Theo ông, trong thời gian ngắn mà văn phòng này công chứng, chứng thực 600 vụ việc là rất khó. “Có thể do muốn có uy danh khi làm việc nên đơn vị này lấy số thứ tự từ những con số lớn hơn”, ông Hạnh phán đoán.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 1/10, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Văn Hạnh cho biết vụ việc phòng công chứng giả bị phát hiện ở quận 9 có dấu hiệu tội phạm. Do đó, đơn vị đã chuyển hồ sơ đến Công an quận 9 để điều tra, xử lý.
Theo ông Hạnh, ngày 12/9, chủ cơ sở này dán giấy thông báo tiếp nhận công chứng. Khoảng 10 ngày sau thì các kênh riêng của Sở Tư pháp đã nắm được sự việc.
“Tối 25/9, các đơn vị chức năng xuống kiểm tra, xác minh, thu được chứng từ thực hiện gồm sao y, chứng thực… Chúng tôi gửi hồ sơ cho cơ quan công an xử lý các bước tiếp theo. Thanh tra Sở xuống làm việc cũng chưa phát hiện hồ sơ công chứng liên quan đến nhà đất”, ông Hạnh nói.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp, con số 600 hồ sơ được phát hiện ban đầu là chưa chính xác. Vì đến nay chưa tìm được những chứng từ có số thứ tự nhỏ. Việc này phải chờ cơ quan điều tra làm việc mới xác định cụ thể.
“Có thể do muốn có uy danh khi làm việc nên đơn vị này lấy số thứ tự từ những con số lớn hơn. Mặt khác, văn phòng này mới đi vào hoạt động công chứng chưa được 10 ngày thì bị cơ quan chức năng phát hiện thì khó có thể chứng thực hàng trăm vụ việc”, ông Hạnh nói.
Cũng theo ông Hạnh, Thành phố có đến 10 triệu dân, nhưng chỉ trong vòng 10 ngày sau khi phòng công chứng giả này đi vào hoạt động, chính quyền địa phương đã nắm được là một sự cố gắng.
“Quan điểm của sở là làm cương quyết để thanh lọc môi trường công chứng trên địa bàn và cũng để răn đe các đơn vị, cá nhân văn phòng công chứng khác. Án tại hồ sơ, khi nào xong thì chúng tôi mới trả lời được”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Sau khi phát hiện vụ việc, ngày 28/9, Sở Tư pháp TPHCM có công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp, UBND, công an, TAND, UBND các quận, huyện tại TPHCM báo động thông tin, ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ.