Những màn kịch hoàn hảo
Ðầu tháng 4/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1983, ở quận Ba Ðình, Hà Nội) về hành vi làm giả giấy tờ nhà đất để chiếm đoạt 16 tỷ đồng các khách hàng. Huy khai nhận từng là cán bộ ngân hàng nên nắm rõ hồ sơ nhà đất để thế chấp/chuyển nhượng.
Từ năm 2015 đến 2017, bị cáo thuê các căn hộ hạng sang tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội. Bị cáo tìm hiểu đó là những chung cư mới bàn giao nhà, chưa được cấp sổ đỏ. Khi được chủ nhà cho xem hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư, bị cáo nắm thêm thông tin căn hộ để có cơ sở làm giả bộ hồ sơ nhà đất nhằm chứng minh bản thân là chủ sở hữu căn hộ. Có hồ sơ nhà đất, bị cáo đem chuyển nhượng cho những người nhẹ dạ cả tin.
Trong quá trình giao dịch, bị cáo Huy đưa các bị hại đến các văn phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng nên khách hàng tin tưởng giao tiền. Chỉ đến khi nhận nhà, khách hàng cần sửa chữa và tìm gặp chủ đầu tư mới phát hiện hành vi gian dối của Huy.
Một vụ án khác cũng được đưa ra xét xử gần đây, bị cáo Trần Quang Vũ (sinh năm 1986, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) lấy trộm sổ đỏ, dựng màn kịch thuê người đóng giả cha mẹ đẻ ký vào hợp đồng ủy quyền nhà đất, sau đó Vũ mang sổ đỏ gia đình đem bán nhà lấy tiền tiêu xài.
Trong báo cáo chuyên đề Hội nghị triển khai ngành Tư pháp năm 2019, Bộ Tư pháp đã đưa ra thực trạng về trình tự, thủ tục công chứng một số hợp đồng chưa đúng quy định. Ðáng chú ý, có những văn bản công chứng có nội dung vi phạm pháp luật; chứng thực không có bản chính tại một số văn phòng; giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể để yêu cầu công chứng, chứng thực và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch công chứng…
Thậm chí, có trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch mà thiếu chữ ký của người yêu cầu công chứng, công chứng viên vào từng trang của hợp đồng, giao dịch hoặc ký tắt vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Một số công chứng viên vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh...
Trách nhiệm công chứng ra sao?
Các đối tượng cố tình lách kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi gian dối được xác định là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và bị xử lý. Còn các bên liên quan như văn phòng công chứng, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải làm rõ được mục đích, động cơ, tính vụ lợi. Nếu chúng minh được công chứng viên cấu kết với đối tượng phạm tội công chứng hồ sơ chuyển nhượng nhà đất trái quy định nhằm trục lợi cá nhân, thì sẽ bị xử lý ở vai trò đồng phạm giúp sức, song điều này không phải dễ dàng.
Các bên liên quan như văn phòng công chứng, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải làm rõ được mục đích, động cơ, tính vụ lợi...
Ðơn cử, trong vụ án Nguyễn Quang Huy, cơ quan điều tra đã làm việc với các công chứng viên và họ thừa nhận không phát hiện được giấy tờ trong bộ hồ sơ của các căn hộ là giả mạo. Công an xác định, những công chứng viên này đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật khi lập văn bản chuyển nhượng nên không đề cập xử lý. Ðối với các văn phòng công chứng, xác định có 4 văn phòng không đề ra quy chế làm việc riêng. Cơ quan điều tra đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội rút kinh nghiệm với các văn phòng trên.
Còn tại vụ án Trần Quang Vũ, tòa án kiến nghị cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục làm rõ hành vi của các công chứng viên. Nếu có căn cứ thì xử lý, tránh bỏ lọt người và hành vi phạm tội.
Thực tế, cũng có trường hợp khách hàng tố cáo văn phòng công chứng vi phạm và đệ đơn đòi bồi thường thiệt hại thành công. Ðó là vụ việc ông Sái Văn S. (ở TP. HCM) nhận chuyển nhượng căn hộ thông qua môi giới. Các bên ra Văn phòng công chứng quận công chứng hợp đồng và ông S. ngay lập tức giao đủ số tiền 600 triệu đồng cho bên bán.
Ðến khi làm thủ tục sang tên căn nhà, ông S. được cơ quan chức năng thông báo về việc những người ký hợp đồng là giả mạo. Văn phòng công chứng không kiểm tra kỹ tính hợp pháp của hồ sơ nên gây thiệt hại cho bên mua. Khi hầu tòa, hai bên tự thỏa thuận thành công và văn phòng công chứng đồng ý bồi thường số tiền 400 triệu đồng cho ông S..