Thiếu thuyền viên có phải là nguyên nhân đâm va?
Như đã đưa tin, đã gần 1 năm kể từ khi lô hàng 1.799 tấn thép xây dựng (đã mua bảo hiểm của Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex - PJICO) của Công ty Thép Việt Mỹ chở trên tàu Quang Trung 05-BLC bị chìm, nhưng tranh chấp giữa hai bên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Hiện tại, một trong những điểm gây tranh cãi là nguyên nhân đâm va xuất phát từ việc thiếu thuyền viên hay không, bởi theo kết quả báo cáo giám định của NORI, thiếu định biên tại thời điểm đâm va gây chìm tàu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn.
Thực tế, ngoài kết luận điều tra của Cảng vụ TP. HCM - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải, báo cáo giám định cũng có giá trị tham khảo khi xảy ra tranh chấp. Thậm chí, khi ra tòa, kết quả giám định còn là một tài liệu pháp lý quan trọng.
Song, điều đáng nói là bản báo cáo điều tra của Cảng vụ TP. HCM (được các chuyên gia cho là văn bản mang tính pháp lý được ưu tiên sử dụng hơn) lại không chỉ rõ việc thiếu thuyền viên là nguyên nhân gây tai nạn, dù trong báo cáo có nhắc đến việc cả 2 tàu Quang Trung và CyPress tại thời điểm xảy ra tai nạn đều thiếu thuyền viên, không phù hợp với Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu của tàu. Bản điều tra chỉ kết luận nguyên nhân va chạm là do thiếu cảnh giới, chưa sử dụng triệt để rada…
Phụ trách mảng bảo hiểm hàng hải của một doanh nghiệp bảo hiểm (đề nghị dấu tên) cho rằng, tuy báo cáo điều tra không nêu rõ việc thiếu thuyền viên là nguyên nhân dẫn đến đâm va, nhưng nếu có đủ nhân sự theo quy định thì đã có thể nâng cao sự cảnh giới, quan sát, nhận biết được nguy cơ đâm va, từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp.
Thực tế cho thấy, các thiết bị điện tử dùng để theo dõ, cảnh báo va chạm như radar, arpa (thiết bị đồ giải radar tự động), ais (thiết bị nhận dạng tự động)... không thể phát huy tối đa chức năng nếu không có con người điều khiển, sử dụng đúng quy cách. Do vậy, việc nhận định thiếu định biên an toàn tối thiểu là nguyên nhân gây nên sự thiếu cảnh giới, quan sát, từ đó dẫn đến đâm va không phải là không có căn cứ.
Nhà bảo hiểm được từ chối trong trường hợp nào?
Liên quan đến tranh chấp giữa PJICO và Thép Việt Mỹ, cũng theo vị phụ trách trên, nguyên nhân gây ra đâm va chỉ là một phần, điều khiến vụ việc bị kéo dài là do đôi bên chưa xác định được cơ sở bồi thường, cũng như từ chối bồi thường.
Theo hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa 2 bên, đối tượng bảo hiểm sẽ bị loại trừ bảo hiểm trong trường hợp phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Thái, Đoàn Luật sư Đà Nẵng, Điều 325 - Bộ luật Hàng hải quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với người bảo hiểm, trong đó cho phép các bên thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với người được bảo hiểm.
Cụ thể, Điều 325 nêu rõ: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm, khi bảo hiểm tàu biển và bảo hiểm đối với giá dịch vụ vận chuyển, người bảo hiểm không chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh trong trường hợp sau: T
àu biển không đủ khả năng an toàn đi biển vào lúc bắt đầu chuyến đi, trừ trường hợp tàu biển có khuyết tật ẩn tỳ hoặc khi xảy ra các tình huống không thể tránh khỏi, mặc dù người bảo hiểm đã có sự quan tâm thích đáng...”.
Ông Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng chi nhánh Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại TP. Đà Nẵng - đại diện pháp lý của Công ty Thép Việt Mỹ cho biết, hợp đồng bảo hiểm không thể hiện rõ việc tàu đủ khả năng đi biển là vào lúc bắt đầu chuyến đi hay suốt hành trình.
“Theo quy định tại Điều 150 - Bộ luật Hàng hải, đối với người vận chuyển, cụ thể là chủ tàu, pháp luật chỉ yêu cầu phải đảm bảo tàu biển đủ khả năng đi biển vào lúc trước và khi bắt đầu chuyến đi.
Do đó, việc yêu cầu chủ hàng (người hoàn toàn không có chức năng và không thể kiểm tra và quản trị tàu như chủ tàu) phải đảm bảo tàu biển đủ khả năng đi biển suốt chuyến hành trình là bất hợp lý”, ông Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm cho biết, để chứng minh tàu không đủ khả năng đi biển dẫn đến tổn thất hàng hóa thì nhà bảo hiểm phải làm rõ 2 nội dung: Thứ nhất, tàu không đủ khả năng đi biển trước khi bắt đầu hành trình; thứ hai, việc không đủ khả năng đi biển là nguyên nhân gây ra tổn thất.
“Nếu chứng minh được 2 nội dung trên thì PJICO hoàn toàn có cơ sở để từ chối bồi thường trong vụ việc này”, ông Nguyên nói.
Hiện tại, vụ việc giữa PJICO và Thép Việt Mỹ vẫn đang trong quá trình giải quyết. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả khi có diễn biến mới.