy dành riêng cho sản phẩm này. Nhà máy đang báo giá và lên kế hoạch sản xuất lớn trở lại.

Với các nhà thầu xây dựng, giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là giá thép sẽ phải được tính toán để đưa vào các hợp đồng.

Ông Bùi Thiện Phương Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi, mã TCD) cho biết, khi ký hợp đồng với các chủ đầu tư, Công ty phải đưa điều khoản rất rõ: nếu giá thép biến động dưới 3%, nhà thầu phải tự xoay xở, còn khi biến động ở mức cao hơn sẽ có sự đàm phán, thống nhất lại với chủ đầu tư.

“Đây là giải pháp buộc phải thực hiện để phòng ngừa các rủi ro rất khó lường trên thị trường hàng hóa”, ông Đông cho biết.

Thủy Anh – Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục