Rủi ro từ việc cho thuê sổ đỏ

(ĐTCK) Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đang giải quyết vụ việc kiện đòi nợ của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), trong đó người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đề nghị tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thế chấp tại ngân hàng với lý do họ không mua bán, chuyển nhượng, cho tặng nhà đất, mà chỉ cho thuê.
Đối với sổ đỏ, việc cho thuê là vô nghĩa bởi quyền tài sản này gắn liền với nhân thân. Đối với sổ đỏ, việc cho thuê là vô nghĩa bởi quyền tài sản này gắn liền với nhân thân.

Theo ông Trần Xuân H. (trú tại Sóc Sơn, Hà Nội), năm 2013, nhân viên của ACB tìm đến nhà ông và cho biết, nhà đất ông đang sinh sống đã được thế chấp cho Ngân hàng để vay nợ. Hiện người vay không trả được nợ, Ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Nhà đất thế chấp tại ACB không mang tên vợ chồng ông H., mà đứng tên bà Nguyễn Thị Ngọc L., chủ sở hữu Công ty Đầu tư thương mại Kim Ngọc.

Nguồn cơn xuất phát từ việc vợ chồng ông H. cho bà Nguyễn Thị Ngọc L. thuê sổ đỏ với thời hạn 3 năm, giá thuê là 50 triệu đồng. Theo ông H., sau khi ký hợp đồng cho thuê sổ đỏ, vào khoảng 20h ngày hôm sau, bà L. đưa nhân viên phòng công chứng đến nhà ông để ký các giấy tờ. Ông H. không biết lý do là gì, mà chỉ biết ký tên để cho bà L. vay tiền.

Sau đó, vợ chồng ông H. kiểm tra lại thì nhận ra đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Bởi vậy, ông H. yêu cầu bà L. phải hủy giấy chuyển nhượng với lý do vợ chồng ông không bán nhà đất, mà chỉ cho thuê. Lúc này, bà L. viết giấy giao kèo với vợ chồng ông H. với nội dung là thuê sổ đỏ trong 3 năm và cam kết sẽ trả lại khi hết hạn.

Tại tòa, vợ chồng ông H. khẳng định mình bị lừa, nhưng cũng thừa nhận không bị ai bắt ép, đe dọa buộc vợ chồng ông phải ký vào các giấy tờ. Theo đó, vợ chồng ông H. đã có yêu cầu độc lập, đề nghị hủy sổ đỏ đang được thế chấp cho ACB với lý do không mua bán, cho tặng ai, mà chỉ cho thuê.

Về phía bà L., sau khi thuê được sổ đỏ và có giấy chuyển nhượng nhà đất, bà đã mang thế chấp tại ACB dưới pháp nhân là Công ty Kim Ngọc để vay khoảng 1 tỷ đồng. Sau thời gian thông báo trả nợ, nhận thấy Công ty Kim Ngọc không có khả năng này, ACB đã khởi kiện và đề nghị tòa án buộc Công ty phải trả số nợ gốc, chưa tính lãi. Nếu Công ty Kim Ngọc không trả được nợ, ACB được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Tại tòa, bà L. thừa nhận không có việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất với gia đình ông H., mà chỉ thuê sổ đỏ và cam kết sau 3 năm sẽ trả lại.

Tuy nhiên, nếu chỉ thuê và nhận sổ đỏ mang tên vợ chồng ông H. thì bà không thể sử dụng để làm tài sản thế chấp bởi không phải chủ sở hữu thực sự. Do đó, việc ký hợp đồng chuyển nhượng mới diễn ra và bà đã làm thủ tục sang tên, thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Theo bà L., việc này cả hai bên đều biết, đều hiểu, bà không lừa ai, nhưng vì kinh doanh thua lỗ nên không trả được nợ cho ngân hàng.

Về phía ACB, ngân hàng này khẳng định đã cho vay, làm thủ tục thế chấp đúng quy định, quy trình, sổ đỏ cũng là thật. Do Công ty Kim Ngọc không trả được nợ nên ACB có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bên lề phiên tòa, bà L. cho biết đang làm các thủ tục với hy vọng bán được nhà đất của mình để trả nợ cho ngân hàng, rút sổ đỏ về trả lại cho vợ chồng ông H. Cũng theo bà L., việc cho thuê sổ đỏ diễn ra khá phổ biến trên thực tế, chứ không hiếm.

Đây là một trong nhiều vụ kiện có liên quan đến việc cho người khác sử dụng sổ đỏ làm tài sản bảo đảm, vay tiền ngân hàng. Có trường hợp, người dân đã cho doanh nghiệp mượn sổ đỏ để vay ngân hàng rồi bản thân vay "ké". Khoản tiền người dân được vay thấp, chỉ vài chục triệu đồng, trong khi doanh nghiệp vay đến vài tỷ đồng. Khi doanh nghiệp không trả được nợ, người dân đối diện với nguy cơ bị mất nhà đất do ngân hàng xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), về nguyên tắc, cá nhân sở hữu một tài sản nào đó có thể chuyển nhượng, cho tặng, cho thuê... Tuy nhiên, với sổ đỏ, việc cho thuê là vô nghĩa bởi quyền tài sản này gắn liền với nhân thân.

"Việc giữ sổ đỏ nhà đất đứng tên người khác không có giá trị, nên không ai đi thuê sổ đỏ và đem về cất tủ. Để có thể sử dụng quyền tài sản đó, các bên sẽ phải làm thêm một số giấy tờ khác, có thể là ký hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng chuyển nhượng như vụ việc nói trên... Dù vậy, bất cứ phương án nào đều có thể đem lại rủi ro cho chủ tài sản", Luật sư Chi nói.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục