Lần đầu tôi diện kiến Sài Gòn là vào năm 2005, trong một chuyến công tác dài chừng hơn 2 tháng. Sài Gòn thực tế và hình dung trong tôi giống và khác nhau đến… một nửa.
Giống vì sự hào nhoáng, người xe tấp nập. Khác, vì hồi đó, nhiều người đồn rằng con gái Sài Gòn xinh lắm, buổi đầu gặp nhau tôi thấy không như vậy. Trong cái nắng rát phương Nam, ra đường, ai cũng như Ninja, thậm chí đến cả đôi mắt có khi cũng được che đậy nốt bằng cặp kính râm. Mùa hè lại mặc áo phao, đi tất dài quá gối…
Túm lại thấy cứ kỳ kỳ, khác với những hình dung về các cô em xinh tươi, mang làn da trắng ngần như lúc ngoài Hà Nội tôi thường vẫn nghĩ.
Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất. Ảnh: Shutterstock.
Lần đó, tôi và anh bạn ở nhờ nhà người quen trên phố Tôn Thất Đạm, ngay quận 1. Ngày đó, tôi thích bánh mỳ, cứ vài hôm lại mò ra hiệu bánh Như Lan trên đường Hàm Nghi để mua vài cái ăn cho sướng cái cỗ lòng.
Mãi nhiều năm sau này, tôi mới biết, đó là một trong những hiệu bánh mỳ nổi tiếng nhất Sài Gòn. Ờ, thảo nào ăn ngon thật.
Quận 1 vốn là tụ điểm ăn chơi của dân Sài thành, người Nam có câu nói: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1”. Và về đêm, Sài Gòn mang trong mình một bộ mặt hoàn toàn khác. Các cô, các chị, các em trút bỏ lớp giáp chống nóng ban ngày, ban đêm, họ trưng diện váy áo, xốn xang lại qua. Tiệm ăn, hàng quán, trung tâm mua sắm đông kín người. Lúc này, tôi mới thực công nhận, con gái Sài gòn xinh thật, lại dễ thương nữa.
Sài Gòn hoàng hôn. Ảnh: Shutterstock.
Rồi sau này, khi con ong đã tỏ đường đi lối về, tôi lại qua Sài Gòn thường xuyên hơn. Và không hiểu sao, tôi luôn mang cho mình những tâm thế mới, đến Sài Gòn, để khám phá những góc khác. Đó là những lần theo chân người quen nửa đêm lọ mọ dậy sớm đi chợ đầu mối Thủ Đức đánh rau về đổ mối, chạy lên tận Hóc Môn, Củ Chi để tìm hiểu về nhà máy bia, hay mô hình làm nhang trầm của mấy anh bạn,…
Nhưng thú nhất, có lẽ ở Sài Gòn là ẩm thực.
Bao lần trước, hầu như mỗi khi ghé Sài Gòn, có ba nơi mà tôi luôn đến, đó là bánh tráng cuốn thịt heo Hoàng Ty, lẩu cá kèo Bà Huyện và cà phê Gió Bắc cạnh hồ con rùa.
Bánh tráng cuốn thịt heo Hoàng Ty thì vốn có danh, có tiếng, những miếng thịt heo được thái mỏng, đẹp, bày biện lịch sự trên những chiếc đĩa sứ trắng tinh, ăn kèm là cả đĩa rau to đùng theo kiểu tập tàng, tôi chẳng biết là rau gì, nhưng dễ đến cả chục loại, cuốn chung với nhau rồi chấm mắm nêm ăn thì ngon phải biết.
Rồi còn chè Khúc Bạch nữa. Vào những ngày nóng, mộc chén chè Khúc Bạch, với vài miếng long nhãn trắng ngần, giòn tan và tươi mới, vài miếng thạch đầy màu sắc, ít đá viên nhỏ leng keng, mát lành,… Tất cả sẽ ngay lập tức khiến cảm giác nóng bức bị bỏ lại bên ngoài khung cửa.
Chè Khúc Bạch Sài Gòn với vị mát thanh sẽ xua đi cái nóng bức ngày hè. Ảnh: Internet.
Mấy năm gần đây Hà Nội cũng rộ lên mốt ăn chè Khúc Bạch, nhưng dù thử một vài lần, tôi vẫn thấy thua xa cái phong vị chè Khúc Bạch Hoàng Ty. Có lẽ, nó không chỉ là bí quyết, mà còn cả về cảm xúc nữa.
Còn cá kèo Bà Huyện, giờ, chẳng biết còn không nhỉ? Lâu nay, những mối quan hệ mới lại kéo tôi đi đến những địa chỉ nhậu nhẹt khác xưa (tính chung thủy của tôi cũng khác xưa, bởi giờ tôi muốn khám phá nhiều hơn ở các vùng đất mới). Nhưng ngày trước, cứ mỗi bận vào, bao giờ tôi cũng phải mò lên Bà Huyện. Một nồi lẩu cá kèo, vài xiên cá kèo nướng, thêm mấy chai Sài Gòn xanh, ấy thế là quá đủ cho một làn quan họ, để tôi và vài người bạn ăn cơm ngô nói chuyện thế giới cả buổi.
Riêng với cà phê, Gió Bắc, có lẽ là quán đầu tiên tôi ngồi. Tôi nhớ, lần đó hẹn con bạn với lời nhắn: “Tao muốn đến xem mặt mũi cái hồ con Rùa, mày dẫn tao đi”.
Con bạn tôi cười và bảo: Uh, nhưng đừng thất vọng.
Và tôi đã có cảm giác như bị lừa khi lần đầu chạm mặt hồ con Rùa. Nó khác hẳn với hình dung của tôi. Cũng từ đấy, trong định nghĩa về “hồ” của tôi có thêm một mức độ đề phòng hơn trước.
Và lần đó, dù ấm ức, nhưng tôi cũng vẫn lựa chọn tìm một quán cà phê cạnh hồ con Rùa để uống, để ngắm cho bõ tức. Và đó là Gió Bắc, quán nằm ngay đoạn cua, giữa đầu hai con phố Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân. Buổi đó, tôi và con bạn mang bao nhiêu chuyện từ lúc ra trường đến khi gặp lại ra hàn huyên, chuyện đời, chuyện nghề, hầm bà lằng đủ thứ.
Hồ Con Rùa, một địa điểm mà nhiều người lần đầu đến Sài Gòn sẽ tìm đến vì sự tò mò. Ảnh: Internet.
Nhiều lần sau này, chẳng hiểu sao, mỗi khi ghé Sài Gòn, tôi vẫn giữ thói quen mò lên đây uống cà phê, dù quán chẳng có gì độc đáo, thậm chí còn hơi chật chội.
Những lần đầu tiếp xúc với Sài Gòn, ánh mắt trong veo của một thanh niên trẻ mới vào đời có nhiều điều ngưỡng mộ lắm. Sài Gòn có nhiều cao ốc này, Sài Gòn có nhiều cửa hàng đẹp này, nhiều siêu thị sang trọng này, nhiều cao ốc này,…
Còn các quán cà phê, ngày đó là cả một khoảng cách lớn về thẩm mỹ làm đẹp. Tôi nhớ mãi, phải đến chừng những năm 2008 thì các quán cà phê ngoài Hà Nội mới để ý nhiều đến chuyện trang trí, decor, chứ trong Sài thành, quán cà phê là… cứ phải đẹp. Chỉ riêng cái hệ thống đèn nháy, quán xá Sài Gòn cũng đi trước Hà Nội ít nhất 5 năm.
Ngày đó, nhìn những Chợt nhớ, New Windown, Rista là thằng bé cứ bị mê mẩn. Quán gì mà đẹp thế!
Trải nghiệm ẩm thực Sài Gòn, còn là dịp để hiểu hơn về người thành phố. Người Sài Gòn làm dịch vụ bằng một sự chuyên nghiệp đáng ngạc nhiên. Một em phục vụ bàn, một anh order đồ hay anh đầu bếp, tất cả đều rất nhiệt tình. Họ làm việc tự nhiên, hết mình, chứ không như đâu đó nhiều nơi, dường như người ta không tự hào, thậm chí tự ti về công việc đang nuôi sống mình hàng ngày.
Ở đây thì khác, có lẽ vì vậy, vào Sài Gòn, nhiều người khó tính cũng dễ cảm thấy mến yêu. Cả người phương xa và người thành phố đều hào phóng cho nhau những nụ cười. Điều này xuất phát từ sự nhiệt tình tự tâm, từ sự bộc trực đáng yêu đến từ người thành phố.
Sài Gòn hiện là đô thị lớn nhất cả nước, cũng là thành phố có rất nhiều dân nhập cư. Ảnh: Shutterstock.
Một điểm nữa tôi rất thích, đó là Sài Gòn rất đông dân nhập cư, nhưng Sài Gòn lại cũng vô cùng đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, Sài Gòn ôm tất cả mọi người vào lòng, chở che họ, đồng hóa họ và biến họ thành một phần của Sài Gòn.
Nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy rất ít đô thị ở Việt Nam làm được điều này. Mà ngược lại, đô thị bị thay đổi theo lối sống, văn hóa của người nhập cư.
Sài Gòn còn gì nữa nhỉ, nhiều, nhiều lắm, từ những cơn mưa bất chợt, những ngày nắng vỡ đầu, và cả kẹt xe nữa, có quá nhiều thứ để yêu, hay để ghét ở thành phố đã hơn 300 năm tuổi này. Nhưng dù sao, bạn hãy nhớ, Sài Gòn luôn đón bạn bằng cả một niềm hân hoan nhất, dù bạn đã đến và đi bao lần chăng nữa.
“Phố xá thênh thang, đón chân tôi đến chung vui. Sài gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” (Sài Gòn đẹp lắm – Nhạc sĩ Y Vân).