Intel muốn tăng gấp đôi giá trị cung cấp nội địa

Dù đã có tới 94 nhà cung cấp nội địa với tổng giá trị là 11 triệu USD, nhưng Intel vẫn muốn gia tăng gấp đôi giá trị hàng hóa đến từ các nhà cung cấp nội địa.
Intel là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam Intel là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam

Tại buổi gặp gỡ “Nhà cung cấp và thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao”, tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vào cuối tuần qua, bà Sherry Bogger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, theo quy trình sản xuất, nếu sau 24 giờ không có đủ nguyên liệu, nhà máy của Intel sẽ phải dừng sản xuất và sẽ thiệt hại rất lớn.

Vì vậy, “Intel rất coi trọng việc giữ hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn”, bởi thế, trong sự cố gây ra bởi những kẻ quá khích tiến công, phá hoại các doanh nghiệp tại các địa phương Bình Dương, Đồng Nai hồi giữa tháng 5 vừa qua, có 2 nhà cung cấp nội địa của Intel tại TP.HCM và Bình Dương bị ảnh hưởng, để duy trì sản xuất, Intel phải đưa ngay một lô hàng từ Malaysia về Việt Nam.

Sau đó, với sự hỗ trợ của SHTP và chính quyền địa phương, việc cung cấp các nguyên liệu của nhà cung cấp nội địa chỉ bị gián đoạn thời gian ngắn.

Từ câu chuyện này, bà Bogger nhấn mạnh đến vai trò của các nhà cung cấp nội địa đối với hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có quy mô toàn cầu như Intel. “Trong năm 2013, Intel có 4 nhà cung cấp mới, tổng chi phí cho nhà cung cấp nội địa là 11 triệu USD”, bà Bogger cho biết và mong muốn trong năm nay, con số này sẽ tăng lên gấp đôi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bogger đánh giá, dù hiện nay, Công ty đã có 94 nhà cung cấp nội địa, trong đó có 20 nhà cung cấp sản phẩm trực tiếp, nhưng những nguyên liệu mà Intel nhận được từ các nhà cung cấp này có giá trị còn thấp và mới chỉ dừng lại ở các loại hàng hóa dùng trong đóng gói, đồ cơ khí, hóa chất; hàng hóa tiêu dùng trong vận hành nhà máy, dùng cho vận hàng, bảo trì, dịch vụ…

Trong chiến lược phát triển, lĩnh vực kinh doanh mới của Intel đòi hỏi chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn. Và trong chiến lược mới này, vai trò của các nhà cung cấp nội địa sẽ ở vị trí cao hơn. Tuy nhiên, đại diện của Intel cũng cho rằng, không chỉ  mong muốn tăng về số nhà cung cấp, mà các nhà cung cấp nội địa cũng phải đáp ứng các tiêu chí phù hợp với chiến lược phát triển của Công ty.

Theo đó, các nhà cung cấp nội địa cần cải tiến quy trình quản lý sản xuất – kinh doanh để đạt và duy trì các chỉ số về thời gian giao hàng, chất lượng và tính cạnh tranh; có chiến lược dài hạn; thực hiện đầy đủ những tiêu chí  mà Intel đã cam kết… Theo đại diện của Intel, đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội của các nhà cung cấp nội địa. “Sự thành công với vai trò là nhà cung cấp nội địa của Intel ở nước sở tại sẽ dẫn tới thành công ở khu vực hay toàn cầu cùng với sự mở rộng của Intel”, bà Bogger nhấn mạnh.

Thông tin từ Intel Việt Nam cho biết, trong năm 2014, trọng tâm mua nội địa của Công ty là nguyên vật liệu dùng trong sản xuất (dùng cho phòng sạch, như Nexwipe, Gloves, ESD tags, ESD shoes…); nguyên vật liệu bằng polymer (các đầu hút, như Suction cups, Vacuum cups, Nozzles); nguyên liệu đóng gói (thùng carton các loại)…

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, việc tổ chức những buổi gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP và các nhà cung cấp nội địa đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào hệ thống cung cấp của doanh nghiệp tại SHTP, có quy mô chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu như Intel, Samsung, Datalogic…”, ông Quốc nói và cho biết, SHTP cũng mời các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho  các doanh nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu mà SHTP đặt ra là, đến năm 2015 tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đạt 25% và đến năm 2020 con số này sẽ là 40%.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục