Theo quy định tại Điều 25 Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây: Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, số lượng công ty đại chúng không ngừng tăng lên. Để bảo vệ quyền lợi của công chúng đầu tư và đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trên thị trường chứng khoán, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các công ty đại chúng.
Theo đó, công ty đại chúng (Public Company) là một loại công ty cổ phần đặc thù. Hoạt động của một công ty đại chúng không những phải tuân thủ các quy định trong Luật Doanh nghiệp mà còn phải tuân thủ các quy định trong Luật Chứng khoán, đặc biệt là phải tuân thủ quy định của các văn bản luật chuyên ngành áp dụng cho công ty đại chúng.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP về Hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, Bộ Tài chính lập tức ban hành Thông tư 95/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên. Kèm theo trong Thông tư 95 là Điều lệ mẫu và mẫu Quy chế nội bộ về quản trị để các công ty đại chúng chiểu theo và áp dụng, đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định pháp luật. Phụ lục 01 đi kèm trong Thông tư ghi rõ “Điều lệ mẫu áp dụng đối với công ty đại chúng”.
Sở dĩ Bộ Tài chính phải ban hành Điều lệ mẫu và mẫu Quy chế nội bộ về quản trị đi kèm Thông tư 95 là nhằm đảm bảo các nguyên tắc quản trị công ty đại chúng công khai, minh bạch, tránh tình trạng công ty đại chúng đưa ra các quy định bất lợi cho cổ đông nhỏ. Theo quy định tại Khoản a, Điều 1 Thông tư 95 thì công ty đại chúng là đối tượng áp dụng của Thông tư này, có nghĩa là tất cả các công ty đại chúng có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Thông tư.
Cập nhật các quy định của Nghị định 71 và Thông tư 95, năm nay, rất nhiều doanh nghiệp đã đưa vào chương trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên phần nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ và Quy chế quản trị nội bộ. Đa số các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt nội dung của Điều lệ mẫu và Quy chế mẫu trong Thông tư 95, tuy nhiên cũng còn nhiều doanh nghiệp đưa ra Điều lệ và Quy chế không tuân thủ quy định của Điều lệ mẫu và Quy chế mẫu nói trên.
Theo đó, có 4 vi phạm phổ biến mà các doanh nghiệp mắc phải, trái với Thông tư 95/2017/TT-BTC.
Rút ngắn thời hạn
Vi phạm đầu tiên một số doanh nghiệp mắc phải là rút ngắn thời hạn so với quy định của Điều lệ mẫu (thời hạn mời họp ĐHCĐ, thời hạn mời họp của HĐQT, Ban kiểm soát…).
Điều lệ một số doanh nghiệp (chẳng hạn CTCP Cấp nước Nhơn Trạch, CTCP Môi trường Sonadezi) quy định: Thông báo mời họp phải gửi ít nhất 10 ngày trước ngày họp. Tuy nhiên, Điều lệ mẫu trong Thông tư 95 quy định thông báo mời họp phải gửi trước ngày họp ít nhất 15 ngày.
Về thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, Điều lệ 2 doanh nghiệp này đều quy định: Phiếu lấy ý kiến, dự thảo nghị quyết và các tài liệu giải trình phải gửi ít nhất 10 ngày trước ngày hết hạn nhận phiếu lấy ý kiến. Tuy nhiên, Điều lệ mẫu quy định rằng phải gửi trước ít nhất 15 ngày.
Đáng chú ý, Điều lệ CTCP cấp nước Nhơn Trạch quy định thời hạn Chủ tịch HĐQT phải lập chương trình nghị sự, thời gian và địa điểm họp HĐQT và gửi thông báo họp cho thành viên HĐQT và Ban kiểm soát ít nhất 3 ngày trước ngày họp, trong khi Điều lệ mẫu quy định thời hạn này là ít nhất 5 ngày trước ngày họp… Việc rút ngắn thời hạn làm hạn chế khả năng thu xếp thời gian đến tham dự họp, cũng như việc chuẩn bị tài liệu, ý kiến trước cuộc họp của người được mời (cổ đông, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát).
Quy định tỷ lệ cổ phần nắm giữ
Vi phạm thứ hai là quy định trái với Thông tư 95 về tỷ lệ cổ phần nắm giữ, quy định giao dịch giữa doanh nghiệp với thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc (tổng giám đốc) hoặc những người liên quan đến họ.
Cụ thể, theo quy định tại Điều lệ mẫu thì “cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng” được quyền đề cử ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát, quyền được kiểm tra, xem xét và trích lục sổ biên bản và các Nghị quyết, báo cáo của HĐQT, của Ban kiểm soát, quyền được yêu cầu triệu tập ĐHCĐ trong một số trường hợp, yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành của công ty…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nâng tỷ lệ sàn lên cao hơn, ví dụ CTCP Môi trường Sonadezi, CTCP Cấp nước Đồng Nai và CTCP Cấp nước Nhơn Trạch quy định mức tỷ lệ sàn là 10%. Việc doanh nghiệp đưa ra tỷ lệ 10% như trên là hoàn toàn trái với quy định của Thông tư 95, làm hạn chế quyền lợi hợp pháp của các cổ đông của công ty đại chúng.
Để đảm bảo các giao dịch với bên liên quan được công khai minh bạch không xâm phạm lợi ích các cổ đông, Điều 40 Điều lệ mẫu (về Trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi) quy định các giao dịch với bên liên quan phải nhỏ hơn hoặc bằng 20% tổng giá trị tài sản trong BCTC gần nhất, các giao dịch lớn hơn tỷ lệ 20% muốn không bị vô hiệu hóa sẽ phải tuân thủ thêm một số điều kiện khác (chẳng hạn phải được công bố với các cổ đông không có lợi ích liên quan đến vấn đề đó và được họ thông qua). Tuy nhiên một số doanh nghiệp (ví dụ 3 doanh nghiệp nói trên) đã nới rộng quyền của HĐQT và nới rộng tỷ lệ này lên 35%, khiến các hợp đồng giữa công ty với một hoặc nhiều thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, người điều hành và các cá nhân, tổ chức liên quan đến họ… có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản trong BCTC gần nhất không bị vô hiệu hóa.
Cắt xén quy định tài khoản thanh toán
Một vi phạm thường gặp khác là cắt xén quy định về tài khoản thanh toán so với Điều lệ mẫu.
Khoản 3 Điều 45 Điều lệ mẫu quy định công ty đại chúng phải tiến hành tất cả các khoản thanh toán và giao dịch kế toán thông qua các tài khoản mà công ty mở tại ngân hàng. Tuy nhiên, điều lệ của nhiều doanh nghiệp (ví dụ 3 doanh nghiệp đã đề cập) đã hoàn toàn bỏ đi quy định này.
Rõ ràng, Bộ Tài chính quy định tất cả các khoản thanh toán của công ty đại chúng phải qua tài khoản ngân hàng là để hạn chế tình trạng sử dụng tiền mặt, đảm bảo có thể kiểm chứng các khoản thu chi rõ ràng, tránh gian lận trong hạch toán doanh thu, chi phí. Việc một số công ty đại chúng bỏ điều khoản này là trái với chuẩn mực quản trị công ty đại chúng và trái với quy định của Điều lệ mẫu, tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch trong hạch toán doanh thu và chi phí của công ty đại chúng.
Đề ra thời hạn nộp hồ sơ
Cuối cùng, một bộ phận doanh nghiệp đề ra thời hạn nộp hồ sơ ứng cử HĐQT, Ban kiểm soát bất hợp lý, làm hạn chế quyền đề cử, ứng cử của cổ đông.
Điều 13 Quy chế nội bộ về quản trị CTCP Cấp nước Nhơn Trạch quy định về cách thức cổ đông, nhóm cổ đông đề cử vị trí thành viên HĐQT như sau: “Hồ sơ đề cử phải được gửi về Ban tổ chức Đại hội chậm nhất 3 ngày trước ngày tiến hành ĐHCĐ, quá thời hạn này hồ sơ không có giá trị”. Quy định này gây cản trở cho việc đề cử, ứng cử của các cổ đông và trái với các quy định pháp luật hiện hành.
Tại Điều lệ mẫu, cũng như trong tất cả các quy định pháp luật, không có điều luật nào hạn chế thời hạn gửi hồ sơ đề cử, ứng cử. Quyền đề cử, ứng cử là quyền cơ bản của cổ đông, ngay trong phiên họp ĐHCĐ, các cổ đông vẫn có quyền liên kết lại với nhau thành nhóm để đề cử ứng viên, việc đề cử, ứng cử chỉ cần đảm bảo diễn ra trước thời điểm bỏ phiếu bầu cử HĐQT, Ban kiểm soát. Do đó, việc doanh nghiệp quy định khống chế thời hạn nộp hồ sơ đề cử tối thiểu 3 ngày trước ngày họp ĐHCĐ là hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm quyền của cổ đông.
Việc một số công ty đại chúng ban hành điều lệ và quy chế quản trị nội bộ không tuân thủ Thông tư 95 như nêu trên không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các cổ đông của công ty đại chúng đó, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chung của công chúng đầu tư, hình ảnh chung của thị trường chứng khoán và niềm tin của giới đầu tư vào hiệu lực của hệ thống pháp luật, sự nghiêm minh của cơ quan quản lý.
Để tiếp tục hướng tới một thị trường chứng khoán công bằng, minh bạch và bền vững, gây dựng được lòng tin của công chúng đầu tư vào sự nghiêm minh của pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật và kịp thời đôn đốc các công ty đại chúng tuân thủ Thông tư 95/2017/TT-BTC, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.