“Kích hoạt” FDI công nghệ cao

Xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ sạch, công nghệ cao ở Việt Nam đang trở nên rõ nét hơn.
Sự xuất hiện của nhiều dự án công nghệ cao đã góp phần nâng “chất” dòng vốn FDI   Sự xuất hiện của nhiều dự án công nghệ cao đã góp phần nâng “chất” dòng vốn FDI

Cách đây đúng 1 tuần (ngày 10/3/2014), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, đã chính thức đưa nhà máy sản xuất điện thoại di động thứ hai tại Việt Nam đi vào hoạt động.

Tuy công suất hiện tại của Dự án chưa lớn, chỉ khoảng 2 triệu sản phẩm/tháng, song theo ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung Complex, quý IV năm nay, công suất sẽ tăng lên 8 - 9 triệu sản phẩm/tháng và nhanh chóng có được quy mô sản xuất tương tự nhà máy của Tập đoàn ở Bắc Ninh. Theo kế hoạch, trong năm nay, cả hai nhà máy này sẽ xuất khẩu các sản phẩm điện thoại di động đạt giá trị khoảng 35 tỷ USD.

Dù vẫn còn ý kiến cho rằng, sản xuất của Samsung tại Việt Nam vẫn thiên về lắp ráp là chính, nhưng theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sau Intel, sự xuất hiện của Samsung, Nokia và hàng loạt tên tuổi lớn khác của “làng công nghệ” thế giới đã mang tới một “sinh khí” mới cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam. Thay vì chỉ đầu tư cho các lĩnh vực thâm dụng lao động như trước đây, nhiều nhà đầu tư đã chọn những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch phục vụ sản xuất. Điều này góp phần nâng “chất” dòng vốn FDI.

Nối bước Samsung là Nokia, với nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Bắc Ninh, đã đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. Trong khi đó, LG cũng đang rục rịch lên kế hoạch sản xuất của nhà máy sản xuất đồ điện tử ở Hải Phòng. Theo dự kiến, khoảng tháng 7 năm nay, dự án có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD này sẽ đi vào sản xuất thử nghiệm.

Nhà máy này, trong kế hoạch của LG, sẽ sản xuất các sản phẩm máy giặt, máy hút bụi, điều hòa, ti vi, điện thoại và thiết bị âm thanh cho ô tô. Tuy nhiên, trong 2 năm 2014 - 2015, sẽ chủ yếu sản xuất và xuất khẩu máy giặt và máy hút bụi. Dự kiến, đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 600 triệu USD, năm 2016 là 1,8 tỷ USD, năm 2020 đạt 3 tỷ USD.

Trong khi đó, Intel, nhà đầu tư được cho là có công rất lớn trong việc “kích hoạt” FDI công nghệ cao vào Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2013, họ đã chính thức chuyển đổi dây chuyền sản xuất mới để cho ra các sản phẩm chipset có giá trị cao hơn, độ khó và độ phức tạp cũng cao hơn.

“Diện tích nhà máy của Intel ở Việt Nam lớn gấp 3 lần các nhà máy khác của Intel trên khắp thế giới”, bà Sherry, Giám đốc Điều hành Công ty Intel Việt Nam cho biết thêm.

Sau Intel, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, cả lớn và nhỏ, đã lần lượt tìm đến Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, tuy chưa có dự án lớn, nhưng hấp lực từ các dự án của Samsung, LG, Nokia... đang đưa các nhà đầu tư khác trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao tìm đến Việt Nam.

Chỉ cách đây chưa lâu, Công ty Wonderful Saigon Electrics Co., Ltd (Nhật Bản) đã quyết định đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng sản xuất các sản phẩm camera module dùng cho điện thoại di động, các loại bo mạch điện tử (PCB) dùng cho thiết bị mạng thế hệ sau. Tập đoàn Siflex (Hàn Quốc) cũng đã nỗ lực để có được khu sản xuất cũ của Sanyo OPT để sản xuất các linh kiện điện tử như bản mạch in, được sử dụng cho các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, với vốn đầu tư 106 triệu USD.

“Hy vọng, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam”, ông Park Jung Soo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Siflex nói và cho biết, các sản phẩm của Siflex sẽ được cung cấp cho Samsung, Nokia, LG…

Còn có thể nối dài những “cái tên công nghệ” có những dự án mới hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam như Canon, với việc vừa đưa vào hoạt động nhà máy mở rộng ở KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), vốn đầu tư 27 triệu USD; hay On Semiconductor, với nhà máy mở rộng, vốn đầu tư 75 triệu USD, ở KCN Biên Hòa 2 (Đồng Nai). Trong khi Canon chuyên sản xuất máy in, thì On Semiconductor sản xuất mạch tích hợp lai (HIC) và các linh kiện bán dẫn rời dùng cho xe hơi, thiết bị gia dụng cùng các ứng dụng công nghiệp khác.

Còn nếu là các dự án mới, có thể kể đến dự án của nhà đầu tư SkyBridge ở Thái Nguyên, vốn đầu tư 3 triệu USD; hay YONGBO VINA, vốn đầu tư 8 triệu USD, ở Bắc Ninh…

Năm 2013, nhờ sự xuất hiện của Samsung, ngoài thu hút được hai dự án 1,2 tỷ USD và 150 triệu USD của các công ty con là Hansol và Samsung Electro - Mechanics, Thái Nguyên còn “lôi” được 23 dự án phụ trợ cho Samsung, với quy mô vốn đăng ký trên 300 triệu USD tại riêng KCN Điềm Thụy. Trong khi đó, KCN Sông Công 1 cũng đã có 2 dự án đăng ký làm doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung, với vốn đăng ký 7 triệu USD.

Sự có mặt của các dự án này đang có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Năm 2013, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã lên tới 31,8 tỷ USD.

Hà Nguyễn(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục