Không giống như những chuyến đi gần đây, vốn chẳng còn quá nhiều háo hức như hồi mới ra ràng. Lần này, tôi mang một tâm lý phấn chấn, mong chờ thấy rõ. Vì với Cà Mau, tôi đã bao lần đi trượt. Và đây không chỉ là mảnh đất xa xôi nhất, đó còn là tỉnh cuối cùng của Việt Nam mà tôi chưa được đặt chân.
Cái khát khao, háo hức hẳn cũng là điều dễ hiểu.
Nhân chuyến công tác Sài Gòn, tôi đánh hẹn với cậu bạn đồng nghiệp, với một đòi hỏi cũng hơi khác biệt, phải về Cà Mau bằng xe máy, chứ không phải ô tô.
Phượt Cà Mau bằng mô tô cũng có nhiều điều thú vị riêng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ban đầu, kế hoạch có 4 người đi cho đủ mâm, đủ bát nhưng đến giờ chót, chỉ còn hai người. Tuy nhiên, không bởi vậy mà niềm vui giảm đi một nửa.
Xong việc công, 11h15 trưa một ngày giữa tuần, tôi và cậu bạn khởi hành từ quận 1. Sau một bữa lẩu mắm ở Vĩnh Long và hai đận nghỉ uống cà phê, 4h30 chiều, chúng tôi có mặt ở thành phố Cà Mau.
Vĩnh Long, một ngày đầy nắng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cậu bạn là dân phượt nên chạy xe cũng dữ dằn lắm, nhưng cũng yêu chiều tôi vô cùng, cứ chỗ nào có cảnh đẹp, tầm cao là lại dừng xe “cho anh chụp ảnh”. Bữa đó, lần đầu tôi được cưỡi “ẻm” Triumph hơn 600 phân khối.
Khám phá Cà Mau như vậy kể cũng không tệ, nếu không muốn nói là rất sướng.
Lần đầu được “về” Cà Mau, nhưng tôi quan niệm, hanh phúc không chỉ ở đích đến, mà cả cách mình thưởng thức nó trong cuộc hành trình. Đó là lý do tôi đã tranh thủ lợi thế ngồi sau để nhâm nhi cảnh quan, cái nắng, cái gió xứ này.
Tôi đặc biệt thích bầu trời xanh ngắt phương Nam, thứ xa xỉ với Hà Nội. Theo quan sát của tôi, Hà Nội có thể hào phóng nhiều thứ, nhưng Hà Nội lại rất keo kiệt với mọi người khi cả năm, áng chừng chỉ có được đâu chục ngày, nửa tháng là trời xanh, trong vắt, chứ thường thì, lúc nào cũng cứ nhợt nhạt, nhờ nhờ như người ốm dở.
Cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Thành Nguyễn.
Quay lại câu chuyện xuôi Nam, cậu bạn đi cùng than: “Cái ông này đến lạ, mấy ngày vào đây, chẳng thấy ông khen gì, khen mỗi trời xanh, mây trắng”.
Ờ hén, ai cũng có niềm yêu riêng của mình, tôi chẳng chấp vì chẳng phải ai cũng có cùng cái sự “hấp” như mình (bạn tôi hay chê tôi vậy).
Ghé Cà Mau và tình cờ được nhập đoàn cùng một nhóm doanh nghiệp về Cà Mau làm từ thiện. Tối đó, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng người Cà Mau.
Một góc nhỏ TP. Cà Mau. Ảnh: Thành Nguyễn.
Khi nghe tôi kể về niềm hào hứng được chạm mặt Cà Mau sau nhiều lần sai hẹn, anh phóng viên tên Kiên Giang, của Đài Truyền hình Cà Mau, vừa cầm ly bia, vừa vỗ vai bảo: “Nếu chú yêu Cà Mau đến vậy, thì đừng nói là đến Cà Mau, hãy nói “về” Cà Mau, nghe thân mật hơn. Như là trở về nhà của mình ấy”.
“Người Cà Mau dễ thương vô cùng”, tôi nghe bao lần “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn, hát câu này bao lần, nhưng quả thực, gặp người Cà Mau mới cảm được cái sự dễ thương đó. Và chắc hẳn, đến giờ bạn đọc đã hiểu, tại sao từ đầu đến giờ, chữ “về” tôi lại đưa vào ngoặc kép.
Bữa đó, nhà báo Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Cà Mau bảo tôi, Cà Mau có nhiều bài tỉnh ca nổi tiếng lắm, trước là “Trên quê hương Minh Hải” của nhạc sĩ Phan Nhân, rồi “Về đất mũi Cà Mau” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (trong hai bài hát này thì “Trên quê hương Minh Hải” từng được dùng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh trước đó, những năm gàn đây, Cà Mau đang sử dụng “Về đất mũi Cà Mau” làm nhạc hiệu). Rồi mấy năm qua, nhiều người biết đến Cà Mau hơn qua “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Đêm đó, chúng tôi được các anh bên tỉnh hết lòng địa chủ, thết toàn đặc sản: cua thịt U Minh, cá lóc nước mọi bắt từ đâu đó trong những cánh rừng đước Cà Mau.
Chưa thỏa lòng, tối đó, tôi nhờ một anh bạn thổ địa tìm bằng được một quán nhậu có bán thịt chuột. Cách trung tâm thành phố chừng đâu 3km là quán nhậu Sáu Lến (ở phường Tân Thành).
Bà chủ quán Sáu Lến đang chiên thịt chuột ướp mắm sả. Ảnh: Thành Nguyễn.
Khá ngạc nhiên khi một người Bắc nằng nặc đòi ăn thịt chuột, bà chủ quán vừa làm món, vừa kể: Các chú nhậu hơi muộn nhỉ, ở đây, tầm 5h chiều đông lắm, thịt chuột cũng lắm người ăn, nhưng người Bắc vào mà đòi ăn thịt chuột như chú thì không nhiều.
Bữa đó, cậu bạn đi cùng không dám động đũa mà gọi riêng một con chim Khúm Núm nướng. Còn tôi, tôi nhẩn nha ăn, cũng gần hết được một đĩa thịt chuột ướp mắm sả chiên giòn.
Chuột đồng, đặc sản của Cà Mau và các tỉnh Tây Nam Bộ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Vui thêm, bữa đó tôi và cậu bạn vợt được thêm một nhóc quê Phú Yên cùng đoàn từ thiện, nên cuộc nhậu lai rai cũng có thêm nhiều cái để kể, để đẩy đưa.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm. Ăn sáng xong, tôi hỏi đường ra chợ nổi Cà Mau. Và thật lạ, nhiều người ở Cà Mau không biết đến địa danh này. Phải đến lượt thứ 5 hay thứ 6 gì đó, mới có người biết và chỉ đường cho chúng tôi, kèm theo lời cảnh tỉnh: Giờ không có thuyền đâu?
Chợ nổi xưa không còn. Ảnh: Thành Nguyễn.
Quả vậy, chợ nổi Cà Mau giờ đã không còn, bến sông vắng teo, nghe đâu người ta dời chợ đi chỗ khác để làm dự án gì đó. Thế là hình ảnh chợ nổi Cà Mau sẽ chỉ còn là hoài niệm, bởi kể cả chỗ mới, giờ cũng vắng bóng những con thuyền.
Tôi thấy tiếc. Tiếc vì mình về Cà Mau muộn quá, chẳng được đi chơi chợ nổi. Và tiếc nữa, vì Cà Mau cũng mất đi một sản phẩm du lịch độc đáo của mình.
(còn nữa)