Thành phố đá
Cách đây 11 năm, vào một ngày đẹp trời, thực hiện ước mơ của mình, tôi tìm đến với nước Ý xa xôi, đất nước của thi ca nghệ thuật mà tôi hằng ngưỡng mộ.
Nơi tôi đến là Verona, một thành phố nằm ở miền Bắc đất nước hình chiếc ủng. Trải qua ba chặng bay và hai lần transit ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Roma (Thủ đô nước Ý), tôi có mặt ở Verona vào một buổi chiều.
Trên đỉnh những ngọn núi cao, tuyết phủ trắng xóa. Khắp nơi trong thành phố, nắng vàng óng ánh nhuộm lên vạn vật. Trên cao, trời xanh lồng lộn, xanh như màu biển vùng Địa Trung Hải bao năm vẫn vậy. Verona đã đón tôi như thế.
Verona thật đẹp và lãng mạn, đấy là ấn tượng đầu tiên của tôi. Thực tại còn đẹp hơn cả những bài văn, câu chuyện kể về "Thành phố Tình yêu" này (câu chuyện về tên gọi Thành phố Tình yêu tôi sẽ kể trong một bài viết khác).
Mọi sự hiện diện nơi đây đều gắn với đá. Ảnh: Thành Nguyễn.
Những con đường dài trải sỏi, những ngôi nhà, toà thành bằng đá là những nhân chứng già nua góp phần tạo nên một Verona ngày nay. Đá là một phần chính trong kiến trúc của thành phố, đá có mặt trong mọi công trình xây dựng, từ đấu trường Roman Arena được xây bằng đá cẩm thạch màu hồng, cho đến những con đường, ngôi nhà, tượng đài, thành luỹ,… tất cả đều có đá.
Hình như trong các thứ nguyên liệu, người Ý thích dùng đá để xây dựng hơn cả. Đá làm tượng, đá xây nhà, đá lát đường, đá trải trên các lối đi, đá là nguyên liệu, nhưng cũng trở thành những tác phẩm trang trí trong nhà, trong các bảo tàng. Có lẽ không gì thú vị hơn việc lặng lẽ đi sâu vào những con ngõ nhỏ và cảm nhận cái hồn Ý, cái chất Ý nơi đây từ… đá.
Và những chứng tích lịch sử
Công trình kiến trúc nổi tiếng nhất ở Verona chính là đấu trường La Mã, có tên gọi là Roman Arena. Roman Arena được xây dựng bằng nguyên liệu chính là đá khối cẩm thạch màu hồng cỡ lớn.
Đấu trường Arena rất rộng, là một mô hình thu nhỏ của đấu trường La Mã ở thành Rome. Trước đây, đấu trường Arena là nơi diễn ra các trận đấu của các võ sĩ, hay các cuộc đua ngựa, sau này nó trở nên lãng mạn hơn với các chương trình hoà nhạc.
Đấu trường Roman Arena. Ảnh: Thành Nguyễn.
Dù đến nay, nơi đây chỉ còn là một phế tích nhưng dường như thời gian không làm cho nó bị lãng quên mà còn tô thêm màu huyền thoại và sự nổi tiếng cho công trình này. Chiều về Roman Arena và cả một vùng xung quanh nó sáng rực lên bởi sức phản chiếu mạnh mẽ của ánh mặt trời khi gặp những viên cẩm thạch màu hồng.
Du khách đến Verona đều dành nhiều thời gian để ngắm nhìn những công trình đồ sộ bằng đá. Thật khó có thể tìm được một công trình xây dựng ở Verona không dùng đến thứ nguyên liệu này. Tượng có mặt khắp nơi, trong vườn hoa, công viên, trong các bảo tàng, trên ban công, các ô cửa.
Với nhiều công trình, tượng còn được dùng thay thế cho những cây cột chống (tương tự như hai bức tượng ở Nhà hát Lớn, TP.HCM). Dĩ nhiên, nguyên liệu cũng không gì khác là đá.
Verona ngày nay được xây dựng trên chính thành phố cổ xưa. Ảnh: Internet.
Silva, một cô bạn đến từ Brazil mà tôi quen trong cuộc hành trình của mình đã giới thiệu cho tôi rất nhiều về Verona dẫn tôi đến nơi mà “cả quá khứ và hiện tại cùng hiện diện”.
Đó là một khu nhà cổ, phía dưới vẫn còn những dấu vết của thành phố Verona cổ xưa. Silva cho hay, Verona ngày nay chính là thành phố mới được xây dựng trên chính nền của thành phố cũ, nhìn xuống dưới chân mình, tôi thấy được cả những móng nhà, đường đi lối lại từ cách đây hơn 500 năm tuổi, thật thú vị nguyên liệu cũng là đá.
Thành phố của tình yêu
Trong suốt thời gian ở tại Verona, không biết tôi đã lang thang bao nhiêu lần trên các con phố nhỏ được lát đá sỏi gồ ghề. Bước ra khỏi cửa khách sạn đã gặp đá, đi trên những con đường đá,… Verona có một đặc trưng, có nhiều các con “phố nhỏ, ngõ nhỏ” (giống như Hà Nội của chúng ta vậy), mặt đường được tạo thành bởi sự gắn kết của nhiều những khối đá lớn, viên đã nhỏ nhiều cạnh hay những viên sỏi lớn.
Chính những con đường này đã “kể” tôi nghe về thành phố, về những câu chuyện tình, về những toà lâu đài,... . Cứ lặng lẽ, lặng lẽ mà đi, mà cảm nhận dòng thời gian đang trôi chầm chậm, như chính dòng sông Adige lững lờ trôi giữa lòng thành phố.
Một điểm đến không thể bỏ qua là Ban công Tình yêu, gắn với câu chuyện tình của chàng Romeo và nàng Juliet. Ảnh: Internet.
Nhiều người đến Verona đều có chung một nhận xét, Verona về đêm đẹp hơn ban ngày, những con ngõ nhỏ được thắp sáng bằng những chiếc đèn cổ cong cong, ánh sáng đỏ, chỉ đủ sáng và đủ để tạo nên cảm giác “mơ màng”.
Không ít lần tôi bắt gặp những nụ hôn trao vội của các đôi tình nhân trong các con ngõ nhỏ, có khi lại là một đôi tình nhân vừa nâng ly rượu vang lên, vừa cười với tôi như muốn nói: “Bạn cứ bấm máy tự nhiên đi…”. Chính những ngọn đèn đứng gác, những viên sỏi kia là nhân chứng hàng đêm cho cuộc tình của các đôi tình nhân ấy.
Nhiều du khách sẵn sàng đợi để được thưởng thức một ly kem Ý trứ danh. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nếu ban ngày bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đạp được dựng thẳng hàng trên phố hay cạnh các vườn hoa (dĩ nhiên là có khoá hẳn hoi), thì đêm xuống ta lại có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chiếc Vespa được “xích” ngay dưới chân một biển báo, hay cột đèn. Đậm chất Ý! Lãng mạn kiểu Ý.
Verona là thành phố của các loài hoa, hoa dại nơi đây nhiều vô kể và rất đẹp. Người Verona yêu hoa, vì thế khắp mọi nơi, bên hiên nhà, cạnh lối đi, ngoài đường đều có những chậu hoa khoe sắc, nhưng ấn tượng nhất chính là hoa trên các ban công. Tất cả những điều đó đã tạo nên nhận xét về Verona: “đẹp, lãng mạn, nên thơ và… đáng yêu”.
Những ban công đầy hoa mang nét lãng mạn kiểu Ý đặc trưng. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nửa tháng tại Verona không nhiều, nhưng cũng đủ để tôi thấy yêu thành phố này. Sau những giờ làm việc, thật thư giãn biết bao khi được lang thang trong bảo tàng thành phố, ngắm dòng Adige mơ màng và trên tay là cây kem Ý.
Hôm nay, khi ngồi viết lại những dòng kỷ niệm với Verona, tôi chợt nhớ đến cảm giác tiếc nuối ngày nào, khi bắt gặp tiếng đập cánh vội vã của đàn bồ câu trước lúc ra phi trường. Có lẽ, đó là sự thảng thốt để nhận ra, mình đã yêu một vùng đất lạ.