Tháng 3 Tây Nguyên

(ĐTCK) Tây Nguyên lưu lại dấu ấn trong tôi không chỉ bởi núi rừng hoang dại, con người thân thiện, vị cà phê thơm ngon đậm đà, mà còn bởi hương hoa cà phê dịu dàng, ngát thơm khắp mọi nẻo đường Tháng 3.
Tháng 3 Tây Nguyên

Đắm say mùa hoa cà phê

Vùng địa lý Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Nông. Mỗi khi nhắc đến hai từ Tây Nguyên, người ta thường liên tưởng đến một vùng đất cao nguyên đầy nắng, gió và sự hoang dại của núi rừng.

Không chỉ là quê hương của đất đỏ bazan, nơi đây còn được biết đến là thủ phủ rộng lớn của cây cà phê. Những ngày cuối Xuân như bây giờ, khoác balô đi khắp Tây Nguyên, đến đâu ta cũng dễ bị say trong hương hoa cà phê thanh khiết với những đàn ong chăm chỉ làm mật cho đời.

Lần đầu tiên tôi đến Tây Nguyên là vào một ngày cuối tháng 2 Dương lịch. Sân bay Buôn Ma Thuột chiều hôm ấy chào đón chúng tôi bằng vài cơn gió ào ào thổi không ngừng nghỉ. Gió làm tóc tai, quần áo không còn thẳng hàng ngay lối. Gió đem theo hương hoa dại từ khắp cánh rừng Trường Sơn, từ cả những khu vườn trồng cà phê đang mùa nở rộ đến mơm trớn tâm trí lữ khách đường xa.

Mùa Xuân khi đó chưa biến mất hẳn, mà đương còn gói ghém lại chút hơi tàn chờ đợi Hạ sang. Cái nắng cuối Xuân hanh khô, trong trẻo và rực vàng như rót mật đã giúp kích thích muôn hoa đua nở.

Ra khỏi sân bay, chúng tôi dễ dàng thuê đươc một chiếc xe số sờn màu của người địa phương, bắt đầu cho hành trình khám phá các cung đường đất đỏ bazan phiêu lãng.

Tháng 3 được ví như mùa Xuân Tây Nguyên, bởi khắp núi rừng, nương rẫy đâu đâu cũng rực rỡ màu hoa, tung tăng đàn ong, đàn bướm.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là những buôn làng có rừng hoa cà phê lớn nhất cả nước tại Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk). Nếu Tây Bắc mùa này có hoa ban, hoa mận nở trắng đất trời, thì Tây Nguyên cũng rạng rỡ và tinh khôi không kém trong màu hoa cà phê.

Nghe nói, vụ hoa cà phê thường nhanh nở chóng tàn. Cuối Xuân, từng nét xanh nhạt nơi đầu búp bắt đầu lộ dần một màu trắng xóa và rực rỡ bung nở chỉ trong một vài ngày ngắn ngủi. Sau 2 - 3 đợt như thế, những thảm hoa trắng như bông chuyển thành những nụ quả xinh xinh. Rồi cho ra những quả cà phê.

Thời điểm hoa nở đồng loạt cũng không cố định, mà phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, đặc biệt là những cơn mưa. Cho nên, không phải ai cũng có may mắn bắt gặp đúng mùa hoa cà phê Tây Nguyên nở rộ và tôi là một người không may mắn như thế. Lúc tôi đặt chân đến Buôn Mê Thuột, người dân cho biết, các vườn cà phê ở đây phải 5 - 7 ngày nữa mới bung nở đồng loạt.

Không thể để chuyến đi thành công cốc, chúng tôi quyết định ở lại buôn làng một đêm. Tại nơi đây, tôi như lạc giữa một không gian của miền cổ tích sử thi khi cùng người dân nấu ăn, sinh hoạt tập thể. Người Tây Nguyên rất hiếu khách. Bất chợt ngang qua nhưng bạn cũng có thể trở thành khách quý, được chủ nhà mời ăn cơm, mời uống rượu cần và chuyện trò.

Đời sống văn hóa, tinh thần của họ cũng vô cùng phong phú. Tôi có cảm giác như người Tây Nguyên gần như không biết đến hai từ lo lắng, muộn phiền. Mỗi căn nhà đều như một bảo tàng sinh động lưu giữ nhiều nét văn hóa và hiện vật có giá trị của Tây Nguyên. Và sau mỗi bữa cơm tối quây quần, tiếng cồng chiêng, điệu xoana và những bình rượu cần luôn là những hoạt động gắn kết không thể thiếu của buôn làng.

Sáng hôm sau chia tay với Buôn Mê Thuột, chúng tôi tiếp tục rong xe qua những con đường đất đỏ đầy bướm để đến với Pleiku (Gia Lai) yên bình. Chỉ mới ở ngoài cửa ngõ của phố núi, nhưng chúng tôi biết được mình đã gặp may khi dễ dàng nhận ra mùi hoa cà phê quyện trong gió núi khiến đường dẫu xa cũng trở nên thật gần.

Ngay cả những người có dịp ở gần mùa hoa cà phê, thì vẻ đẹp mỗi lần hoa nở vẫn khiến họ ngỡ ngàng. Loài hoa ấy, hương sắc ấy mang nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, khiến Tây Nguyên chưa xa đã nhớ.

Mới đêm qua thôi, cả rẫy cà phê còn xanh ngắt màu lá, những búp hoa xinh xắn đang còn ẩn mình. Vậy mà sáng hôm sau, nụ đã chuyển mình thức tỉnh và bung ra những cánh hoa tinh khôi chào ngày mới. Hoa cà phê trắng ngần, tinh khiết, mọc thành chùm khiến lòng người ngẩn ngơ.

Dưới bầu trời trong xanh và cái nắng dịu nhẹ, những bông hoa nhỏ xinh, trắng muốt, mang vẻ đẹp nhẹ nhàng hòa quyện cùng nhau tạo ra khung cảnh trắng như tuyết. Màu trắng của hoa cũng như thêu như dệt tấm thảm tinh khôi trải khắp các triền đồi, nương rẫy.

Không những thế, chúng còn tỏa ra một hương thơm vô cùng đặc biệt, rất khó quên và khó cưỡng cầu. Không quá nồng nàn mà cũng chẳng dịu nhẹ. Không thơm sực nức mà cũng chẳng thoang thoảng theo gió bay. Không quấn quýt đuổi theo lữ khách cũng chẳng quanh quẩn vấn vương.

Với tôi, hoa cà phê có hương thanh khiết, tinh khôi tự như những thiếu nữ e ấp, thẹn thùng. Nhưng chị bạn đi cùng thì cho rằng, hương hoa cà phê có vị ngọt, người tinh tế sẽ nhận ra nó trong những sáng sớm ở vùng đất đỏ bazan mênh mông. Vị ngọt ấy được tạo nên từ sự hòa trộn rất “linh thiêng” của tạo hóa và đàn ong, nên nó trở thành một dấu ấn khó phai với mỗi ai đến vùng đất cao nguyên khi mùa hoa cà phê trắng xóa bung nở.

Hóa ra, cái lúc trời đất giao thời ấy chính là thời gian thích hợp nhất cho bầy ong rong ruổi đi tìm hoa tích mật.

Mùa con ong đi lấy mật

“Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật”. Lại một mùa hoa cà phê nữa nở trắng bồng bềnh trong gió trong sương. Lạc vào không gian ấy, dạo theo con đường giữa màu hoa trắng, bắt gặp biết cơ man nào là những chú ong cần mẫn hút mật.

Mùi hương ngọt ngào của hoa cà phê đã quyến rũ bầy ong từ khắp nơi tụ về. Năm này qua năm khác, những tán rừng cà phê cho ong mật ngọt và ngược lại, những bầy ong chăm chỉ hút mật, thụ phấn cho hoa kết trái. Đời mỗi con ong tuy ngắn ngủi, nhưng ý nghĩa vì chúng đã được sống một chuỗi ngày tận hiến.

Rồi từ phấn hoa thành mật là một chu trình bí ẩn, thần thánh của loài ong mà đến con người phải xuýt xoa thán phục. Mật ong lấy từ hoa cà phê cũng khác hẳn với những loài hoa khác vì giọt mật đặc sánh, màu mật cũng vàng đậm đà như màu hổ phách.

Năm này qua năm khác, quả ngọt từ vụ cà phê hay những giọt mật thơm đàn ong mang về đã giúp cuộc sống của vùng đất Tây Nguyên trở nên ngày một giàu đẹp hơn.

Và trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn bươm bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê bay về tạo nên một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, đem lại cái hồn cho mùa hoa cà phê.

Bị choáng ngợp với vẻ đẹp tháng 3 Tây Nguyên, nên rời đi rồi mà trong đầu tôi vẫn ẩn khuất câu hỏi: Vì sao tạo hóa lại ban cho đất trời Tây Nguyên một mùa hoa lạ lùng mà đẹp thanh khiết đến vậy nhỉ? Chắc chỉ có lên đường và trải nghiệm, chúng ta mới có câu trả lời thỏa đáng cho riêng mình mà thôi. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục