Kẽ hở chi trả hoa hồng bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 10, liên tiếp hai vụ sai phạm trong chi trả hoa hồng với số tiền gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm lên tới hàng tỷ đồng được cơ quan điều tra công bố.
Quản lý chặt chẽ đội ngũ đại lý sẽ hạn chế kẽ hở cho sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm Quản lý chặt chẽ đội ngũ đại lý sẽ hạn chế kẽ hở cho sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm

Thêm sai phạm bị phát hiện

Trong tháng 10/2023, cơ quan điều tra đã khởi tố hai vụ việc liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm, cách thức vi phạm khá giống nhau, đó là chuyển hợp đồng khai thác thành hợp đồng đại lý khai thác để hưởng hoa hồng, tiền hỗ trợ, gây thiệt hại cho công ty.

Sai phạm liên quan đến chi trả hoa hồng, hay bồi thường bảo hiểm là thực tế tồn tại lâu nay trong ngành bảo hiểm. Hồi năm 2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Viết Lượng (nguyên Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Chi nhánh Cà Mau) và Nguyễn Văn Hoàng Nam (anh vợ của Lượng) về tội tham ô tài sản. Theo cáo trạng, Lượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Công ty khi bồi thường 30 hồ sơ bảo hiểm, với tổng số tiền trên 890 triệu đồng trong giai đoạn từ năm 2002 - 2005.

Trước đó, cơ quan điều tra đã kiểm tra hồ sơ bồi thường bảo hiểm thì phát hiện Ban giám đốc chi nhánh này có dấu hiệu lập hồ sơ bồi thường khống để lấy tiền chia nhau hơn 500 triệu đồng. Riêng Lượng có dấu hiệu ăn chặn tiền bảo hiểm của khách hàng, kê khống để rút hàng tỷ đồng…

Vì đâu nên nỗi?

Nhìn nhận về tình trạng sai phạm, gian lận trong chi trả hoa hồng tại công ty bảo hiểm, luật sư Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance cho biết, “thực tế này từng xảy ra từ 10 năm trước”.

Ông Nguyên tiết lộ, nhận thấy những kẻ hở trong chính sách chi trả hoa hồng mà nhân viên công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể lợi dụng hòng tư lợi, ông từng có văn bản đề nghị chuyển bộ phận kinh doanh hưởng lương của công ty thành đại lý hưởng hoa hồng và hỗ trợ khai thác, tương tự như mô hình tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Các nhân sự này giao về các doanh nghiệp tổng đại lý bảo hiểm ký hợp đồng lao động và trả lương, tách rời mảng kinh doanh và mảng dịch vụ bồi thường bảo hiểm. Tại các chi nhánh công ty bảo hiểm tại các tỉnh, thành phố, chỉ có bộ phận bồi thường bảo hiểm được hưởng lương do công ty bảo hiểm trả, còn bộ phận kinh doanh thì chuyển thành các công ty đại lý (đại lý tổ chức). Tuy vậy, lúc bấy giờ, đề nghị của ông không được phía công ty bảo hiểm chấp nhận.

Hiện tại, ông Nguyên tiếp tục bảo lưu đề xuất trên “cho đến khi nào công ty bảo hiểm hết xảy ra chuyện lợi dụng các quy định về việc các đại lý được thanh toán tiền hoa hồng, tiền hỗ trợ”.

Ghi nhận quan điểm của nhiều đại lý bảo hiểm, để hạn chế những sai phạm, gian lận trong chi trả tiền hoa hồng, hỗ trợ cho đại lý bảo hiểm như đã xảy ra gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chặt chẽ hơn trong khâu tuyển dụng cũng như quản lý hoạt động của các đại lý.

“Cần chặt chẽ hơn trong việc tuyển đại lý. Khi ứng tuyển làm đại lý, phải nộp sơ yếu lý lịch nhân thân rõ ràng. Đại lý phải được tham gia đào tạo và có hợp đồng hợp tác thể hiện rõ ràng các thông tin như họ tên, năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, để tránh việc cán bộ bảo hiểm tạo ra những tài khoản cấp đơn cho đại lý ảo nhằm mục đích trục lợi”, đại lý bảo hiểm Nguyễn Quyết nêu quan điểm.

Ông Quyết nhấn mạnh, đại lý bảo hiểm phải có tài khoản ngân hàng, tài khoản của đại lý phải phát sinh các giao dịch chuyển tiền đến tài khoản công ty bảo hiểm để nộp phí bảo hiểm thì công ty bảo hiểm mới thanh toán hoa hồng.

Thực tế được nhiều công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thừa nhận, ở nhiều công ty bảo hiểm có tình trạng tuyển dụng đại lý, cộng tác viên theo hình thức “thỏa thuận miệng”, chính sách hoa hồng, chi phí hỗ trợ cũng “thỏa thuận miệng”.

“Nếu các công ty bảo hiểm quản lý chặt, nắm rõ các thông tin của đại lý thì cán bộ của công ty khó có thể tạo ra những đại lý ảo được”, một đại lý khẳng định.

Về nguyên tắc, đại lý bảo hiểm, dù hoạt động dưới hình thức cá nhân hay tổ chức, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ, đều phải qua đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề và phải có hợp đồng hợp tác với công ty bảo hiểm. Nhưng thực tế, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện vẫn sử dụng chủ yếu đội ngũ cộng tác viên, thoả thuận miệng về việc hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm với nhân viên, hoặc cán bộ công ty bảo hiểm. Lực lượng cộng tác viên này đông đảo, được coi là “cần câu cơm” của các công ty bảo hiểm, nhưng lại không có liên quan gì với công ty bảo hiểm về mặt giấy tờ.

Đối với việc công ty bảo hiểm, công ty trực thuộc công ty bảo hiểm bị khởi tố, bắt giam…, liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 106, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo Bộ Tài chính khi xảy ra những diễn biến bất thường có ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, uy tín của doanh nghiệp, chi nhánh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội, do Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) mới ban hành và đến nay chưa ban hành nghị định xử phạt các hành vi vi phạm. Hiện Bộ Tài chính (Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) đang trong quá trình soạn thảo dự thảo Nghị định này.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục