Môi giới bảo hiểm và bí mật của... hoa hồng!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Chưa bao giờ các quy định về doanh nghiệp môi giới bảo hiểm lại chặt đến vậy”, nhà sáng lập một doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có hơn 10 năm hoạt động nhận xét khi nhắc đến Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 1/1/2023.
Môi giới bảo hiểm giữ vai trò vừa là nhà tư vấn, đồng thời là một kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm Môi giới bảo hiểm giữ vai trò vừa là nhà tư vấn, đồng thời là một kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm

Công khai thông tin các khoản hoa hồng

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung khái niệm hoạt động môi giới bảo hiểm, quyền của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm một cách chi tiết nhằm chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm. Đáng chú ý, để có được những quy định mới này, ngay từ những dự thảo ban đầu của Luật đã xuất hiện những tranh cãi xoay quanh việc cắt nghĩa các khoản hoa hồng cũng như yêu cầu công khai các khoản hoa hồng.

Là kênh trung gian, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm lâu nay từng “ăn 2 mang”: Tiền hoa hồng môi giới ở cả 2 đầu là bên bán bảo hiểm lẫn bên mua bảo hiểm. Do đó, dựa vào thực tế này, dự thảo Luật lần đầu khi lấy ý kiến các bên đưa ra quy định: “Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có quyền được hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm do bên mua bảo hiểm trả hoặc do bên mua bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chi trả hộ, tùy theo thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và/hoặc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm”. Quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lẫn doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Cụ thể, Công ty Bảo hiểm OPES đề nghị làm rõ, hoa hồng môi giới bảo hiểm được chi từ nguồn nào? AIG thì đề nghị làm rõ quy định “hoa hồng môi giới bảo hiểm... do bên mua bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chi trả hộ”. Còn công ty môi giới bảo hiểm là Aon đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về hoa hồng môi giới bảo hiểm với lập luận, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm lâu nay vẫn thực hiện các dịch vụ tư vấn sản phẩm bảo hiểm, chăm sóc khách hàng, quản lý hợp đồng bảo hiểm thay cho doanh nghiệp bảo hiểm và theo tập quán truyền thống quốc tế đã tồn tại từ rất lâu, đối tượng chi trả hoa hồng môi giới cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm.

Môi giới bảo hiểm được cho là có thu nhập cao, nhưng không ổn định, phụ thuộc vào số lượng và giá trị hợp đồng chốt với khách hàng.

Ban soạn thảo dự án Luật đã tiếp thu và các quyền của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được “chốt” là quyền hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc, hoa hồng môi giới tái bảo hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; thu từ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; thu từ thực hiện các công việc khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

Tính đến hết tháng 7/2022, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm đạt 9.208 tỷ đồng (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước); trong đó, phí bảo hiểm thu xếp gốc đạt 5.768 tỷ đồng (tăng 10%), phí tái bảo hiểm thu xếp đạt 3.440 tỷ đồng (tăng 20,2%). Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 695 tỷ đồng (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước); trong đó, hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc đạt 568 tỷ đồng (tăng 6,3%), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm đạt 127 tỷ đồng (giảm 4,7%).

Không chỉ đề nghị làm rõ các khoản hoa hồng, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định công khai với khách hàng khoản hoa hồng môi giới mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm chi trả, ngoài phần bên mua bảo hiểm chi trả từ dịch vụ môi giới bảo hiểm, mối quan hệ với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và các thông tin khác có thể gây ra xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, hai nhà môi giới bảo hiểm là Willis và Marsh đều cho rằng, việc công khai hoa hồng môi giới bảo hiểm là chưa phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam. Aon thì đề nghị quy định theo hướng mở, nghĩa là chỉ cung cấp khi khách hàng yêu cầu. Còn theo doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Prudential, hoa hồng môi giới là thông tin cần cân nhắc khi công khai, vì khách hàng có thể chủ động đề cập đòi giảm phí, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Cuối cùng, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã được thông qua với quy định, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm công khai thông tin cho khách hàng các nội dung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chi tiết hóa các hành vi bị cấm

Luật mới đã chi tiết hóa các hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như không được ngăn cản bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; không được khuyến mại dưới hình thức hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm; nghiêm cấm xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực để mua hợp đồng bảo hiểm mới.

Luật cũng cấm doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn; nghiêm cấm cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch, không phù hợp nội dung điều kiện, điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Trong khi đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 chỉ quy định chung chung như doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện việc môi giới trung thực; không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên mua bảo hiểm do hoạt động môi giới bảo hiểm gây ra.

Tính đến đầu tháng 12/2022, toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam có 23 công ty môi giới bảo hiểm, không tính Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Đại Việt đã dừng hoạt động, đang hoàn tất thủ tục giải thể. Bên cạnh đó, thị trường có sự góp mặt của 18 văn phòng đại diện của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và gia tăng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam.

Tuy hoạt động hiệu quả, nhưng cũng giống như kênh trung gian là đại lý bảo hiểm, hoạt động môi giới được Bộ Tài chính đánh giá chưa chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa cao, ứng dụng thành tựu công nghệ chưa đồng đều, chưa sâu (do các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, chưa có quy định cụ thể để làm căn cứ thực hiện); cạnh tranh gay gắt dẫn đến chi phí doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho kênh phân phối lớn, từ đó làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp, hoặc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ khách hàng...

Tại Canada, các công ty bảo hiểm đóng vai trò chủ đạo trong phân phối các sản phẩm bảo hiểm, bất chấp nỗ lực của các ngân hàng nhằm phá vỡ tình trạng gần như độc quyền này. Một số ngân hàng cố gắng thâm nhập thị trường bảo hiểm thông qua việc thành lập công ty con và chỉ rút khỏi thị trường sau khi nhận thấy các hoạt động bảo hiểm không tăng thêm giá trị khi không có mạng lưới đại lý rộng khắp để phân phối sản phẩm và thiếu chuyên môn về thiết kế sản phẩm, quản lý rủi ro.

Mạng lưới phân phối của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể được phân thành ba kênh riêng biệt: môi giới độc lập, đại lý và kênh điện tử. Trong đó, môi giới giữ vị trí thống trị thị trường với thị phần khoảng 70%, đại lý chiếm 25% và kênh phân phối còn lại như điện thoại, Internet chiếm 5%.

Hương Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục