Ngày 18/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét kháng cáo của hai bị cáo trong vụ án trộm sổ đỏ, thuê người đóng giả cha mẹ để lừa bán nhà đất.
Vụ án này đã diễn ra trong nhiều năm, từng bị hủy án để xét xử lại.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2011, Trần Quang Vũ (SN 1986, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) lấy trộm sổ đỏ căn nhà 3,5 tầng (diện tích 57,6m2 đất) mà chủ sở hữu là vợ chồng bà Đào Thị Mùi (SN 1955, mẹ đẻ Vũ) mang thế chấp, chuyển nhượng để lấy tiền tiêu xài.
Do sổ đỏ đứng tên bố mẹ nên Vũ đã tìm hiểu thủ tục chuyển nhượng nhà đất. Để thực hiện hành vi, Vũ thuê ông Nguyễn Văn Lộc (SN 1956, ở quận Đống Đa) và bà Lưu Thúy Nga (SN 1958, ở quận Ba Đình) có độ tuổi tương đương tuổi cha mẹ Vũ đến Văn phòng công chứng và Phòng Tài nguyên Môi trường để làm thủ tục ủy quyền chuyển nhượng nhà đất. Mỗi người được trả tiền công 7,5 triệu đồng “nhập vai” bố mẹ Vũ. Vũ cũng nhờ một số đối tượng khác làm giả CMND cho ông Lộc, bà Nga.
Sau khi có đầy đủ giấy tờ, Vũ đưa “cha mẹ giả” đến Văn phòng công chứng Lạc Việt làm hợp đồng ủy quyền cho Vũ được cho thuê, chuyển nhượng nhà đất trên.
Có hợp đồng trong tay, ngày 29/3/2012, Vũ chuyển nhượng căn nhà trên cho anh Phùng Văn Quyền với giá 2 tỷ đồng và thỏa thuận thuê lại nhà trên trong thời hạn 3 tháng. Tháng 7/2012, Vũ tiếp tục nhờ bà Nga đóng giả mẹ ruột đến Phòng Tài nguyên Môi trường quận Tây Hồ làm thủ tục ký tên đồng ý cho Vũ bán căn nhà trên cho anh Quyền. UBND quận Tây Hồ đã cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh Quyền.
Trong suốt thời gian này, vợ chồng bà Mùi không hay biết và vẫn sinh sống tại nhà đất trên. Năm 2013, Vũ bị bắt và ngồi tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi đó, anh Quyền đến đòi nhà thì vợ chồng bà Mùi mới tá hỏa chuyện con trai giả mạo chữ ký để bán đất chui.
Năm 2015, TAND TP. Hà Nội đã xử phạt Vũ 18 năm tù; Nguyễn Văn Lộc 14 năm tù; Lưu Thúy Nga 13 năm tù. Các đối tượng khác tiếp tay cho Vũ cũng lĩnh án từ 13 năm tù. Bản án trên bị hủy để làm rõ trách nhiệm của công chứng viên.
Cơ quan điều tra làm rõ các nhân viên lập và xác nhận hợp đồng ủy quyền không biết các đối tượng sử dụng CMND giả. Sở Tư pháp TP Hà Nội xác định các công chứng viên tuân thủ thủ tục chung về công chứng. Do đó, cơ quan điều tra không đề cập xử lý. Việc lập hợp đồng sang tên chủ sở hữu nhà đất cũng không phát hiện vi phạm pháp luật.
Năm 2018, TAND TP Hà Nội xét xử lần 2, tuyên phạt bị cáo Vũ mức án 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; bị cáo Lộc và Nga lĩnh án 24 tháng tù. Hai đối tượng còn lại cũng lĩnh án từ 24 tháng – 26 tháng tù.
Sau phiên tòa trên, bị cáo Lộc và Nga đã kháng cáo xin được hưởng án treo. Cả hai cho rằng, họ không quen biết nhau. Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn. Tuy nhiên, sau khi xem xét, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, không có tình tiết mới nên đã bác đơn kháng cáo của cả hai bị cáo.
Trong bản án sơ thẩm, HĐXX cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã phối hợp với Sở Tư pháp và Sở TNMT TP Hà Nội xác minh, điều tra, rà soát trình tự, thủ tục công chứng, sang tên; xác định những người này không biết việc làm sai trái của các bị cáo nên không đề cập xử lý nên HĐXX không xét. Tuy nhiên, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra và VKSND TP Hà Nội tiếp tục làm rõ hành vi của các công chứng viên, nếu có căn cứ thì xử lý, tránh bỏ lọt người và hành vi phạm tội.
HĐXX đề nghị UBND quận Tây Hồ hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đã cấp cho anh Phùng Văn Quyền và cấp lại cho vợ chồng bà Đào Thị Mùi.