Theo thống kê mới nhất của Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2022, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn tăng trưởng 2 con số.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 555,3 triệu USD, tăng 16,9%, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu từ Nga 446,2 triệu USD, tăng 35,8%, chiếm 0,8% nhập khẩu cả nước.
Xuất siêu sang thị trường này đạt 109,1 triệu USD.
Đối với thị trường Ukraine, 2 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu 57,5 triệu USD, tăng 23%, chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD, giảm 35%, xuất siêu ghi nhận 49,1 triệu USD.
Xung đột giữa Nga-Ukraine đang đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên liệu tăng cao chóng mặt, tác động tiêu cực đến thương mại, thanh toán, vân chuyển hàng hóa....
Đơn cử, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,16% lên 109,31 USD/thùng vào lúc 7h30 ngày 4/3. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,09% lên 110,51 USD/thùng. Thị trường dầu luôn trong tình thế tăng vọt trước các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù Nga và Ukraina dù không phải là thị trường lớn, nhưng vẫn quan hệ giao thương với Việt Nam ở những mặt hàng nông nghiệp như phân bón, nguyên liệu chăn nuôi…
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho hay: “Việt Nam xuất khẩu sang các sang thị trường này một lượng hàng hoá không lớn, nhưng cũng có sự lan toả ra khu vực thị trường liên minh Á - Âu là khu vực ta đã ký FTA. Do đó, sự đứt gãy này sẽ tác động đến cả những thị trường liên đới khác, liên quan đến các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp".
Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang gây sức ép mạnh chưa từng có đối với kinh tế Nga, quan ngại với các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là khả năng thanh toán do các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ngoài ra, các hãng tàu biển có thị phần lớn ở Nga đã thông báo ngừng khai thác tuyến vận tải đến nước này, hoạt động logistics bị gián đoạn đang tác động mạnh đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ở phạm vi toàn cầu, cuộc xung đột cùng với các khó khăn do dịch bệnh đang làm đứt gãy nguồn cung của một số mặt hàng vật tư chiến lược như xăng dầu, khí đốt, lương thực thực phẩm, một số mặt hàng chiến lược tăng giá, kéo theo chí phí đầu vào tăng cao.
Tại cuộc họp mới nhất của Bộ Công thương bàn giải pháp xuất khẩu trong tình hình mới, dự báo những tác động có thể xảy ra đối với Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn, nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, trái phiếu chính phủ, xuất khẩu công nghệ, năng lượng... Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể khiến việc hợp tác về thương mại và đầu tư với Nga gặp khó khăn.
Bộ Công thương khẳng định, sẽ theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hoá xuất nhập khẩu được lưu thông thông suốt, tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.